Người dân phải được hưởng lợi thành quả cải cách hành chính
Sáng 8-2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, dù đã có những chuyển biến tích cực, mang tính đột phá của chính quyền các cấp nhưng thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, đòi hỏi cần nhanh chóng tiếp tục rà soát, đơn giản hóa; đặc biệt là trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, lao động – thương binh và xã hội.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. |
Từng bước tinh gọn, đơn giản hóa
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành 17 nghị quyết phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và 4 nghị quyết yêu cầu các bộ rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Điểm sáng của cải cách hành chính trong năm qua là Bộ Công Thương (cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh), Bộ NN&PTNT (bãi bỏ, sửa đổi 118/345 điều kiện đầu tư kinh doanh), Bộ Tài nguyên và Môi trường (sửa đổi 76/163 điều kiện), Bộ Xây dựng (đề xuất bãi bỏ 41% và đơn giản hóa 43,7% tổng số điều kiện kinh doanh). Đến năm 2017, tất cả các bộ ngành, địa phương đã công bố danh mục Thủ tục hành chính được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích với 8 triệu lượt hồ sơ, kết quả giải quyết được gửi, nhận, 61/61 tỉnh thành ký kết thỏa thuận cung ứng dịch vụ với Tổng Cty Bưu điện Việt Nam.
Ở cấp trung ương, đã có 17/19 bộ và cơ quan ngang bộ triển khai cung cấp hơn 900 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Trong khi đó, con số này ở 58/63 tỉnh thành đã triển khai là 13.830 dịch vụ. Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và được người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 127 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt cao nhất trong 10 năm trở lại đây với khoảng 17,5 tỷ USD. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 14 bậc so với năm 2016, xếp vị trí 68/190 quốc gia và nằm trong nhóm dẫn đầu của các nước ASEAN.
Đà Nẵng là một trong những địa phương làm tốt công tác cải cách hành chính. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng. |
“Còn tình trạng trên nóng, dưới lạnh”
Dù có nhiều cải cách đột phá nhưng công tác cải cách hành chính từ bộ ngành trung ương đến các địa phương vẫn còn những hạn chế, yếu kém không thể khắc phục trong ngày một ngày hai. Đó là chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực còn hạn chế, công tác theo dõi thi hành pháp luật còn một số bất cập. Việc công khai quy định hành chính và thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ. Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, cần phải tiếp tục rà soát, đơn giản hóa. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính vẫn còn phổ biến ở một số lĩnh vực trọng tâm như đất đai, xây dựng, lao động, thương binh-xã hội.
Từ những bất cập trong thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị, các bộ ngành phải thường xuyên rà soát các thủ tục mới đã ban hành và đơn giản hóa các thủ tục để địa phương dễ triển khai dịch vụ công mức độ 3,4. Các bộ và địa phương nên tăng cường tương tác trên môi trường mạng để triển khai thay vì phát văn bản để xin ý kiến và trả lời. Lĩnh vực đầu tư, nên hệ thống hóa các văn bản hướng dẫn thành một bộ thủ tục theo trình tự từ đầu đến cuối vừa thuận lợi cho địa phương và cả nhà đầu tư. Cũng theo ông Thanh, mô hình trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện đã hoạt động nhưng vẫn còn chưa thống nhất trên toàn quốc. Chính vì vậy Chính phủ cần có chủ trương cụ thể tạo điều kiện để mô hình này vận hành một cách thống nhất.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc cải cách hành chính của đất nước, của bộ, ngành mình. Từ đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đẩy mạnh cải cách hành chính năm 2018 với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả theo phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, dù đã đẩy mạnh cải cách nhưng công tác triển khai thực hiện vẫn chưa đồng bộ, thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn rườm rà. Tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương, bộ máy vẫn còn cồng kềnh, một bộ phận cán bộ, công chức còn sức ỳ, công tác tinh giản biên chế còn vướng mắc, chưa đạt yêu cầu đề ra. “Với phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, phải khắc phục tình trạng trên nóng, dưới lạnh, trên chuyển, dưới chưa chuyển. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo cải cách hành chính phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện 6 nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, ban hành tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ. Phải làm sao để người dân, nhà đầu tư được hưởng thụ những thành quả cụ thể của cải cách hành chính”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
ĐÔNG A