Báo Công An Đà Nẵng

Người đánh máy chữ qua hai thế kỷ

Thứ năm, 25/06/2020 14:24

Giữa lòng TP Quảng Ngãi nhộn nhịp, vẫn còn cụ ông hằng ngày ngồi miệt mài bên chiếc máy đánh chữ dưới hiên nhà để thảo đơn thư cho mọi người... Cái nghề "muôn năm cũ" này đã theo cụ ông Trương Vui (86 tuổi, trú P. Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cũng ngót nghét gần 65 năm.

Cụ Vui với nghề đánh máy chữ xuyên hai thế kỷ.

Hoài niệm về nghề "muôn năm cũ"

Nằm trên con phố Nguyễn Bá Loan sầm uất, thế nhưng căn nhà mái trệt của cụ Vui đậm chất hoài niệm. Trước hiên nhà treo tấm gỗ màu vàng với dòng chữ đỏ nổi bật nhuốm màu thời gian: "Nhận làm giấy tờ, đánh máy chữ và vi tính". Cái nghề đánh máy chữ đã trở nên lạc hậu, "năm thì mười họa" mới có người khách đến nhưng cụ Vui vẫn giữ nghề và có lẽ cũng là người đánh máy chữ cuối cùng ở TP Quảng Ngãi.

Cụ Vui cho biết, cụ đến với nghề này từ lúc nhỏ ở quê. Một người thân dạy học tại làng Phi Phú Tây (Điện Bàn, Quảng Nam) có chiếc máy đánh chữ nhỏ nên cụ mày mò tập gõ. Chuyển vào Quảng Ngãi lập nghiệp, cụ theo học nghề y nhưng sau đó ra trường lại bén duyên với công việc sửa chữa máy chữ. Từ đó cụ theo nghề này để sống đến tận bây giờ. Từng mẫu đơn thư, chứng từ của công việc đánh máy những năm 90 đã nhuốm màu thời gian vẫn được cụ gìn giữ cẩn thận.

Những người lớn tuổi sống ở trung tâm TP Quảng Ngãi kể lại trước đây cũng có một số người làm nghề đánh máy chữ. Theo thời gian, chỉ còn lại cụ Vui. Trong ký ức của cụ Vui, khoảng thập niên 90 là thời kỳ nghề này làm ăn "rất thịnh". "Hồi đó, ngoài đánh máy văn bản, đơn từ tôi còn đánh ghép các bài thơ về Quảng Ngãi, bài thơ của cụ Nguyễn Nghiêm, hồ sơ chứng từ quyết toán cho chính quyền, các giấy tờ tiếng Anh, tiếng Việt và nhiều thứ tiếng khác. Khách hàng đến đông nghịt phải xếp hàng, từ người cơ quan Nhà nước đến các doanh nghiệp, người dân,... Vì vậy chuyện khách phải chờ 1-2 ngày là bình thường", cụ Vui hồi tưởng.

  Khi máy vi tính bắt đầu thịnh hành, người ta ít sử dụng máy đánh chữ. Thế là dần dần, nghề này cũng vắng khách. Không vì thế mà cụ Vui không tiếp tục theo đuổi nghề. Bởi sở dĩ vẫn còn khách quen ưa cách làm việc khoa học và cả những người thích lưu giữ kỷ niệm qua từng dòng chữ. "Nói vậy chứ vẫn có người thích cái cũ, họ tìm đến nhờ đánh chữ để về lưu giữ. Rồi có khách đến thuê làm đơn, người ta kể câu chuyện của người ta, rồi nói ý muốn của người ta như thế nào, tôi làm ra đơn đúng như ý họ yêu cầu, nên người ta thích tìm đến tôi", cụ Vui tự hào.

Những văn bản mà cụ Vui đã đánh máy chữ trước đây.

