Báo Công An Đà Nẵng

Người dân yêu cầu nhanh chóng di dời Nhà máy Thép Việt-Pháp

Thứ năm, 27/07/2017 11:04

Khi chính quyền tỉnh Quảng Nam cam kết di dời Nhà máy thép Việt-Pháp (NMT Việt-Pháp) trong Cụm công nghiệp Thương Tín 1 (P. Điện Nam Đông, TX Điện Bàn, Quảng Nam) vào cuối năm 2019 thì người dân địa phương lại không đồng tình với phương án này. Theo người dân khối phố 7A (P. Điện Nam Đông), nhiều năm qua, NMT Việt-Pháp đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương nên bị họ phản đối gay gắt, nhiều lần tổ chức ngăn chặn không cho nhà máy hoạt động. Và gần 1 tháng nay, người dân trong khu vực tiếp tục dựng lều trước cổng NMT Việt-Pháp không cho xe tải chở thép phế liệu vào.

Rất nhiều người dân tham gia cuộc họp bày tỏ ý kiến không đồng tình việc kéo dài thời gian di dời nhà máy thép Việt-Pháp đến năm 2019.

Trước tình hình đó, chiều 25-7, UBND TX Điện Bàn tổ chức họp dân để thông báo kết luận của UBND tỉnh về việc di dời NMT Việt-Pháp. Theo đó, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn nhằm ổn định tình hình sản xuất của NMT Việt Pháp và đề ra 2 phương án nhằm ổn định đời sống của nhân dân chung quanh NMT. Phương án 1, triển khai trồng cây xanh hoặc xây tường chắn ở vệt cách ly 15m giữa Cụm công nghiệp Thương Tín 1 và khu dân cư để hạn chế ảnh hưởng về môi trường của cụm công nghiệp đối với đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực. Phương án 2, điều chỉnh quy hoạch, tiến hành xây dựng kế hoạch di dời các hộ dân trong phạm vi phía Bắc tuyến đường ĐT607B, sau đó xây hàng rào bảo vệ cụm công nghiệp. Tuy nhiên, 2 phương án trên vẫn chưa tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân trong khu vực, đa số người dân đề nghị di dời NMT Việt-Pháp khỏi địa bàn.

Kết luận của UBND tỉnh nêu rõ: “Thực hiện chủ trương của Chính phủ, HĐND và UBND tỉnh về đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; thể theo nguyện vọng của NMT Việt-Pháp, sau khi xem xét tình hình thực tế của địa phương, đặc biệt là trước áp lực về môi trường, nhu cầu phát triển đô thị của TX Điện Bàn, nguyện vọng của nhân dân cần được quan tâm giải quyết, UBND tỉnh thống nhất chủ trương di dời NMT Việt Pháp ra khỏi Cụm công nghiệp Thương Tín 1. Tuy nhiên việc di dời phải có thời gian, lộ trình, bảo đảm di dời trước ngày 31-12-2019. Trong thời gian chờ di dời phải tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động ổn định”.

Sau khi nghe ông Trần Úc- Chủ tịch UBND TX Điện Bàn đọc thông báo kết luận của UBND tỉnh Quảng Nam, nhiều người dân bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc kéo dài thời gian di dời NMT Việt Pháp đến năm 2019. Ông Lê Tự Hát (trú khối phố 7A) một lần nữa lại phản ánh nỗi khổ sở của người dân khi sống bên cạnh NMT, chính vì thế mà không ít lần người dân mới dựng lều túc trực trước cổng nhà máy để bày tỏ sự phản đối. Không riêng gì ông Hát, hầu hết người dân tham gia cuộc họp đều không đồng ý kéo dài thời gian di dời đến năm 2019, không cho chở thêm phế liệu vào nhà máy và yêu cầu nếu không di dời sớm thì đóng cửa nhà máy.

“Trước đây, lãnh đạo tỉnh cam kết di dời nhà máy trong năm 2017, nhưng đến nay NMT Việt-Pháp này vẫn hoạt động bình thường. Nay lại gia hạn đến năm 2019 thì dân chúng tôi chịu sao thấu”, ông Hát bức xúc.

Trước bức xúc của người dân, Chủ tịch UBND TX Điện Bàn đã công khai số ĐTDD của mình để người dân có thể phản ảnh tình trạng ô nhiễm của NMT Việt-Pháp bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, ông Trần Úc cũng mong bà con cảm thông cho doanh nghiệp: “Doanh nghiệp đầu tư vào đây vài trăm tỷ đồng, chắc chắn trong vòng 4-5 năm thì không thể thu hồi vốn được. Trong chừng mực nào đó, mong bà con thông cảm”, ông Úc nói. Đại diện lãnh đạo NMT Việt- Pháp cũng cam kết đảm bảo môi trường và công khai lộ trình di dời để người dân được biết. Đồng thời trong thời gian chờ đợi đến ngày di dời, “xin” người dân cho nhà máy chở vật liệu vào để tiếp tục sản xuất, trả lãi ngân hàng và lương cho công nhân.

Kết thúc buổi họp, người dân địa phương vẫn cương quyết yêu cầu nhanh chóng di dời NMT Việt- Pháp và tiếp tục ngăn cản xe tải chở thép ra vào NMT. Vì thế, để giải quyết chuyện di dời NMT Việt-Pháp vẫn đang là vấn đề nan giải đối với tỉnh Quảng Nam.

H. ANH