Báo Công An Đà Nẵng

Người dân Nepal trốn chạy khỏi thủ đô

Thứ ba, 28/04/2015 09:40

* HƠN 3.700 NGƯỜI CHẾT

(Cadn.com.vn) - Ngày 27-4, hàng ngàn người Nepal tìm cách chạy khỏi thủ đô Kathmandu với tâm trạng vẫn sốc và hoảng loạn sau 2 ngày bị ảnh hưởng bởi những cơn dư chấn mạnh mẽ cùng nỗi lo sợ thiếu lương thực và nước sau trận động đất giết chết hơn 3.700 người và khiến gần 7.000 người bị thương.

Theo Reuters, những con đường dẫn ra khỏi thành phố thung lũng bị kẹt cứng khi mọi người, với nhiều trẻ nhỏ trên tay, cố gắng leo lên xe buýt hoặc ô-tô, xe tải để ra khỏi thành phố. Mọi người xếp hàng tại sân bay Kathmandu, tuyệt vọng để có được một chuyến bay ra khỏi khu vực. Nhiều người cho biết, họ phải ngủ ngoài trời kể từ khi trận động đất xảy ra hôm 25-4 vì nhà bị san phẳng hoặc lo sợ các dư chấn. “Chúng tôi đang chạy trốn. Làm thế nào có thể sống ở đây? Tôi có con nhỏ nên không thể chạy khỏi nhà vào ban đêm”, Krishna Muktari, một người dân Kathmandu, cho biết. “Tôi sẵn lòng bán số vàng đang đeo để mua một chiếc vé, nhưng không còn vé nữa rồi”, Rama Bahadur, một phụ nữ Ấn Độ làm việc tại thủ đô Nepal, cho biết.

Đội cứu hộ mang thi thể nạn nhân ra khỏi nhà thờ Sitapyla bị sập ở Kathmandu ngày 27-4. Ảnh: AP

Một quan chức nội vụ cấp cao Nepal cho biết nhà chức trách vẫn chưa nối liên lạc được với một số vùng bị tàn phá nặng nề nhất. Quan chức này cũng cảnh báo số người chết có thể tăng đến 5.000 người. Con số người chết được chính phủ Nepal xác nhận trong ngày 27-4 là 3.726 người. Truyền thông Trung Quốc thông báo có 66 người chết tại vùng biên giới với Ấn Độ và có ít nhất 20 người thiệt mạng tại Khu tự trị Tây Tạng. Theo Reuters, con số thương vong nhiều khả năng sẽ còn tăng trong bối cảnh lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận các vùng hẻo lánh tại đất nước 28 triệu dân này.

Chính quyền đang cố gắng đối phó với tình trạng thiếu nước uống và thực phẩm, cũng như các mối đe dọa dịch bệnh. Các bệnh nhân và người bị thương đang nằm ngoài trời, do bệnh viện bị tàn phá. “Ưu tiên của chúng tôi là khôi phục lại điện và nước. Thách thức lớn tiếp theo là việc cung cấp thực phẩm khi các chủ cửa hiệu không thể mở cửa hàng...”, quan chức Bộ Ngoại giao Laxmi Prasad Dhakal nói. Trên dãy Himalaya, hàng trăm người leo núi đang bị mắc kẹt trên đỉnh Everest, nơi một trận tuyết lở lớn sau trận động đất giết chết 17 người. Các đội cứu hộ sử dụng máy bay trực thăng vận chuyển người xuống núi.

Trong ngày 27-4, các đội cứu hộ, cứu trợ và y tế từ các nước liên tục đổ về Nepal. Ấn Độ đã gửi vật tư y tế và các thành viên Lực lượng phản ứng thảm họa quốc gia đến đây. Trung Quốc gửi một đội cứu hộ khẩn cấp gồm 60 người. Quân đội Pakistan cho biết họ đã gửi đi 4 chiếc máy bay C-130 và một bệnh viện di động 30 giường, các đội tìm kiếm và cứu hộ cũng như hàng cứu trợ. Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết một máy bay quân sự của Mỹ cùng với 70 người đã đến Kathmandu. Australia, Anh và New Zealand cho biết họ đã gửi chuyên gia tìm kiếm và cứu hộ đô thị đến Kathmandu theo yêu cầu của Nepal.

Nhà kinh tế Rajiv Biswas của hãng nghiên cứu IHS ước tính chi phí tái thiết đất nước Nepal lên đến 5 tỷ USD, tương đương 20% GDP nước này. Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng thông báo sẽ phối hợp để giúp Nepal đánh giá thiệt hại của thảm họa nhằm đề xuất biện pháp hỗ trợ thích hợp.

Thúy Ngọc