Báo Công An Đà Nẵng

Người dân kêu trời vì điện “chập cheng”

Thứ ba, 14/07/2015 09:00

(Cadn.com.vn) - Tại xã Cát Khánh (H.Phù Cát, Bình Định), hàng chục hộ gia đình ở thôn Ngãi An và thôn Chánh Lợi đang “đau đầu” và khổ sở bởi tình trạng nguồn điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất hàng ngày quá yếu. Nguyên nhân là bởi trạm biến áp và hệ thống lưới điện tại 2 khu vực này đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa kịp thời, dẫn đến tình trạng quá tải; điện áp yếu và thường xuyên mất đột ngột. Thực trạng này khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là nuôi tôm) ở thôn Ngãi An phải “khóc đứng, khóc ngồi” bởi khi nguồn điện mất đột ngột, các máy sục khí ô - xy tại hồ nuôi tôm không thể hoạt động, ảnh hưởng đến quá trình sống và sinh trưởng của tôm.

Ngoài ra, tình trạng điện áp yếu ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày của người dân. Điện chập chờn khiến các thiết bị sử dụng điện rất dễ bị hư hỏng, xuống cấp. Theo ông Đinh Thành Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh: “Từ ngày tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn đến nay, ngành điện chưa đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống trạm biến áp và đường dây điện nên tình trạng điện áp yếu, chập chờn thường xuyên xảy ra. Về mặt địa phương, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay Điện lực Phù Cát vẫn chưa có biện pháp khắc phục”.

Điện mất đột ngột, khiến các máy sục khí ô - xy tại các hồ nuôi tôm ở thôn Ngãi An không thể hoạt động liên tục.

Có chung nỗi khổ như người dân ở thôn Ngãi An và Chánh Lợi là hơn 40 hộ gia đình ở xóm Lũy, thuộc thôn Phương Thái và xóm Dưới, thuộc thôn Trường Thạnh (xã Cát Tiến, Phù Cát). Do hệ thống đường dây điện ở đây chỉ là dây 0,2kV; mặt khác, khoảng cách đường dây từ trạm biến áp đến nhà dân quá xa, hệ thống đường dây cũ kỹ nên điện áp rất yếu. Vào những giờ cao điểm trong ngày như trưa và tối, người dân không thể sử dụng điện để phục vụ việc nấu cơm, bơm nước hay chiếu sáng. Ông Bùi Văn Cần, Trưởng thôn Trường Thạnh, cho biết: “Tình trạng điện yếu ở xóm Dưới đã xảy ra trong thời gian dài; người dân nhiều lần kiến nghị ngành điện thay thế đường dây 0,2kV bằng đường dây 0,4kV để cải thiện tình hình, nhưng đến nay yêu cầu này chưa thành hiện thực. Việc phải sử dụng nguồn điện có điện áp yếu khiến người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, bất tiện”.

Theo khảo sát của chúng tôi, ngoài những địa phương trên, hiện trên địa bàn H. Phù Cát còn một số khu dân cư người dân cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đơn cử như người dân tại thôn Tân Hòa (xã Cát Tân), thôn Vân Triêm (xã Cát Chánh), thôn An Đức (xã Cát Trinh)..., đang sử dụng nguồn điện có điện áp yếu, chập chờn, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày.

Hệ thống đường dây điện tại thôn Trường Thạnh đã cũ kỹ, lại có tiết diện nhỏ nên gây hao tổn điện và điện áp yếu.

Liên quan việc này, ông Đặng Xuân Cảnh - Phó Giám đốc Điện lực Phù Cát, cho biết: Sau khi tiếp nhận hệ thống lưới điện nông thôn, Điện lực Phù Cát tập trung cải tạo, sửa chữa đường dây 0,4kV và 0,2kV. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn, trước mắt, ngành điện chỉ có thể sửa chữa, cải tạo, nâng cấp ở những khu vực đường dây điện có tiết diện nhỏ, xuống cấp nặng và nguy cơ mất an toàn cao. Việc sửa chữa, nâng cấp lưới điện trên diện rộng cần có thời gian, cũng như nguồn kinh phí hỗ trợ, tài trợ từ những dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện do ngành điện và một số cơ quan liên quan thực hiện.

Có thể thấy, thực trạng người dân ở nhiều khu dân cư tại H. Phù Cát đang sử dụng nguồn điện có điện áp yếu, chập chờn đã gây không ít khó khăn, bất tiện trong phục vụ nhu cầu sinh hoạt cũng như sản xuất. Thực tế này đòi hỏi ngành điện sớm có biện pháp khắc phục hữu hiệu để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sử dụng điện của người dân.

C.Luận