Báo Công An Đà Nẵng

Người dân bất bình vì chính quyền không minh bạch trong công tác đền bù

Thứ sáu, 19/02/2021 16:04

Theo phản ánh của người dân tại địa bàn thôn 9, xã Đắk Ruồng, H. Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, do việc thu hồi đất cho Dự án Hồ chứa nước Đắk Pokei nằm trên địa bàn thôn 9 (xã Đắk Ruồng) có dấu hiệu không minh bạch nên gây phản ứng trái chiều trong nhân dân địa phương.

Trụ tiêu gỗ của những gia đình xung quanh làm cùng thời điểm với gia đình bà Nga được nhận đền bù nhưng gia đình bà bị từ chối.

Vay mượn để phát triển kinh tế

Bà Kiều Thị Nga (trú thôn 9, xã Đắk Ruồng) cho hay, năm 2000, gia đình bà khai hoang 3,7 ha đất rừng thuộc địa bàn xã Đắk Ruồng. Đến năm 2017, nhà bà mua thêm 1,1 ha đất cạnh diện tích khai hoang và gia đình bà đã tận dụng gỗ tại chỗ để làm trụ tiêu. Đến năm 2019, số lượng trụ và cây tiêu đã trồng là 3.500 trụ, nhưng sau đó, tiêu bị chết, đến nay chỉ còn lại 800 cây. Từ năm 2000 – 2020, khai hoang đất đến đâu, gia đình bà Nga làm hàng rào lưới B40 đến đó. Nhà bà cũng mua thêm gần 20 gia súc về chăn thả. Chuối được trồng thêm ở vị trí phù hợp để lấy quả và thức ăn cho gia súc. Đầu năm 2019, gia đình bà làm 2 ngôi nhà gỗ để ở, tiện cho việc chăm sóc vườn tiêu.

Tháng 3-2020, đoàn công tác H. Kon Rẫy đến đề nghị gia đình bà Nga kiểm đếm tài sản trên đất (bao gồm cả trụ và cây tiêu). Mục đích kiểm đếm là thu hồi đất phục vụ Dự án xây dựng Hồ chứa nước Đắk Pokei. Theo bà Nga, việc lập biên bản kiểm đếm tài sản đền bù trên đất có nhiều bất thường. Ban đầu, cơ quan chức năng lập biên bản kiểm đếm ngày 11-3-2020, gồm đại diện các ban, ngành địa phương và chủ gia đình.

Hơn 1 tháng sau, Hội đồng bồi thường gọi chủ hộ lên thống nhất lại số liệu khác với biên bản kiểm đếm ban đầu. Gia đình bà Nga không đồng ý cách làm của cơ quan chức năng vì số liệu sai lệch so với biên bản ban đầu. Đến ngày 2-11-2020, một đoàn khác đến gia đình bà Nga kiểm đếm lại tài sản (biên bản này được chủ hộ ký) sau đó, các bên ký nhận tại hiện trường, nhưng Hội đồng bồi thường huyện không công nhận biên bản kiểm đếm này.

Bà Nga cho biết: “Để làm được diện tích tiêu trên, gia đình tôi đã phải vay mượn anh em bạn bè khắp nơi, làm liên tục trong nhiều năm chứ không phải làm trong thời gian ngắn. Minh chứng là diện tích tiêu đã cho thu hoạch, số trụ tiêu còn lại có thể giám định lúc nào cũng được. Vì vậy, khi Hội đồng đền bù huyện nói dân trồng tiêu để trục lợi là không chính xác”.

Ngôi nhà của bà Nga không được đền bù mặc dù xây dựng cùng thời điểm với nhiều gia đình khác trong khu vực.

Bất nhất trong cách tính đền bù

Ông Đỗ Dũng Sỹ- Hội đồng bồi thường H. Kon Rẫy, cho biết: Dự án Hồ chứa nước Đắk Pokei được thông báo thu hồi đất từ tháng 11-2019. Đến tháng 3-2020 bắt đầu công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án. Nhiều gia đình nằm trong khu vực lòng hồ Đắk Pokei đều ký vào biên bản và gia đình ông Toàn và bà Nga ban đầu đồng ý phương án đền bù. Nhưng sau đó gia đình đổi ý và có đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng. Cũng theo ông Sỹ, gia đình bà Nga có hơn 3.000 trụ tiêu, nhưng đa phần không đúng quy cách. Vì chu kỳ cây tiêu lên đến 20 năm, nên trụ tiêu phải làm từ cột bê-tông hoặc gỗ có độ bền cao, nhưng trụ tiêu của gia đình bà Nga làm bằng gỗ không bền. Vị trí cột chưa có cây trồng nên không xác định mục đích là trồng tiêu hay thanh long, chanh leo... Ngoài hơn 3.000 trụ tiêu, gia đình bà Nga còn có căn nhà gỗ diện tích 103,8m2 cũng không được đền bù. Ông Sỹ khẳng định, chỉ đề nghị đền bù cho 700 trụ và cây tiêu, số trụ còn lại và căn nhà gỗ không được đền bù.

Tuy nhiên, bà Kiều Thị Nga phản bác ý kiến của Hội đồng đền bù huyện. Bà cho rằng, tại Quyết định số 24/2029/QĐ-UBND ngày 19-12-2019 của UBND tỉnh Kon Tum không quy định quy cách trụ tiêu là gỗ hay bê-tông, độ bền bao nhiêu năm. Số lượng 700 trụ và cây tiêu được chấp nhận đền bù cũng được gia đình bà làm bằng gỗ. Nếu không đúng quy cách thì sao 700 trụ tiêu đó lại được đền bù?

Bà Nga còn cho rằng việc đền bù mang tính chủ quan. Bởi cùng trụ gỗ làm trong thời gian như nhau nhưng có gia đình được đền bù, có gia đình không. Bà cho rằng, việc người dân tận dụng làm trụ tiêu từ gỗ không bền là do họ còn nghèo. Sau này bán tiêu được tiền rồi mới đầu tư trụ bê-tông bền hơn. Theo bà Nga, số tài sản trên đất của gia đình hình thành trước khi có thông báo thu hồi đất cho dự án. Nhiều hóa đơn mua cây trồng, lưới thép bà vẫn giữ. Gia đình bà có nhiều nhân chứng và cơ quan chức năng có thể giám định trụ tiêu bất cứ lúc nào.

Bà Nga khẳng định, trước đó, nhiều hộ dân khu vực ảnh hưởng của dự án chưa nhận được bất kỳ thông báo thu hồi đất nào. Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào kiểm đếm tài sản mới biết là dự án làm hồ chứa nước được triển khai. Hơn nữa, phía Hội đồng đền bù không đưa ra được bất kỳ văn bản pháp lý nào quy định về quy cách trụ tiêu.

“Tôi cũng như người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án tuyệt đối tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhưng phía cơ quan chức năng phải đưa ra được cơ sở pháp lý rõ ràng, bằng văn bản. Không thể làm theo cách chủ quan như hiện nay”, bà Nga nói.

K.T