Báo Công An Đà Nẵng

Người dân vùng dự án "khóc ròng" trước bài toán an cư

Thứ năm, 03/09/2020 20:00

Nhiều người dân tại tổ 81 P. Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) chưa biết sẽ đi đâu về đâu khi dự án thu hồi đất. Mặc dù TP đã có chính sách hỗ trợ mua đất tái định cư song số tiền mua đất, cất nhà vượt ngoài khả năng kinh tế vì vậy một số hộ đành nấn ná ở lại trong căn nhà xuống cấp, môi trường xung quanh ô nhiễm, mưa lũ rình rập.

 Nhiều hộ dân tổ 81, P. Hòa Khánh Bắc vẫn bấm bụng sống trong khu quy hoạch dự án bất chấp môi trường sống ô nhiễm.

Đi không nỡ, ở chẳng đành

Hộ ông Nguyễn Minh và bà Trần Thị Xuân (tổ 81, P. Hòa Khánh Bắc) có diện tích đất trồng cây hàng năm là 104m2 và căn nhà 2 tầng với tổng diện tích sàn 150m2 nằm trong dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu. Vào năm 2016, gia đình ông bà nhận tổng số tiền đền bù đất và tài sản là 493 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều năm qua ông bà vẫn sống tạm bợ trong căn nhà đó bởi lý do chưa có nơi để chuyển đi mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động bàn giao mặt bằng. Bà Xuân trải lòng: "Những người dân xung quanh đã chuyển nhà, còn gia đình tôi đành ở lại đây. Do hoàn cảnh gia đình đông con cháu đi ở trọ rất chật chội. Gia đình tôi thuộc diện được hỗ trợ mua đất tái định cư (TĐC) nhưng với số tiền hơn 700 triệu đồng/lô thì gia đình chúng tôi khó bề thu vén, vì toàn bộ số tiền đền bù từ mấy năm trước đã dùng nuôi 4 người con ăn học".

Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo (trú cùng tổ) cùng chồng và 2 đứa con đang sống trong căn nhà lụp xụp lọt thỏm giữa bãi đất cỏ dại mọc um tùm, bên cạnh là căn nhà hàng xóm đã gỡ bỏ gần xong chỉ còn những mảng bê-tông sót lại. "Nước thải của các nhà máy trong KCN thải ra con kênh trước nhà nên mùa nắng nước đục ngầu, mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng lũ lượt kéo đến. Còn mùa mưa thì cả khu vực này chìm trong biển nước, tràn cả vào trong nhà. Cực chẳng đã chúng tôi mới phải bám trụ lại đây" chị Thảo nén tiếng thở dài...

Cũng theo chị Thảo, gia đình chị được đền bù 210 triệu đồng. Với số tiền này cùng với đồng lương 2 vợ chồng làm công nhân vừa phải nuôi 2 con ăn học thì không biết đến khi nào mới có 700 triệu đồng để mua đất TĐC.

Việc mưu sinh còn đè nặng lên vai, khó khăn về nhà ở nên 9 hộ dân tại tổ 81 P. Hòa Khánh Bắc đành chấp nhận cuộc sống tạm bợ trong vùng đất dự án và mỗi ngày chứng kiến những gia đình hàng xóm thu dọn đồ đạc chuyển đến nơi ở mới trong lòng họ lại nặng trĩu lo toan.

Hộ gia đình bà Trần Thị Xuân với 7 nhân khẩu đang sinh sống trong căn nhà xuống cấp trong vùng đất dự án.

Khẩn trương di dời các hộ dân ra khỏi dự án

Theo thông tin từ Ban Giải phóng mặt bằng (GPMB) Q. Liên Chiểu, tại tổ 81 P. Hòa Khánh Bắc thuộc đất dự án Kênh thoát nước (KCN Hòa Khánh ra sông Cu Đê) và Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu được triển khai từ năm 2011. Trong thời gian vừa qua đã vận động và cưỡng chế di dời một số hộ dân. Đến nay còn khoảng 77 hồ sơ chưa giải quyết xong, trong đó dự án Kênh thoát nước là 27 hồ sơ và Trạm xử lý nước thải là 50 hồ sơ.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thương- Chuyên viên Ban GPMB Q. Liên Chiểu, hiện nay, tại khu vực dự án có 10 hộ dân đang sinh sống thực tế, trong đó có 9 hộ dân thực sự khó khăn về nhà ở. Hầu hết những hộ dân này làm nhà trên đất nông nghiệp, vì vậy khi giải tỏa đền bù không được cấp đất TĐC. Đối với trường hợp người sử dụng đất trước ngày 1-7-2004 được TP xem xét mua 1 lô đất TĐC với mức giá hơn 700 triệu đồng. Tuy nhiên, mức giá này nhiều hộ dân không thể chi trả vì vậy họ bày tỏ nguyện vọng được mua lô phụ với giá đất năm 2011 khi dự án bắt đầu triển khai là 620.000đồng/m2 ".

Cũng theo bà Thương, tại các cuộc họp với quận, người dân đã trình bày những khó khăn về vấn đề nhà ở. TP có kế hoạch hỗ trợ thêm 50 triệu đồng/hộ và tiền thuê nhà 3 triệu đồng/tháng trong thời gian người dân chờ nhận đất.

Ông Nguyễn Đăng Huy- Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu cho biết: "Hiện nay tại dự án đang có một số hộ dân thực sự khó khăn về nhà ở, UBND quận cũng đã vận động người dân thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh mọi kế hoạch tạm hoãn. Sắp tới, sẽ tiếp tục vận động người dân di dời, bàn giao mặt bằng để vừa đảm bảo cuộc sống cho người dân trước mưa lũ và ô nhiễm môi trường vừa đảm bảo tiến độ thi công dự án".

NGUYỄN LIÊN