Người dân lao đao vì dịch tả lợn Châu Phi
Khoảng 1 tháng trở lại đây, dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát và lan nhanh trên diện rộng tại địa bàn Quảng Nam và nhiều địa phương của huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Trước tình hình đó, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã tăng cường các biện pháp nhằm khống chế, dập dịch.
Cán bộ thú y xã Duy Phú (H. Duy Xuyên) mang lợn bị dịch đi tiêu hủy.
Người dân lao đao
Nhiều ngày qua, vợ chồng chị Trương Thị Hồng Nhung (1990, trú thôn Phú Mỹ, xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc) mất ăn, mất ngủ vì cả đàn lợn 100 con mắc bệnh tả lợn Châu Phi bị tiêu hủy hoàn toàn. Chị Nhung thẫn thờ tâm sự, vợ chồng chị mới mở trang trại nuôi lợn, lứa đầu mua 50 con nuôi được 3 tháng đạt trọng lượng 45-50kg/con; lứa sau 50 con nuôi được 2 tháng đạt trọng lượng 25-30kg/con. Cuối tháng 9 vừa qua, đàn lợn của gia đình chị bị bệnh bỏ ăn, sau đó chết hàng loạt. Thấy vậy, chị báo cán bộ xã Đại Hiệp và huyện Đại Lộc đến kiểm tra xác định heo bị bệnh tả lợn Châu Phi và mang đi tiêu hủy. “Vợ chồng tôi dùng gần 300 triệu đồng tích góp đầu tư xây dựng trang trại để chăn nuôi lợn. Sau đó, vay thêm ngân hàng 300 triệu đồng để mua lợn giống, chi phí thức ăn, thuốc nuôi lợn. Do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, dịch bệnh diễn ra quá nhanh khiến gia đình không kịp trở tay, ước tích thiệt hại đàn lợn hơn 300 triệu đồng”, chị Nhung tâm sự.
Cùng cảnh ngộ, bà Đặng Thị Mận (50 tuổi, trú thôn Tích Phú, xã Đại Hiệp) chia sẻ, năm 2019, bà Mận nuôi 70 con lợn nái, lợn thịt và lợn con. Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, cả đàn chết bị tiêu hủy, gia đình bà bị thiệt hại nặng. Sang năm 2020, bà Mận tiếp tục tái đàn với số lượng ít, sau đó mua thêm lợn giống nuôi lại. Đến nay, gia đình bà Mận gầy được 3 con lợn nái, 17 con lợn thịt đạt trọng lượng 50kg/con và 8 con lợn con. Cách đây 2 tuần, đàn lợn bị bệnh tả lợn Châu Phi bỏ ăn chết dần nên bà Mận báo cán bộ thú y xã đến kiểm tra, mang đi tiêu hủy. “Đàn lợn là cả tài sản của gia đình, tôi dự định khoảng 2 tuần nữa xuất bán để trả tiền mua nợ cám, bột, sửa chữa nhà cửa và trang trải cuộc sống. Nhưng bây giờ tôi thì trắng tay rồi, chỉ mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn”, bà Mận trải lòng.
Bà Mận buồn bã khi đàn lợn bị tiêu hủy do mắc dịch tả lợn Châu Phi.
Khẩn trương kiểm soát, dập dịch
Ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đại Lộc cho biết, dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu bùng phát rộng trên địa bàn huyện vào ngày 21-9, đến ngày 10-10 địa phương ghi nhận 90 thôn, 1.360 hộ nuôi lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Theo thống kê, đến ngày 10-10, các địa phương của huyện Đại Lộc đã tiến hành tiêu hủy hơn 367 tấn lợn các loại. Các xã vùng B của huyện Đại Lộc bị mắc bệnh rất nghiêm trọng, trong đó xã Đại Tân đã tiêu hủy 64 tấn, xã Đại Chánh tiêu hủy 55 tấn, xã Đại Thắng tiêu hủy 41 tấn, xã Đại Phong 35 tấn…
Ông Trần Việt Phương – Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đại Lộc cho hay, dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu bùng phát, Phòng đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng, địa phương triển khai nhiều biện pháp khống chế, không để dịch lây lan. Tuy nhiên, do người dân địa phương chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, tự phát không đảm bảo kỹ thuật chăn nuôi. Hiện tại, Phòng đang phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao; đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Theo báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Duy Xuyên, dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát mạnh tại 5 xã Duy Thu, Duy Phú, Duy Tân, Duy Hòa, Duy Thành; 3 xã Duy Sơn, Duy Châu, Duy Nghĩa vừa xuất hiện nhiều ổ dịch. Tổng số lợn tiêu hủy tính đến ngày 11-10 là 595 con/285 hộ/23 thôn, tổng trọng lượng tiêu hủy gần 60 tấn. Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Duy Xuyên đã phối hợp với các đơn vị chức năng và địa phương tiến hành phun khử trùng tiêu độc môi trường toàn xã, đồng thời yêu cầu những hộ chăn nuôi có lợn đang mắc bệnh tiến hành tách riêng những con còn lại trong đàn để tránh lây nhiễm chéo. Yêu cầu hộ chăn nuôi làm cam kết khi phát hiện lợn mắc bệnh, chết không được bán ra thị trường.
Ngày 11-10, trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Kim Yến – Phó Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Đại Lộc, Duy Xuyên, Phú Ninh, Bắc Trà My, Phước Sơn, TX Điện Bàn và TP Tam Kỳ đang phát sinh dịch tả lợn Châu Phi và chưa qua 21 ngày. Hiện tại, Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh đang phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Theo bà Yến, dịch tả lợn Châu Phi chỉ đang bùng phát mạnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bởi những hộ chăn nuôi này không thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chăn nuôi sinh học theo quy định. Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi chưa đảm bảo, kết hợp thời tiết ẩm ướt dẫn đến mầm bệnh còn sót lại có cơ hội bùng phát. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi tự phát chăm sóc lợn chưa đảm bảo đúng kỹ thuật và đặc biệt là việc lấy thức ăn phụ phẩm từ các nhà hàng, quán ăn có mầm bệnh khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Một số địa phương tại TP Đà Nẵng giáp ranh với Quảng Nam cũng xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Ông Lê Đình Ca - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho biết, từ giữa tháng 8-2021, đã phát hiện bệnh tại Thôn 5, Phú Sơn 1, Phú Sơn 3, Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương). Tính đến ngày 10-10, tại Hòa Vang đã có 4 xã gồm Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phước xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi.
Trong ngày 10-10, số hộ dân có lợn bị bệnh bắt buộc tiêu hủy gồm 9 hộ tại 2 xã, 6 thôn; trong đó thực hiện tiêu hủy lợn của 3 hộ có kết quả xét nghiệm dương tính và 6 hộ căn cứ biên bản đề nghị của Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố. Tổng đàn tiêu hủy là 115 con lợn với tổng trọng lượng 5349,5kg. Qua kiểm tra, rà soát trên địa bàn huyện có 23 hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi với 288 con, tổng trọng lượng 14.140,5kg. Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp trên địa bàn, Phòng đã khẩn trương thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tái phát trên địa bàn huyện; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch; theo dõi, giám sát, hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêu hủy lợn theo đúng quy định…
LÊ VƯƠNG – HỒNG THANH