Báo Công An Đà Nẵng

Người đàn bà “hiền lành”

Thứ sáu, 11/09/2015 11:52

(Cadn.com.vn) - Tuy phận nữ nhi, nhưng Lan lại lỳ lợm, sẵn sàng xuống tay triệt hạ đối phương để giải quyết mâu thuẫn bằng thủ đoạn man rợ. Khi Lan bị bắt, chủ nhà không thể ngờ bà Ôsin hiền lành, chăm chỉ bấy lâu lại có quá khứ “tiếng tăm” đến vậy.

Cũng khá lâu, vào đầu tháng 4-1998, tại Bến xe Đà Nẵng (cũ) xảy ra vụ tạt a-xít táo tợn khiến tất cả ai chứng kiến phải sững sờ. Cuối chiều, khi anh Lê Văn Thành (1975, trú Thạnh Mỹ, Nam Giang, Quảng Nam) là phụ xe khách chạy tuyến Đà Nẵng - Nam Giang đang sắp xếp khách để lên miền ngược, thì bất chợt Lê Thị Lan (1958, cùng trú Thạnh Mỹ) xuất hiện. Lan bước xuống từ một xe khách khác và lao về phía anh Thành đòi “nói chuyện” vì trước đó 2 người láng giềng này có mâu thuẫn chuyện tiền bạc.

Cụ thể, Lan nói rằng anh Thành mượn tiền nhưng không trả, lại còn đánh rách đầu mình, nên khi ra viện Lan tìm mua a-xít tính kế trả thù. Trong khi đó, anh Thành cho rằng mình không nợ tiền Lan, ngược lại Lan đi xe khách của mình nhiều lần nợ 70 ngàn đồng mà không trả. Gặp ở bến xe, Lan và anh Thành nói chuyện tử tế với nhau bất thành, sau đó xảy ra cãi vã. Nhiều phụ xe và hành khách khi đó cũng chẳng quan tâm lắm bởi việc cãi nhau giữa hai người ở bến xe chẳng có gì lạ. Nhưng điều khiến mọi người phải thất kinh ngay sau đó là Lan lấy một ca a-xít đã chuẩn bị sẵn từ trên xe khách xuống và tạt vào mặt anh Thành. Rất lạnh lùng, Lan rời khỏi bến xe ngay sau đó, để lại anh Thành với khuôn mặt bỏng vì đau đớn, còn mọi người thì tròn mắt kinh ngạc.

Lan làm việc với CQĐT CAQ Thanh Khê.

Biết rằng hành vi của mình sớm muộn cũng bị xử lý nên Lan nhanh chóng trốn khỏi nơi cư trú. Địa điểm mà Lan nhắm tới chính là huyện miền núi Lộc Ninh, Bình Phước. Vào thời điểm đó phương tiện đi lại còn khó khăn, các xã miền núi còn thưa vắng người, đặc biệt như xã Lập Thành (Lộc Ninh) cách TX Bình Phước hơn 100km thì lại càng heo hút. Tới miền đất heo hút đó, Lan tin rằng sẽ khó bị phát hiện nên ra sức tạo dựng cho mình một vỏ bọc mới. Gặp những người hàng xóm, Lan kể rằng cuộc sống ở quê khó khăn nên phiêu dạt đi tìm miền đất mới dễ sống hơn, một thời gian sau ổn định sẽ đưa chồng con lên. Quả nhiên, không lâu sau đó, Lan bí mật liên hệ với chồng con bảo rời Nam Giang tìm tới H. Lộc Ninh. Do công tác quản lý dân cư thời điểm đó chưa chặt chẽ nên cả gia đình Lan rời khỏi Nam Giang cũng không ai biết đi đâu và gần như cắt đứt mọi quan hệ với quê nhà.

Tại miền đất mới, gia đình Lan phát nương rẫy tìm kế sinh nhai. Thời gian cứ trôi qua, quá khứ tội lỗi của Lan cũng được bọc kín kẽ hơn cho tới một ngày, cái “máu giang hồ” của Lan lại nổi lên. Ấy là vào đầu năm 2009, do con trai Lan có mâu thuẫn với hàng xóm nên người hàng xóm này sang nhà Lan “khẩu chiến”. Là đàn bà nhưng Lan lại không thích nói nhiều mà chỉ thích... hành động. Mẹ con Lan liền “tiếp” hàng xóm bằng một trận vũ lực ra trò. Riêng Lan hăng máu dùng rựa phát rẫy bổ luôn vào đầu ông hàng xóm khiến ông này bị trọng thương, chết não, phải nuôi não mới níu kéo được sự sống. Sau vụ “dạy” hàng xóm ở miền đất mới, con trai Lan bỏ trốn, tới năm 2013 thì bị bắt, chấp hành án tại Bình Long - Bình Phước. Riêng Lan bị bắt ngay sau đó, bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt 6 năm tù cũng tại Bình Long - Bình Phước.

Lan được di lý về Đà Nẵng.

Đầu tháng 9-2014, sau khi rời trại giam, Lan không về Lộc Ninh cùng chồng mà phiêu dạt lên TPHCM mưu sinh. Tại đây, Lan xin vào làm giúp việc cho một gia đình ở Q.12. Được một thời gian ngắn, Lan lại chuyển sang Q. Bình Tân để giúp việc cho một gia đình khác. Trong thời gian này Lan vẫn đang bị CQĐT CAQ Thanh Khê truy nã về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Cũng vì vậy, Lan chăm chỉ làm việc và rất ít khi ra khỏi nhà. Sự chăm chỉ, hiền lành đến tội nghiệp của Lan khiến chủ nhà không hề hay biết gì về quá khứ đầy tội lỗi của bà giúp việc. Khi được hỏi, Lan cũng chỉ trả lời qua loa, rằng gia đình ở Quảng Nam rất nghèo khó, phải phiêu dạt đi làm thuê, gửi tiền về nuôi chồng đau ốm.

Đầu tháng 9-2015, tức là sau 1 năm ra tù, Lan bị lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm của CATP Đà Nẵng bắt giữ. Lúc này, chủ nhà rất ngạc nhiên, không tin vào mắt mình khi hỏi các trinh sát: “Có phải các anh bắt nhầm người?”. Vì trong mắt chủ nhà, Lan là Ôsin hiền lành đến tội nghiệp. Lúc đó, chỉ Lan hiểu chuyện gì đã xảy ra. Khuôn mặt cúi gằm của Lan đã là câu trả lời rõ ràng cho chủ nhà. Hành trình hơn 10 năm trốn truy nã của Lan cũng tới hồi khép lại.

Hải Quỳnh