Báo Công An Đà Nẵng

Người đàn bà giữ bóng thời gian

Thứ bảy, 22/04/2023 07:25
2 tập tản văn “Như những sớm mai”, “Hoa Trung du” của Nguyễn Thị Diệu Hiền.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tiên Phước (Quảng Nam), Diệu Hiền yêu da diết cánh đồng, dòng sông, giọng nói… và tất cả những gì có trên vùng đất miền Trung đầy nắng gió. Thấm tràn trên từng con chữ là cái tình quê da diết đến quặn lòng. Cảm thức về cảnh, về người bao trùm lên 2 tập tản văn, gọi về trong ký ức, đánh thức, lan tỏa, vương vấn cả cõi tâm hồn của người viết và người đọc.

Này giếng Vừng, này bếp lửa mùa đông, này hương ổi, này cỏ dại, ngõ chè tàu…Bao mùi nhớ thương được cất giữ trong thẳm sâu tâm hồn, trong khắc khoải ký ức bồng bềnh, phiêu linh của người con gái đa cảm. Tôi gọi Nguyễn Thị Diệu Hiền là người giữ bóng thời gian. Bởi tất cả những gì đi vào trong tản văn của chị đều bình dị, gần gũi, gắn bó với phong tục, tập quán, với hồn xưa nơi làng quê Việt nhưng không phải ai cũng ôm giữ giữa dòng chảy cuộc sống. Với lợi thế là cô giáo dạy Văn, Diệu Hiền đã viết về thiên nhiên, cảnh vật, về những nét sinh hoạt chốn thôn dã bằng lời văn, câu chữ nhẹ nhàng, trong sáng và thanh thoát. Bằng tâm thế của người đi qua bao mùa nhớ, với tình yêu đằm sâu cộng với trái tim nhạy cảm, Hiền đã rong ruổi trên những triền đê cuối ngày, nghe lời ru ban trưa, ngắm hoa đêm, ngắm thu về trên lá… Dù viết về điều gì, chị cũng phả vào đó bao yêu thương, trìu mến, dễ chạm đến trái tim bạn đọc, đánh thức, khơi gợi kỷ niệm ngọt ngào về những tháng ngày xưa cũ của thời thơ dại.

Như những sớm mai bao gồm 30 bài và Hoa trung du gồm 33 bài. Câu từ ngắn gọn, cô đọng. Lối văn dịu dàng, hiền hậu như cái tên của chị. Những tính từ như rưng rưng, bâng khuâng, thao thức, nhớ, nao nao… cứ trở đi trở lại trong những trang văn của người đàn bà đẹp. Tôi thích Cái vũng trâu nằm; Ngày mùa bỗng nhớ; Hoa cứ vàng đi nhé!; Mưa vẫn mưa bay; Đường làng... Đọc, cứ nghe da diết, mênh mang hoài niệm: “Làng quê thức dậy cùng muôn vàn âm thanh. Trong nỗi day dứt, hụt hẫng vì những tiếng chim cứ lặng dần, mất dần ở nhiều miền cỏ cây, tim người bỗng reo vui khi về lại chốn xưa, lắng mình trong bản hòa ca của chim muông hoa lá. Giai điệu dường như đã quá quen thuộc thời thơ trẻ, quen đến nỗi người xem như là lẽ thường. Thế rồi lớn lên, rồi xa, rồi thấy mình đã đánh mất hay lãng quên nhiều thứ, người lại thèm quay về những dấu yêu đời thường. Giản dị mà thiêng liêng. Tiếng chim buổi sáng thức dậy trong tôi những xúc cảm nao nao, thoáng dư vị buồn sâu lắng” (Như những sớm mai)… Mỗi tản văn của Hiền thường bắt đầu bằng những xúc cảm trong trẻo mà ngậm ngùi, từ tốn mà nao nao khi tìm về những gì đã một thời gắn bó giờ ít nhiều mai một. Và cứ thế, những dòng văn trôi đi trong niềm khắc khoải, chân thành…

