Báo Công An Đà Nẵng

Người dân Bình Dương với Bác Hồ

Thứ bảy, 16/05/2015 09:50

(Cadn.com.vn) - Chúng tôi về xã Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam), nghe nhiều chuyện lạ về vùng đất 2 lần Anh hùng LLVTND và 1 lần Anh hùng Lao động. Cảm động nhất là lòng dân Bình Dương với Bác Hồ.

Thương binh Phan Chí Hướng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã kể về những ngày đầu tháng 9-1969 khi ông là giáo viên dạy lớp 4 ở Bình Dương. Giọng ông chùng xuống: “Lớp tôi lúc đó khoảng 20 học sinh. Do điều kiện chiến tranh, đi học muộn, nên hầu hết các em đã vào tuổi thiếu niên, biết giác ngộ cách mạng. Tình cờ, mở radio và nghe tin Bác Hồ từ trần, tôi bàng hoàng thông báo với các em. Vậy là thầy trò ôm nhau khóc, bỏ luôn bữa học hôm đó”.

Còn ông Nguyễn Tim ở thôn 2 vẫn nhớ như in: “Sáng ngày 4-9-1969, Đài Tiếng nói Việt Nam đọc thông báo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tin Bác Hồ ra đi. Cả Bình Dương chìm trong tiếc thương vô hạn. Xã tổ chức lễ truy điệu, lập bàn thờ Bác ngay tại nhà ông nội tôi là Nguyễn Cồn. Ảnh Bác được đặt trang trọng chính giữa. Cán bộ và nhân dân đến dự lễ, thắp hương rất đông, ai cũng ghim trên ngực tấm băng tang đen. Đồng chí Bí thư xã đọc điếu văn có đoạn: “Tiếc thương Người, nhân dân Bình Dương nguyện quyết tâm bám giữ đất làng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi; kẻ thù càng hung ác, chúng ta càng kiên quyết giữ vững vùng giải phóng”. Sáng hôm sau, bọn địch trên thị trấn Hà Lam kéo xuống hỏi, nhân dân đều nói: “Bác Hồ là Thánh, là Phật, cả nước này ai mà không để tang”. Khi nghe nói vậy, bọn địch chỉ còn biết lắc đầu: “Đúng Bình Dương là Cộng sản nòi”.

Ông Phan Chí Hướng và vợ chồng ông Nguyễn Tim tại ngôi nhà
từng làm lễ truy điệu Bác Hồ năm 1969.

Những ngày sau khi Bác mất, các mẹ, các chị đi chợ Trà Đỏa, chợ Được đều mua hương đèn, nhà nào cũng lập bàn thờ Bác. Bọn địch đóng ở đồi Tương, Phường Củi lục soát, hỏi thì các mẹ thản nhiên trả lời: “Chúng tôi mua để cúng Bác Hồ. Các ông cũng nên thờ để Bác ban phước lành cho”. Bọn chúng cứng họng, không hỏi thêm điều gì. Ông Tim còn kể câu chuyện thú vị về ông Phan Ngư ở thôn 3. Một hôm thấy bộ đội đọc cuốn sách có hình Bác Hồ, ông xin tấm ảnh và dán ngay lên chỗ trang trọng nhất trên bàn thờ.

Cuối tháng 7-1965, địch mở trận càn. Đến nhà ông Ngư, thấy ảnh Bác, chúng bắt ông đi. Đồng bào nghe tiếng ông hô cứu viện, chạy đến rất đông. Sợ dân biểu tình, bọn chúng đành thả ông ra. Còn ông Phó Bình ở thôn 5 có 3 con tập kết ra Bắc. Ông cất ảnh Bác Hồ, tiền tín phiếu và cờ đỏ trong thùng đạn đại liên từ năm 1954. Sau giải phóng 1964, ông trang trọng đặt ảnh Bác trên bàn thờ. Ông Tim nói: “Ngày đó ở xã, ai có ảnh Bác Hồ đều treo lên. Thấy bọn địch đến từ xa thì đem cất. Nếu chúng ào đến bất ngờ không kịp, thì làm điệu bộ: “Vùng này giải phóng mà, tui thấy cộng sản bảo treo thì treo thôi. Họ mạnh lắm. Trường hợp chú ở đây, chú có dám cãi lại Cộng sản không?”. Bọn chúng đuối lý.

Biến đau thương thành hành động cách mạng, toàn dân Bình Dương đã khắc tên mình vào lịch sử với hai danh hiệu Anh hùng được tuyên dương năm 1969 và 1972. Ông Phan Chí Hướng, người có mặt trong buổi lễ đón nhận cờ năm 1972  thuật lại: “Tôi lên Quân khu họp Đại hội chiến sĩ thi đua và nhận về hai cờ Anh hùng. Còn lễ đón tổ chức ở Bình Phú để bảo đảm an toàn. Đông đảo nhân dân 3 xã Bình Dương, Bình Đào và Bình Phú đã có mặt để chứng kiến sự kiện quan trọng này”. Hai lá cờ đã được gìn giữ như báu vật  trong suốt chiến tranh và hiện nay được treo trang trọng ở nhà truyền thống của xã. Lời hứa của nhân dân Bình Dương trước bàn thờ Bác kính yêu là kiên quyết giữ vững vùng giải phóng đã thành hiện thực.

Hồng Vân