Báo Công An Đà Nẵng

Người dân miền núi Nghệ An khóc ròng vì trắng tay sau lũ

Thứ hai, 02/10/2023 07:46
Bộ đội khắc phục hậu quả tại điểm trường Tà Lãnh, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu.

Tiểu thương khóc ròng vì hàng hóa hư hỏng

Đến ngày 29-9, tại các địa phương trên địa bàn H.Quỳ Châu nước đã rút, chính quyền địa phương đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Tại thị trấn Tân Lạc, sau khi nước lũ rút để lại khung cảnh ngổn ngang, bùn đất lấm lem các đồ đạc của người dân. Nhiều tài sản như ti-vi, tủ lạnh, bàn ghế… bị bùn đất vùi lấp, hư hỏng. Người dân tập trung dọn dẹp, vớt vát tài sản còn sót lại khi nước lũ đi qua. Do đang mất điện, cúp nước khiến việc khắc phục hậu quả mưa lũ gặp nhiều khó khăn. Người dân phải tận dụng nguồn nước từ khe, suối tự chảy về để lau dọn bàn ghế, đồ đạc.

Bà Trần Thị Châu (khối 3, thị trấn Tân Lạc) là tiểu thương cho biết: “Gia đình tôi mở cửa hàng tạp hóa buôn bán nhỏ, khi nước lũ lên rất nhanh, chỉ chạy được người còn mọi đồ đạc ướt hết. Hiện tại chưa có điện, nước nên chúng tôi rất khó khăn trong việc lau chùi đồ đạc, mong muốn chính quyền sớm khắc phục để người dân có nước sử dụng”.

Lội bùn vào cửa hàng điện máy của gia đình, chị Lê Thị Hằng - chủ cơ sở điện máy bật khóc khi nhìn nhiều đống máy móc có giá trị bị nước lũ nhấn chìm. “Rạng sáng 27-9, mưa lớn không dứt nên hai vợ chồng tôi không tài nào chợp mắt. Do cửa hàng nằm gần sông Hiếu nên chúng tôi rất lo lắng. Nước lên rất nhanh, chúng tôi kê đồ đạc lên cao nhưng không kịp, đành phải bỏ của chạy lấy người. Nước dâng ngập gần tới nóc nhà nên gần như số hàng hóa này đều bị hư hỏng, ước tính thiệt hại gần 600 triệu đồng"- chị Hằng ngậm ngùi cho biết.

Chị Lang Thị Hà (1980) cạnh cửa hàng nhà chị Hằng buồn bã khi hàng hóa vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc, gạo... của cửa hàng mình bị ngấm nước lũ. Được biết, chồng chị Hà vừa mất được một năm nay, hiện tại một mình phải mưu sinh để nuôi 2 con ăn học. Gia đình neo người nên khi nước lũ từ sông lên nhanh nên chị Hà không kịp di dời hàng hóa đến khu vực cao...

Theo nhiều người dân, đây là trận lũ lớn nhất tính từ năm 2007 đến nay. Thị trấn Tân Lạc nằm ở khu vực địa hình tương đối cao, nhiều năm qua họ chưa gặp một đợt mưa lớn kéo dài rồi nước từ thượng nguồn sông Hiếu đổ về nhanh, gây ngập lụt như hai ngày qua.

Không chỉ trên địa bàn thị trấn Tân Lạc, trận lũ vừa qua đã gây sạt lở, ngập úng trên diện rộng ở các xã của H. Quỳ Châu như Châu Thắng, Châu Tiến, Châu Bình, Châu Hạnh, Châu Hội… Đặc biệt, xã Châu Hạnh là khu vực trũng, chịu thiệt hại nặng nề.

Cô Trần Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hạnh 2, xã Châu Hạnh cho biết, cơn lũ đi qua đã khiến tất cả các tài sản tại điểm trường Tà Xỏn, xã Châu Hạnh hư hỏng hết, không thể sử dụng được. Hiện nhà trường không có gì để dạy cho học sinh (HS). Trong khi đa số HS ở trường là thuộc hộ nghèo nên công tác khắc phục lại càng khó khăn hơn.

Trước tình hình thiệt hại của người dân trên địa bàn, UBMTTQ Việt Nam H.Quỳ Châu có văn bản kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện, con em làm ăn xa quê tích cực ủng hộ, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn sớm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Lũ lên nhanh khiến nhiều đồ đạc của người dân bị hư hỏng.

Huy động tổng lực giúp người dân khắc phục hậu quả

Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và các em HS sớm trở lại trường, chính quyền địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả lũ lụt.

Thượng tá Lê Xuân Sơn – Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự H.Quỳ Châu cho biết, ngay trong đêm mưa lũ, Ban đã huy động lực lượng xuống khối 4, thị trấn Tân Lạc để giúp 13 hộ dân tại đây di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Trong đó, ưu tiên giúp dân ở các vùng bị ngập sâu, nhất là điểm trường của các vùng trũng thấp trước. Tiếp đó, đơn vị cũng đã điều 35 CBCS xuống các khu vực thiệt hại nặng như điểm trường Tà Lãnh, xã Châu Hạnh để khắc phục hậu quả…

Nhiều tiểu thương khóc ròng vì trắng tay sau lũ.

Cùng với bộ đội, trong đêm 26-9, Công an H.Quỳ Châu đã huy động CBCS xuống các địa bàn xung yếu để đưa người và vận chuyển đồ đạc lên cao ráo, an toàn. Thượng tá Ngô Minh Cung – Phó Trưởng Công an H.Quỳ Châu cho biết, lũ rút Công an H.Quỳ châu đã tập trung 100% lực lượng xuống giúp bà con nhân dân di dời tài sản đến nơi an toàn, khắc phục hậu quả do mưa lũ để lại. “Trong quá trình triển khai, thực hiện chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách, gia đình neo đơn, có trẻ nhỏ, có người ốm đau để ưu tiên khắc phục trước. Đồng thời, Công an huyện đã xuống đến tận các gia đình thiệt hại để động viên, thăm hỏi, hỗ trợ phần nào thiệt hại để bà con nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống”- Thượng tá Ngô Minh Cung chia sẻ.

Hậu quả mưa lũ để lại khá lớn và nặng nề với một khối lượng công việc rất lớn nên để khắc phục hậu quả cần thời gian dài cùng sự chung tay của nhiều người, nhiều lực lượng…

Bên cạnh việc tập trung các lực lượng để khắc phục hậu quả, tổng dọn vệ sinh cho các trường sớm ổn định công tác dạy học, hiện lực lượng y tế tại địa phương đang đến từng nhà, từng bản hướng dẫn người dân phòng ngừa dịch bệnh sau lũ.

Dương Hóa

Ông Sầm Thanh Hoài - Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, H.Quỳ Châu cho biết, trưa 29-9, thi thể ông Lữ Văn Kh. (70 tuổi, ở bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến) đã được tìm thấy tại khu vực cầu tràn Hoa Tiến, xã Châu Tiến. Sau khi hoàn thiện các thủ tục, thi thể nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình để đưa về mai táng theo phong tục địa phương. Trước đó, khoảng 6 giờ ngày 27-9, người thân không thấy ông K. về nên ra chòi canh (cách nhà khoảng 1km) để tìm nhưng không có. Nghi ông K. trong lúc đi lấy đồ bị lũ cuốn trôi nên gia đình tổ chức tìm kiếm, đồng thời báo chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ.