Báo Công An Đà Nẵng

Người dân e dè lựa chọn về quê, bến xe khách thưa thớt

Thứ sáu, 21/01/2022 12:51

Lo sợ các nguy cơ lây nhiễm dịch, nhiều người dân tỉnh xa đang sinh sống tại Đà Nẵng dù mong muốn về quê ăn Tết cũng rất e dè khi lựa chọn phương tiện xe khách. Nhiều gia đình có xe cá nhân còn dễ tính toán, một số phải thuê xe loại 7 chỗ hoặc 16 chỗ về quê để dễ kiểm soát các nguy cơ. Chính vì vậy, chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến kỳ nghỉ Tết nhưng Bến xe Đà Nẵng vẫn thưa thớt hành khách mua vé.

Lượng người mua vé tại Ga Đà Nẵng không nhiều như những năm trước.

* Lãnh đạo ga Đà Nẵng cho hay, ngành Đường sắt hiện áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm vé để khuyến khích hành khách đi tàu. Cụ thể, giảm 10% khi mua vé đi tàu Tết trong 10 ngày đầu tiên mở bán; khách mua vé trước ngày 1-1 giảm 30% thuế giá trị gia tăng; giảm 10% đối với hành khách mua nguyên khoang và 15% đối với hành khách mua nguyên toa. Tuy nhiên, hiện tại chỉ mới bán được hơn 1.000 vé cho khách đi trong dịp Tết.

Đến nay ga Đà Nẵng phải đóng cửa 2 phòng vé trên tổng số 3 phòng bán vé của ga. Những năm trước, mỗi ngày bán ra từ 100-200 vé tàu, nhà ga luôn tấp nập kẻ đi người đến, nhưng năm nay con số rất nhỏ giọt, số lượng chỗ trống trên các tàu phục vụ Tết (từ 20-1 đến 14-2-2022) còn rất nhiều.
 

Bến xe vắng vẻ, phòng vé lác đác

Những năm trước, sau rằm tháng Chạp là Bến xe Đà Nẵng đã tấp nập khách đi về các tuyến phía Nam như  Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn, Cần Thơ, Gia Lai, Đắk Lắk hay các tuyến phía Bắc như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng... Cùng với cảnh huyên náo tại khu vực tập kết xe, phòng vé cũng thường xuyên xảy ra tình trạng chen chúc để mua vé, thậm chí có nhiều người xếp hạng cả buổi nhưng vẫn không mua được. Trái lại, năm nay ngành vận tải xe khách chứng kiến cảnh vắng vẻ, thưa thớt, phòng chờ bán vé chỉ lác đác vài người mua.

Chị Nguyễn Thị Tâm (quê Hà Tĩnh) cho biết, mọi năm muốn mua vé Tết phải đi xếp hàng khi nhà xe mở bán từ đầu tháng Chạp, đến giờ thì gần như là không còn. Nhưng năm nay chỉ có các "ngày vàng" như 25, 26 âm lịch mới phải tìm, còn lại thì mua giờ nào cũng được. "Giờ sát ngày rồi thì cũng đi mua, nhưng mà nơm nớp lo dịch. Phải xem diễn biến hàng ngày ở cả nơi đi và nơi đến. Trên xe thì hàng chục con người đi chung, về nhà thì không biết có phải cách ly tại nhà hay không. Mua vé thế này nhưng cũng phải chuẩn bị cho các tình huống đổi trả", chị Tâm chia sẻ. Cùng hoàn cảnh, anh Võ Văn Bình (công nhân Cty Điện tử Foster) lại lo lắng khi mua vé cho cả nhà 3 thành viên. Dù anh và vợ đã được tiêm vaccine nhưng kèm theo con nhỏ nên chặng đường gần 500km từ Đà Nẵng về Nghệ An với nhiều hành khách sinh sống tại nhiều khu vực của Đà Nẵng lên xuống thường xuyên là cả một thách thức. "Mấy năm rồi không về Tết, năm nay có ý định từ đầu năm nhưng giờ dịch lại phức tạp. Về nhà xác định ở nhà chơi với người thân thôi chứ dịch này cũng chẳng thăm thú gì nhiều. Bây giờ không ai quan tâm đến giá vé đắt rẻ, mà chỉ mong đi về hai chặng bình an", anh Tâm cho biết.

