Người đàn ông đi bằng lưng
(Cadn.com.vn) - Giữa xóm Nhân Hậu (xã Nam Sơn, H. Đô Lương, Nghệ An), đám chuối tốt bời bời đang phất phơ trong gió heo may. Một căn nhà nhỏ bé vừa là nơi ở, vừa là nhà bếp. Nằm trên giường là người đàn ông có khuôn mặt to, xương xẩu, hốc hác với hàm râu lởm chởm và mái tóc dài tới tận vai, đôi mắt như trũng sâu hơn khi anh kể cho chúng tôi nghe những biến cố của cuộc đời mình.
Năm 15 tuổi, trong một lần chặt tre, Nguyễn Hải Yến (1958) bị gai tre đâm vào vào chân. Với người dân quê, chuyện chẳng có gì to tát nên Yến vẫn đi gánh phân bón ruộng như thường. Vết thương bị nhiễm trùng, chân sưng to... từ đấy ròng rã mấy năm trời chạy chữa, anh bàng hoàng nhận ra mình đã là người tàn phế.
“Đang là một thanh niên khỏe mạnh, làm việc đồng áng cứ phăng phăng bỗng nhiên thành người tàn phế, việc học hành dang dở, tương lai đổ ụp xuống. Lúc đó, tôi tuyệt vọng cùng cực, chỉ muốn chết đi cho rồi”, Yến nhớ lại. Lợi dụng khi không có ai ở nhà, nhiều lần anh quyên sinh nhưng lần lượt thần chết đều… chê, ngay cả tuyệt thực. “Nhìn những giọt nước mắt của cha mẹ, tôi không đành lòng chết. Rồi tôi nhận được bức thư của chị Nguyễn Giang (một người khuyết tật quê ở Cần Thơ). Trong thư, Giang vừa khuyên bảo, vừa khiêu khích: “Tìm đến cái chết chỉ là một sự hèn nhát. Yến phải đối mặt với khắc nghiệt của cuộc sống và phải biết đứng lên để sống...”. Những câu chữ của Giang đã đánh một đòn đau vào ý chí đớn hèn của tôi. Tôi quyết định mình phải sống...”, Yến kể.
Mặc dù nằm một chỗ nhưng anh có thể tự nấu cơm. |
Dù nằm một chỗ với những ngón tay co quắp rất khó cử động nhưng Yến vẫn không ngừng khao khát về tình yêu lứa đôi, những khát khao có một mái ấm gia đình. Qua sự giới thiệu của một người họ hàng, Yến làm quen với chị Lê Thị Dần (1962, quê xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn, Nghệ An), đã ly hôn chồng. 30 lá thư qua lại thì Dần gật đầu làm vợ anh trong sự dị nghị, hoài nghi của mọi người. “Để đến được với nhau, chúng tôi cũng phải đấu tranh tư tưởng dữ dội lắm. Người ta bảo lấy anh tôi sẽ khổ, thà ở vậy nuôi con còn đỡ cực hơn là về hầu hạ một người nằm liệt giường như Yến. Biết vậy, nhưng tôi nhìn thấy ở anh sự chân thành và nhân hậu. Tôi tin một người ở tận cùng cái khổ như anh ấy sẽ biết yêu thương người khác, nhất là hai đứa con riêng của tôi”, chị Dần bộc bạch.
Từ chỗ chỉ nằm một chỗ, anh đã học cách đi lại bằng lưng. Anh cứ tự hẩy cho cơ thể lăn xuống đất rồi lết đi bằng lưng. Tấm lưng gầy guộc ấy tưởng không thể chịu đựng được sự đau đớn do di chuyển nhưng rồi anh đã bước ra khỏi giường để giúp vợ những công việc nhẹ nhàng. Vốn khéo tay, lại biết một chút về đan lát, anh bảo vợ mua dây mây, ống tre về để đan rổ rá. Những ngón tay co rút, tóe máu nhưng anh vẫn không bỏ cuộc. Dần dà những ngón tay đã tuân theo sự điều khiển của khối óc, những chiếc rổ, chiếc rá dần được hình thành. Lúc đầu rổ chưa thật tròn, nan đan chưa đều nhưng dân làng đã mua để ủng hộ. Tay nghề lên cao, anh Yến có thể đan được nhiều thứ, từ thúng, mủng, giần, sàng đến những vật dụng lớn hơn như bu gà, sọt gánh rau. Hàng làm ra nhiều lại mẫu mã đẹp nên chị Dần đưa ra chợ bán, trang trải thêm con cá, mớ rau…
Niềm vui như nhân lên khi vợ chồng anh tiếp tục đón thêm hai thành viên mới. Mấy chị em trong gia đình rất yêu thương nhau. Ngày Thu (đứa con riêng của chị Dần ) lấy chồng, Yến cố gắng chu toàn. Rồi Hằng đậu đại học ở TPHCM, thêm một khoản lớn phải lo toan… trong khi những mặt hàng đan lát của anh không được ưa chuộng như trước nữa. Gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, chị Dần quyết định ra Hải Phòng làm giúp việc, Yến ở nhà với đứa con út 13 tuổi. Hằng ngày, Hà đi học, anh ở nhà lo cơm nước, giặt giũ. Để có thể làm được những công việc rất đỗi bình thường này đối với anh là cả một sự nỗ lực rất lớn. Mọi thứ cần thiết đều được anh bố trí xung quanh giường, khi cần có thể với tay ra lấy. “Nói nhiều người không tin, tuy tay chân co quắp thế này nhưng tôi có thể đào hố trồng cây nữa đấy. Lúc đầu thì chưa quen, vả lại cái thuổng nặng quá không tài nào mà cầm lên được. Gắng mãi thì cũng quen. Giờ làm ngon rồi”, anh Yến tự hào khoe.
Nhìn anh lê tấm lưng gầy “đi” từng bước lòng chúng tôi chợt thấy vui vui với cái suy nghĩ của anh “ngay cả trong lúc đi, tôi cũng ngửa mặt để nhìn trời”. Cầu mong trời sẽ không phụ anh, người đàn ông đã không chịu đầu hàng sự khắc nghiệt, trớ trêu của số phận...
D. Hóa