Đau đáu với nghề

Theo lời cụ Vui, người làm nghề này không chỉ đơn thuần biết gõ chữ mà phải "đa di năng" đôi khi biến thành luật sư, nhà phiên dịch, rồi nhà thơ hoặc nhà văn lúc nào không hay. Cụ nhận được rất nhiều yêu cầu viết đơn và phải làm cho đúng mẫu và tư vấn kỹ càng cho khách về nội dung. Dù tuổi đã cao nhưng từng động tác của cụ vẫn nhanh nhẹn, chính xác đến từng chữ nên khách hàng rất hài lòng. Ông Nguyễn Hữu Thành, một vị khách thường xuyên của cụ Vui chia sẻ: "Hiện nay hàng quán in ấn rất nhiều nhưng tôi vẫn thích cách thảo đơn của cụ Vui. Chuyện mình như thế nào trình bày cặn kẽ là cụ có kinh nghiệm, làm rất ngắn gọn nên khiến mình tin tưởng. Khi làm xong, cụ đọc lại cặn kẽ cho tôi nghe, nếu thấy hợp tình hợp lý rồi thì mới trả tiền, nếu còn chỗ nào chưa được thì cụ làm lại tới khi được mới thôi".

 Theo cụ Vui, nghề mà cụ theo đuổi quan trọng hơn hết là rèn luyện tâm đức trong sáng qua từng câu chữ, nâng cao kiến thức ở mọi lĩnh vực, tỉ mỉ và nhẫn nhịn. Để đáp ứng những yêu cầu trên, cụ Vui thường tranh thủ xem thời sự, tìm hiểu các quy định, văn bản mới... để cập nhật thêm thông tin, bổ sung kiến thức. Cũng nhờ đông khách mà nghề này thu nhập luôn ổn định, một thời đã giúp cụ nuôi sống gia đình và lo cho các con ăn học thành đạt, có người còn học đến thạc sĩ lúc bấy giờ.

Tuy là nghề để kiếm sống, nuôi cả gia đình nhưng điều đó không có nghĩa cụ Vui đánh chữ thuê kiếm tiền bằng mọi giá. Cụ hiếm khi nhận làm các đơn từ kiện tụng tranh chấp đất đai, bởi cụ xét thấy những vụ kiện ấy để lại hệ lụy là người thân trong gia đình mất tình cảm với nhau. "Tôi từ chối ngay những đơn tranh chấp đất đai, nhất là có liên quan đến người thân trong gia đình... dù họ trả giá gấp đôi so với bình thường. Nhiều người khi bị từ chối thì quay sang phán xét, nói nặng nhẹ, thậm chí là chửi, nhưng tôi cũng bỏ hết ngoài tai", cụ Vui nói.

Cuộc sống của nghề cũng khắc họa lại với cụ nhiều kỷ niệm, đặc biệt là đối với những người nghèo. Thời đó, nhiều người lớn tuổi tìm đến cụ để nhờ đánh đơn xin trợ cấp, đánh xong đơn, cụ không lấy tiền. Nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, cụ còn gọi xe ôm chở họ về. "Còn đơn ly hôn, trước khi tới tòa án của Nhà nước thì phải qua "tòa án lương tâm" của tôi trước. Có thể người ta chưa suy nghĩ thấu đáo, bởi đơn ký rồi là gia đình tan vỡ nên tôi hay khuyên về suy nghĩ kỹ lại, nếu không thể tiếp tục sống với nhau thì quay lại đây tôi làm cho. Nhiều người nghe vậy rồi hòa giải được, sau đó trở lại cảm ơn tôi rối rít", cụ Vui kể.

Nghề cũng mang đến cho cụ Vui nhiều niềm vui. "Hồi đó, tôi đánh các bài thơ nhiều nhất là cho các cô cậu học trò. Nhiều lúc tôi đọc thơ tụi nhỏ làm rất hồn nhiên, vừa đánh máy vừa cười. Bây giờ, có muốn đọc những bài thơ ngô nghê của tuổi học trò khi đó cũng không được, bởi giờ hiện đại, học sinh hầu hết đều nhắn tin qua mạng hết rồi", cụ Vui tiếc rẻ .

Khách càng ngày càng vắng, nhưng cụ già cùng chiếc máy đánh chữ cổ điển vẫn ngày ngày hiển hiện ở góc phố ấy. Cụ Vui bảo, còn sức, còn khách thì cụ vẫn còn giữ lấy nghề. Với cụ, đây không chỉ đơn thuần là công việc mưu sinh mà còn là niềm vui mỗi ngày. Cuộc sống vẫn luôn chuyển động không ngừng, những suy thịnh thăng trầm của thời cuộc vẫn không làm thay đổi tấm lòng son sắc của cụ Vui với nghề đánh máy chữ. Một người yêu nghề đáng trân quý...

TRỌNG QUỐC