Anh Tuấn Anh, đại diện phòng vé nhà xe Hiếu Hoa chuyên chạy tuyến Đà Nẵng - Hà Tĩnh - Nghệ An - Nam Định cho biết, những năm trước, cao điểm dịp Tết là hàng chục xe liên tục quay đầu mới đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Năm nay, dù không huy động hết công suất, lượng người mua vé vẫn thưa thớt, không có gì đột biến. Nhà xe nhận đặt vé bằng hai hình thức là trực tuyến và mua tại phòng vé. Không còn cảnh chen chúc xếp hàng, ngay cả những ngày cao điểm nhân viên bán vé cũng có thời điểm ngồi không. "Để hạn chế tiếp xúc, chúng tôi nhận đặt vé bằng mã QR. Khi lên xe khách hàng chỉ cần khai báo y tế, quét mã là được. Nhằm tạo sự yên tâm cho người dân, nhà xe vẫn thực hiện chính sách đổi trả theo quy định trên tinh thần thuận lợi tối đa cho bà con. Các phương tiện, tài xế sẽ cùng hành khách thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch để có cái Tết an toàn", anh Tuấn Anh trao đổi.

Trong ngày 20-1, tại phòng vé Bến xe Đà Nẵng chỉ có khoảng hơn 10 điểm bán vé của các nhà xe mở bán nhưng lượng khách thì chỉ lác đác, thậm chí nhiều thời điểm không có khách nào. Chị Anh, một nhân viên bán vé của nhà xe Tú Tạc chạy tuyến Đà Nẵng - Vinh cho biết, ở thời điểm này những năm trước, quầy vé luôn kín khách, nhà xe phải tổ chức thêm điểm bán ở các điểm khác thì năm nay, dù đã đến những "ngày vàng" nhưng số lượng vé bán ra không được bao nhiêu.

Ông Phạm Lợi - Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải và quản lý Bến xe Đà Nẵng cho biết, tại bến có 80 đơn vị vận tải hành khách được cấp phép chạy các tuyến liên tỉnh trong cả nước. Từ tháng 10-2021, TP Đà Nẵng cho phép nối lại các tuyến vận tải liên tỉnh nhưng không có khách, xe chạy phải bù lỗ nên nhiều nhà xe phải dừng hoạt động hoặc giảm công suất. Trước Tết phòng vé có 37 quầy bán vé nhưng chỉ trên dưới 10 quầy mở cửa. "So với mọi năm, hiện nay lượng khách rất khiêm tốn. Dự báo, từ nay đến áp Tết, khách có thể sẽ tăng lên khoảng 50%, đây cũng là con số rất khiêm tốn vì dịch còn phức tạp nên người dân đi lại hạn chế. Mặc dù vậy, bến xe vẫn phải chuẩn bị phương án để người dân chủ động lựa chọn", ông Lợi cho hay. 

Phương tiện của các nhà xe rất nhiều nhưng năm nay sẽ không thể hoạt động hết công suất do tâm lý ngại phương tiện công cộng của người dân.

Xu hướng đi xe cá nhân, thuê theo gia đình

Tết năm nay ghi nhận xu hướng nhiều gia đình có quê ở các tỉnh phía Bắc về quê bằng xe cá nhân hoặc thuê xe loại 16 chỗ để cùng người quen về chung. Việc này nhằm tránh tiếp xúc đông người, trong mọi trường hợp đều có thể dễ dàng nắm thông tin để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Anh Hoàng Văn Quân (trú P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) cho biết, khoảng sau ngày 20 tháng Chạp cả nhà sẽ về quê ngoại Quảng Trị chơi khoảng một tuần, sau đó trước Tết vài ngày sẽ về quê nội ở Thanh Hóa. Theo anh Quân, ăn Tết hai quê cũng vất vả nhưng may mắn là có ô-tô cá nhân nên mình cũng chủ động. Đặc biệt là tuân thủ các quy định về di chuyển, lưu trú thích ứng với từng địa phương. "Quê nội nhà còn mỗi mẹ già nên không thể không về. Mình lựa chọn về ngoại trước, vừa chơi khoảng một tuần vừa theo dõi sức khỏe. Sau đó từ Quảng Trị về Thanh Hóa thì không bắt buộc phải ở nhà 7 ngày như về từ Đà Nẵng. Như vậy cũng coi như có cái Tết trọn vẹn", anh Quân chia sẻ.

Không có ô-tô cá nhân, chị Nguyễn Thị Hoài Thân (trú P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ cho biết), gia đình chị cùng 2 người bạn quyết định thuê một chiếc xe ô-tô đi chung cho cả chặng về và đi vào sau Tết. Tổng cộng 3 gia đình có 14 người, giá thuê 10 triệu đồng cho cả 2 chặng. "Để được về quê và đảm bảo an toàn phòng dịch thì đây là phương án tối ưu nhất, cũng có giá hợp lý nhất. Đều là bạn bè quen biết, tài xế cũng là người quen nên tất cả đều kiểm soát được sức khỏe của nhau. Lại chủ động được cả ngày về và ngày vào, không lo chuyện đặt vé hay tiếp xúc với người lạ", chị Thân cho hay.

Công Khanh