Trải lòng thênh thang giữa đời, thích hoài niệm, trân trọng những điều bình dị, thân quen, Nguyễn Thị Diệu Hiền mải miết đi tìm, nhặt nhạnh, gom lại những gì xưa cũ để nâng niu, để trân trọng. Chị tìm về cái giếng nước ở làng Lộc Yên, về cây rơm lặng lẽ nơi góc vườn, về cái sân nhà ngày mùa bỗng rộn rã hẳn lên; mùa hè tuổi thơ với không gian ấm áp giữa trời xanh vời vợi…Cô gái ấy cứ mải miết soi bóng mình trong dòng chảy thời gian để lặng lẽ thao thức, đau đáu tìm về những gì đã qua của một thuở xanh màu thơ dại...

Đặc biệt, đọc Như những sớm mai và Hoa trung du, tôi cảm nhận sâu sắc cái tình quê chan chứa mà chị dành cho vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng của mình. Những tên đất, tên làng, những ngọn núi, dòng sông, những sắc màu lễ hội hay đặc sản quê hương đều được Diệu Hiền gọi tên, nhắc đến bằng tất cả thương yêu ngọt ngào. Đó là dọc theo con suối Vực Lâm làng tôi hay hai bên bờ sông Đá Giăng, lộc vừng nhiều ơi là nhiều; là ngôi làng cổ Lộc Yên có đặc sản là ngõ đá, là cây lòn bon trên vùng đất Tiên Phước, là sông Tiên thơ mộng uốn lượn qua nhiều vùng quê, làng mạc và trập trùng đồi núi; là bánh tổ - vừa ngon, vừa mộc mạc chân chất, mang đậm bản sắc xứ Quảng... Với Hiền, đó là hồn, là vía, là cả khung trời ký ức trong trẻo vô ngần.

Nhẹ nhàng, trong trẻo, vẹn nguyên cảm xúc, đong đầy yêu thương; song tản văn của Nguyễn Thị Diệu Hiền cũng đọng lại những dư âm khiến ta không thôi suy ngẫm bởi chứa đựng biết bao ý tứ sâu sắc trong đó. Không lắng lòng sao được khi đọc những dòng văn da diết như thế này: “Sông Tiên ơi, qua bao biến cải, nắng xuân vẫn mềm, mặt trời vẫn vừa xa, vừa gần, lấp lánh tự trên cao. Nắng tỏa dịu dàng như lòng người xa xứ hiếm có dịp hồi hương. Tại sao khi tuổi đời đã mênh mông, khi bóng nắng đã dài, tôi mới nhận ra điều kỳ diệu này nhỉ? Mà thôi, đám hoa cải bên bờ vẫn rưng rức màu nhớ, con nắng liêu xiêu dọc triền sông vẫn tuyệt vời quá đỗi. Muộn còn hơn không!”. (Triền sông con nắng vẫn mềm). Hay kết thúc Hồn của đá, Diệu Hiền có những suy tư về hồn đá – kiếp nhân sinh: Nhạc sỹ họ Trịnh tài hoa để đời những ca từ “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Nếu hạt cát nhỏ là một khoảnh khắc của sự sáng thế mà vũ trụ cần hàng triệu năm để tạo ra, thì những phiến đá này đã là sự sống của triệu triệu năm. Sỏi đá cần nhau, con người cũng rất cần sỏi đá để cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc đời, về dòng chảy miên viễn của thời gian, về những hòn đá lặng lẽ trên đồi…

Với những ký ức vẹn nguyên mùi ruộng đất, mùi khai khai của cây cỏ mát rượi dưới lòng bàn chân, mùi mồ hôi của bà, của người lao động…, dẫu “Thời gian chẳng có bờ/ Thời gian cứ chảy trôi”, Nguyễn Thị Diệu Hiền vẫn làm người giữ bóng thời gian, làm cuộc hạnh ngộ cho những tâm hồn rời quê, xa quê bao ngày tháng. Những tản văn xinh xắn của Hiền thật sự đưa ta trở về chốn yên bình cho thỏa nỗi nhớ mong, và ở mãi cùng tháng năm…

Trần Văn Toản