Báo Công An Đà Nẵng

Người dân phản đối công ty dệt may xả thải ra sông ô Lâu

Thứ ba, 22/11/2016 13:06

(Cadn.com.vn) - Người dân vùng giáp ranh giữa H. Hải Lăng (Quảng Trị) và H. Phong Điền (TT-Huế) đang rất lo lắng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường sông Ô Lâu một khi đường ống xả nước thải của Nhà máy dệt- nhuộm- may của Cty TNHH Dệt may Vinatex Quốc tế Toms Quảng Trị (viết tắt: Nhà máy Vinatex Quảng Trị) hoàn thành, đi vào hoạt động. Hiện, tuyến đường ống xả thải dài hơn 9km này đã thi công còn cách điểm cuối chừng 500m nên người dân 2 địa phương trên quyết liệt ngăn cản với hy vọng sẽ thay đổi được tình hình.

Dân bức xúc, lo lắng

Đường ống xả thải của Nhà máy Vinatex Quảng Trị đóng tại Cụm công nghiệp thị trấn Hải Lăng (H. Hải Lăng, Quảng Trị) băng qua địa phận xã Hải Hòa và xã Hải Thành (H. Hải Lăng) trước khi đổ ra ngã ba hói Zét rồi từ đó chảy ra sông Ô Lâu. Theo nhiều người dân địa phương phản ánh, trước khi việc thi công ống xả thải ra vùng này diễn ra, các cấp chính quyền không họp dân để thông báo cũng như không lấy ý kiến của người dân. Sau khi đường ống thi công đến thôn Phước Diện (xã Hải Thành, H. Hải Lăng), người dân nơi đây mới biết và đã ra ngăn cản, đồng thời gửi đơn đến UBND H. Hải Lăng. Sau đó, UBND H.Hải Lăng đã có cuộc họp với người dân.

Ông N.V.X (trú xã Hải Hòa) cho biết, mặc dù tại cuộc họp, lãnh đạo huyện nói với dân là sẽ không ô nhiễm, nhà máy đã có hệ thống xử lý nước thải và thải ra nước sạch. Thế nhưng, vì sao nhà máy không thải ra ngay hồ Khe Chè, hồ Bàu Vịt (thuộc địa bàn TT Hải Lăng) mà phải đầu tư một số tiền rất lớn xây dựng đường ống dài trên 9 km để xả thải ra khu vực này, nguy cơ ảnh hưởng cả người dân Quảng Trị và TT-Huế. Một số người dân cho rằng, nếu đường ống xả thải của Cty này thi công chạy theo hướng ra biển Cửa Việt thì cũng gần hơn, sao không làm theo cách này? Còn theo ông Võ Văn Quỳnh, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Hội Điền (xã Hải Hòa), khu vực này không có nước máy, người dân trong thôn lấy nước sông để sinh hoạt. Giờ mà nhà máy xả thải ra sông, nhất là ngành dệt nhuộm, nước thải rất độc hại thì nguồn nước sẽ nhiễm độc… ai chịu trách nhiệm?

Tương tự, nhiều hộ dân ở xã Phong Bình (H. Phong Điền, TT-Huế) cũng không kém phần hoang mang khi biết ống xả thải của Nhà máy Vinatex Quảng Trị xả ra sông Ô Lâu. Ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình, khẳng định: Việc xả thải của Nhà máy Vinatex Quảng Trị ra hói Zét sẽ chảy về sông Ô Lâu; điểm xả thải cách cầu Vân Trình (xã Phong Bình) khoảng 1km. Nếu nguồn nước thải này ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn uống, sinh hoạt của người dân 2 bên bờ sông, trong đó xã  Phong Bình sẽ là nơi hứng chịu đầu tiên. Ngoài ra, nếu nguồn nước sông Ô Lâu bị ô nhiễm sẽ gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, trước hết là gần 1.500 ha lúa của xã Phong Bình và xã Phong Chương (H. Phong Điền). Trước những lo ngại trên, UBND xã Phong Bình có văn bản kiến nghị với UBND H. Phong Điền để làm việc với phía Quảng Trị về công nghệ xả thải của nhà máy nhằm đảm bảo môi trường nước sông Ô Lâu.

Đường ống xả thải của Nhà máy Vinatex Quảng Trị sẽ chảy ra sông Ô Lâu đã tạm dừng thi công sau khi bị người dân phản ứng.

Môi trường TT - Huế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Ngày 21-11, trao đổi với P.V, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND H. Phong Điền cho biết, huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh TT-Huế về đường ống xả thải của Nhà máy Vinatex Quảng Trị. Dự kiến, công suất thải của nhà máy mỗi ngày gần 1.300m3 nước thải. Theo ông Hùng, khu vực sông Ô Lâu nơi gần đoạn ống xả thải là nơi cung cấp nước tưới cho gần 1.500 ha lúa 2 vụ của 2 huyện Phong Điền và Quảng Điền (TT-Huế) và một số xã thuộc H. Hải Lăng (Quảng Trị). Đồng thời, trên đoạn sông Ô Lâu, người dân đang nuôi trồng thủy sản và là nguồn nước duy nhất mà tỉnh và huyện đang triển khai phương án xây dựng hệ thống bơm nước sông Ô Lâu phục vụ nuôi tôm trên cát. Cũng theo Chủ tịch UBND H.Phong Điền, đây là vùng lõi và vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước cửa sông Ô Lâu. Đặc biệt nghiêm trọng vào mùa mưa, nước sẽ chảy qua hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai.

“Với đặc điểm nước thải của Nhà máy Vinatex Quảng Trị có thành phần hóa học rất độc hại có nguy cơ sẽ hủy diệt các hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, nuôi trồng, đời sống của nhân dân trong vùng. Chúng tôi đề nghị tỉnh Quảng Trị, H. Hải Lăng và doanh nghiệp cần thay đổi vị trí của đường ống xả thải để khỏi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng vạn người dân 2 tỉnh”, Chủ tịch UBND H. Phong Điền đề xuất.

Theo ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch UBND H. Hải Lăng, quá trình làm đường ống xả thải của Nhà máy Vinatex Quảng Trị đã bị người dân phản ứng nhiều nên huyện đã đình chỉ thi công. Theo UBND tỉnh Quảng Trị, dự kiến, phương án mới sẽ không thải ra sông ở ngã ba hói Zét nữa mà sẽ xả vào hồ Đập Thanh ở TT Hải Lăng- phù hợp với quy hoạch xử lý môi trường cụm Diên Sanh. Ông Hoàng Văn Vinh nói: Hồ Đập Thanh nằm biệt lập và cách nhà máy Cty Dệt may Vinatex khoảng 3 km không có đường nước nối với các sông nên chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến môi trường.

H.Lan