Báo Công An Đà Nẵng

Người dân "khóc ròng" vì các mỏ khai thác đá

Thứ hai, 16/01/2017 10:03

(Cadn.com.vn) - Quá trình hoạt động, các mỏ khai thác đá tại khu vực núi Chùa (xã Mỹ Hòa, H. Phù Mỹ, Bình Định) gây nhiều tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của người dân thôn Hội Khánh và Hội Phú (xã Mỹ Hòa). Đặc biệt, trong đợt mưa lũ giữa tháng 12-2016, đất, đá từ các mỏ đá theo nước mưa tràn xuống đồng ruộng, làm sa bồi nhiều diện tích đất nông nghiệp; gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.

Nhiều vạt núi tại khu vực núi Chùa bị băm nát.

Hiện nay, khu vực núi Chùa có 6 đơn vị được ngành chức năng cấp phép khai thác đá và có 4 đơn vị đang hoạt động khai thác, gồm: Cty CP VRG đá Bình Định; Cty TNHH Hoàn Cầu; Doanh nghiệp tư nhân Bảo Thắng và Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Đạt. Trong đó, Cty CP VRG đá Bình Định vừa khai thác, vừa xây dựng nhà máy chế biến tại khu vực mỏ để trực tiếp cưa, xẻ đá. Riêng Cty TNHH Granite Đông Á tạm ngưng hoạt động để làm thủ tục gia hạn giấy phép; còn Công ty TNHH Minh Hoàng đã dừng khai thác.

Quá trình khai thác, các mỏ đá "góp phần" xóa sổ hàng ngàn mét vuông thảm thực vật và cây cối tại khu vực núi Chùa; nhiều vách núi bị đào bới tung tóe, chỉ còn trơ đất, đá. Khi trời mưa, một lượng lớn đất, đá từ các mỏ đá ở trên cao theo nước mưa chảy xuống phía dưới. Dù các đơn vị khai thác đã xây dựng kè chắn, nhưng đất, đá vẫn tràn xuống cánh đồng thôn Hội Khánh và Hội Phú, gây bồi lấp một phần đất sản xuất nông nghiệp của người dân.  Còn nhà máy chế biến đá của Cty CP VRG đá Bình Định, quá trình cưa, xẻ đã thải ra khối lượng bột đá khá lớn. Nhà máy xây dựng bãi thu gom, bể lắng để chứa bột đá, nhưng chưa đảm bảo theo cam kết bảo vệ môi trường.  Do đó, khi trời mưa lớn, một lượng không ít bột đá hòa lẫn vào nước mưa; rồi theo nước chảy ra con mương bên cạnh nhà máy, ảnh hưởng xấu đến hoạt động canh tác, sản xuất của người dân.

Đặc biệt, trong đợt mưa lũ từ ngày 15 đến 17-12-2016, hàng ngàn mét khối đất, đá từ các mỏ khai thác đá của Công ty TNHH Hoàn Cầu; Doanh nghiệp tư nhân Bảo Thắng; Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Đạt và Công ty TNHH Granite Đông Á theo nước mưa ào ạt đổ xuống cánh đồng thôn Hội Khánh và Hội Phú. Tình trạng này khiến chừng 2ha đất sản xuất nông nghiệp của khoảng 100 hộ dân bị bồi lấp sâu trong đất, đá; trong đó có nhiều thửa ruộng người dân trồng kiệu đang chuẩn bị thu hoạch. Ngoài ra, tuyến kênh thủy lợi N2 có nhiệm vụ dẫn nước tưới cho cánh đồng xóm 4, thôn Hội Khánh cũng bị đất, đá bồi lấp gần toàn bộ.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp thuộc cánh đồng thôn Hội Khánh bị đất, đá và cát
bồi lấp phía trên.

Ông Trần Văn Lộc, ở thôn Hội Khánh, than thở: "Đất, đá, cát, sỏi từ các mỏ khai thác đá theo nước mưa đổ xuống, biến đồng ruộng thành bãi sa mạc. Ruộng bị vùi sâu dưới đất, cát nên hàng chục người dân ở Hội Khánh và Hội Phú không thể sản xuất vụ Đông Xuân 2016 - 2017. Với hàng ngàn mét khối đất, cát phủ phía trên thì chỉ máy ủi, máy đào mới có thể hốt dọn sạch sẽ".

"Chúng tôi không phản đối việc Nhà nước cấp phép cho các công ty, doanh nghiệp hoạt động khai thác đá. Nhưng làm gì thì làm, các đơn vị này phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ môi trường, tránh ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân", ông Võ Văn Phi - Trưởng thôn Hội Khánh, nêu ý kiến.

Theo ông Đỗ Danh, cán bộ địa chính xã Mỹ Hòa, thì: Trước đây, quá trình hoạt động, các mỏ khai thác đá cũng thỉnh thoảng gây nạn sa bồi, thủy phá đối với một phần diện tích thuộc cánh đồng thôn Hội Khánh và Hội Phú, nhưng không quá nghiêm trọng. Riêng đợt mưa lũ vào trung tuần tháng 12-2016, tình trạng sa bồi cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con nông dân. Sau khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương, các ngành chức năng liên quan và các đơn vị khai thác đá đã kiểm tra hiện trường, thống kê mức độ thiệt hại. Một lãnh đạo Phòng TN-MT H. Phù Mỹ, xác nhận: Đối với nạn sa bồi, thủy phá trước đây, UBND xã Mỹ Hòa đã làm việc với các đơn vị khai thác đá và các đơn vị đã khắc phục xong. Tuy nhiên, đợt mưa lũ giữa tháng 12-2016 quá lớn, tại các mỏ khai thác đá tiếp tục xảy ra tình trạng sa bồi, thủy phá, gây ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất của nhân dân. UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Mỹ Hòa làm việc với các đơn vị khai thác đá để khẩn trương khắc phục, bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng theo đúng quy định.

Việc này, ông Trương Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, cho biết: Qua làm việc, các đơn vị khai thác đá cam kết bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng; cũng như có biện pháp hốt dọn toàn bộ khối lượng đất, cát bồi lấp trên đồng ruộng. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng hứa bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng đối với những gia đình có diện tích đất nông nghiệp bị sa bồi không thể canh tác, sản xuất vụ Đông Xuân 2016 - 2017. Công tác bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại sẽ diễn ra trước Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017. "Về lâu về dài, địa phương mong UBND H. Phù Mỹ và các ngành chức năng của tỉnh yêu cầu các đơn vị khai thác đá xây dựng kè chắn xung quanh mỏ và hệ thống bể lắng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất nạn sa bồi, thủy phá đối với cánh đồng thôn Hội Khánh và Hội Phú vào mùa mưa lũ", ông Hùng kiến nghị thêm.

C.Luận

Xe chở đá gây bụi và mất an toàn giao thông

Quá trình vận chuyển đá từ khu vực núi Chùa đến nơi khác tiêu thụ, các phương tiện xe tải, xe container lưu thông trên tuyến đường liên xã - từ xã Mỹ Hòa xuống thị trấn Phù Mỹ (Phù Mỹ), sau đó ra quốc lộ 1A. Tuyến đường này nhỏ hẹp, một chiếc xe chở đá gần như chiếm trọn toàn bộ bề rộng lòng đường; do vậy, khi có nhiều phương tiện khác cùng lưu thông trên đường rất mất an toàn giao thông. Ngoài ra, các xe chở đá khi chạy gây ra bụi bặm, ảnh hưởng không nhỏ đến các gia đình có nhà ở mặt tiền đường.