Người dân Myanmar vẫn biểu tình
Bất chấp “ngày chết chóc”, bất chấp cảnh báo trấn áp mạnh tay, ngày 2-3, những người biểu tình ở Myanmar vẫn xuống đường để phản đối việc quân đội bắt giữ các nhà lãnh đạo dân cử và lên nắm chính quyền từ hôm 1-2. Làn sóng biểu tình tiếp tục bùng nổ trong bối cảnh các ngoại trưởng từ các nước ASEAN chuẩn bị gặp nhau để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị này.
Khói từ hơi cay bốc lên khi người biểu tình đụng độ lực lượng an ninh ở Mandalay, Myanmar ngày 2-3. Ảnh: AP |
Theo AP, cảnh sát ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, tiếp tục sử dụng hơi cay chống lại những người biểu tình. LHQ cho biết, họ tin rằng ít nhất 18 người ở một số thành phố đã thiệt mạng trong “ngày chết chóc” 28-2. Lễ tang tưởng niệm một số nạn nhân đã được tổ chức hôm 2-3. Theo AP, các nhà chức trách cũng bắt giữ hơn 1.000 người vào cuối tuần qua. Những người bị giam giữ bao gồm ít nhất 7 nhà báo, trong số đó có Thein Zaw của AP. Cũng theo AP, ít nhất 20 nhà báo đã bị giam giữ kể từ khi quân đội tiếp quản.
Hôm 2-3, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập tại khu vực Hledan của Yangon. Những người biểu tình, trong đó có nhiều người đội mũ bảo hiểm, kéo cọc tre và các mảnh vỡ để tạo thành hàng rào ngăn cản mọi nỗ lực lao về phía trước và bắt giữ, đồng thời hô khẩu hiệu và hát các bài hát chống đối lực lượng cảnh sát. Cảnh sát tiếp tục sử dụng hơi cay chống người biểu tình - chủ yếu là thanh niên. Họ bỏ chạy nhưng ngay sau đó quay trở lại cùng các chướng ngại vật. Những người biểu tình cũng cầm cờ và biểu ngữ tập hợp để tuần hành qua các đường phố của Dawei, một thành phố nhỏ ở đông nam Myanmar, nơi hầu như hàng ngày đều chứng kiến các cuộc biểu tình lớn chống lại quân đội. Một số người trong số họ còn mang theo lá chắn kim loại, một phản ứng rõ ràng đối với việc cảnh sát có thể sử dụng hộp hơi cay và đạn cao su.
Sau khi bị giam giữ vào ngày diễn ra cuộc đảo chính, bà Suu Kyi, 75 tuổi, ban đầu bị giam giữ tại tư dinh của bà ở thủ đô Naypyitaw, nhưng các thành viên trong đảng của bà hiện nói họ không biết bà ở đâu. Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric cho biết, trong một tuyên bố, sau cuộc đàn áp vào cuối tuần, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres gọi việc sử dụng vũ lực sát thương chống lại những người biểu tình là “không thể chấp nhận được”. “Những lời lẽ lên án là cần thiết và đáng hoan nghênh nhưng chưa đủ. Thế giới phải hành động. Tất cả chúng ta phải hành động”, chuyên gia độc lập của LHQ ở Myanmar, Tom Andrews, cho biết trong một tuyên bố riêng rẽ khác.
Ông cũng kêu gọi các nước có thể thực hiện một lệnh cấm vận toàn cầu đối với việc bán vũ khí cho Myanmar và "các biện pháp trừng phạt cứng rắn, có mục tiêu và phối hợp" chống lại những người phải chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính. Hiện, một số quốc gia đã áp đặt hoặc đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng họ. Tại Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan đưa ra một tuyên bố cho biết Mỹ "báo động" về bạo lực và luôn đoàn kết với người dân Myanmar. Washington cũng đe dọa tăng trừng phạt Myanmar. Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Washington sẽ áp thêm lệnh trừng phạt với chính quyền quân đội Myanmar nếu họ tiếp tục sử dụng vũ lực nhằm vào người biểu tình.
"Nếu quân đội Myanmar tiếp tục đi theo con đường này, từ chối khôi phục chính phủ được bầu cử dân chủ và không chấm dứt trấn áp mạnh tay đối với những người biểu tình, Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung", ông Price nói tại cuộc họp báo ngày 1-3 (giờ địa phương). Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố Mỹ vẫn quan ngại về hành động của quân đội Myanmar nhằm vào người biểu tình, đồng thời cho biết Washington đang chuẩn bị có thêm hành động đối với những người chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính quân sự. Chính quyền Mỹ dự kiến sẽ công bố các lệnh trừng phạt Myanmar trong vài ngày tới.
Trong khi đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN có cuộc họp không chính thức với đại diện của chính quyền quân sự Myanmar trong ngày 2-3 thông qua hình thức trực tuyến. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nhận định cuộc chính biến tại Myanmar đã tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội nước này, do đó ASEAN cần thúc đẩy cuộc đối thoại có sự tham gia của bà Suu Kyi và quân đội Myanmar để tìm ra giải pháp cho vấn đề hiện nay.
KHẢ ANH