Báo Công An Đà Nẵng

Người đi mở "không gian đọc"

Thứ tư, 13/04/2016 08:53

(Cadn.com.vn) - Rời quê Thái Bình vào miền Trung theo chồng, hai năm nay, chị Khiếu Thị Hoài, thủ thư của Thư viện Trường Đại học Phan Châu Trinh (TP Hội An, Quảng Nam) miệt mài phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tại TP Hội An, với mơ ước đưa sách "trở về" cuộc sống hằng ngày trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin!

CLB Không gian đọc Hội An tặng sách cho bệnh nhân ung bướu bệnh viện Trung ương Huế.

Từ duyên nợ với sách...

Chị Hoài kể, hồi nhỏ, mỗi khi bố mẹ đi làm, chị chỉ biết ở nhà làm bạn với sách. Chị đọc tất cả những cuốn sách trong gia đình có, khi đó, sách có sẵn ở nhà nên gần như không có sự chọn lựa. Cứ thấy chữ, thấy sách là đọc. Năm học lớp 6, mới "chân ướt chân ráo" lên thành phố học, chưa tự tin với ngôi trường mới nên chị tìm tới sách như một người bạn. Khi đó cô giáo dạy văn là người bạn lớn của chị,  giúp chị tìm những cuốn sách phù hợp. Cô còn giới thiệu để chị tham gia câu lạc bộ (CLB) bồi dưỡng viết văn Búp trên cành của Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình, được học tập, giao lưu với các nhà văn, nhà thơ lớn như Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật, Tô Hoài... Năm học 12 chị bắt đầu đọc những tác phẩm kinh điển của thế giới. Đọc sách như một cách để chị giải tỏa mọi mệt mỏi suy tư trong cuộc sống. Sách khiến chị như được sống thêm nhiều cuộc đời, nhiều thế giới khác, sống hòa đồng hơn, biết cảm thông với lỗi lầm của người khác...

Với mong ước con mình đọc sách nhiều, từ khi sinh con đến nay không đêm nào chị không đọc sách cho con nghe. Khi con đã bắt đầu đi học, mỗi giờ ngủ trưa chị lại tới lớp đọc sách cho con. Rồi hoạt động của chị đã được các cháu thiếu nhi thích thú, nhà trường cũng ủng hộ nhiệt tình. Hơn một năm khi con học lớp 1 thì hôm nào chị cũng đến các lớp đọc sách cho con và những em nhỏ của Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc - Hội An nghe trong giờ ngủ trưa. Với các sinh viên của mình, chị luôn khuyên các bạn hai điều: nên đọc nhiều sách để tăng thêm vốn kiến thức, tìm hiểu các nền văn chương, các miền đất mới và nên đi thật nhiều để cảm nhận cuộc sống xung quanh. Chị Hoài chia sẻ: "Khi vào Hội An, tôi thấy rằng những người dân nơi đây dù làm những nghề phổ thông như nung gạch, đóng thùng thiếc hay đóng đàn guitar... vậy mà người ta có thể ngồi tranh luận với những người làm văn hóa, những người làm nghiên cứu về những vấn đề triết học, tôn giáo, văn học Việt Nam và văn học thế giới một cách rất bài bản, rất học thuật. Họ có thể ngồi hàng giờ để nói chuyện về sách, về văn hóa, có thể đọc thuộc làu làu hàng loạt bài thơ của Bùi Giáng".

Chị Khiếu Thị Hoài đọc sách cho các em nhỏ.

... Đến "Không gian đọc Hội An"

Chị Khiếu Thị Hoài luôn ấp ủ trong mình giấc mơ mở một không gian có tên Không gian đọc Hội An cho các bạn nhỏ và người dân Hội An tới đọc sách. Năm học 2013 - 2014, khi khóa sinh viên Đại học Phan Châu Trinh mới vào trường, chị đã chia sẻ ý nghĩ của mình và được các bạn ủng hộ nhiệt tình. Sau hơn 3 tháng chuẩn bị, nhận sách từ khắp nơi gởi về, ngày 4-12-2013, một Không gian đọc Hội An ra đời với hơn 200 cuốn sách được phục vụ tại tiền sảnh của Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An. Từ sự khởi đầu khá khiêm tốn, trong quá trình hoạt động của Không gian đọc Hội An, đến nay đã có hàng nghìn cuốn sách của bạn bè cả nước gửi về. Có những người tâm huyết với văn hóa đọc cũng đã dành rất nhiều tình cảm cho chị Hoài. Hỏi về những kỷ niệm khi được tặng sách, chị kể: "Có người còn dậy từ 5 giờ 30 sáng để đi xin sách cho Không gian đọc Hội An, chở hẳn 3 thùng lớn mang về, nhưng... toàn là vở đã dùng hết, sách nát tơi tả không dùng được cuốn nào. Hay một người bạn từ Hà Nội vào mang cho chị rất nhiều sách hay và mới do các tác giả, các nhà văn tặng. Mình và bạn ấy cùng nhau ngồi viết đề tặng và đóng dấu cho từng cuốn sách". Mỗi cuốn sách của Không gian đọc Hội An thường mang trên mình nhiều con dấu, nhiều lời đề tặng  cho thấy mỗi cuốn sách đã đến với nhiều người, nhiều CLB trước khi đến Không gian đọc Hội An nhưng hầu như cuốn nào cũng còn khá mới. Mỗi nơi sách dừng chân lại có một dấu tích riêng của người lưu giữ sách như thể hiện con đường đi thú vị của từng cuốn sách.

Hơn 2 năm thành lập, chị Hoài chưa một lần vắng mặt một ngày chủ nhật nào. Nhiều bạn sinh viên là thành viên CLB mấy tháng liền chẳng về quê chỉ vì yêu CLB Không gian đọc Hội An, sợ về quê sẽ không có cơ hội phục vụ các độc giả. Các bạn còn chia sẻ: "có hôm nghỉ hè các bạn sinh viên về quê, cô Hoài phải dẫn cả hai đứa con tới nhờ bác bảo vệ tại Trung tâm quản lý bảo tồn văn hóa Hội An dọn sách ra giúp rồi cả ba mẹ con cùng phục vụ độc giả". Ngoài hoạt động tại chỗ vào ngày chủ nhật hàng tuần, chị Hoài còn cùng các sinh viên của mình đi nhiều nơi như miền núi, hải đảo trong địa bàn tỉnh Quảng Nam để tặng sách, thành lập tủ sách mini để các độc giả nhí và người dân tại những nơi xa xôi đó có thêm cơ hội đọc sách. Các thành viên của CLB Không gian đọc Hội An chính là những "cánh tay nối dài" của chị Hoài trong việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Về dự định sắp tới, chị Hoài cho biết: "CLB Không gian đọc Hội An phối hợp với thư viện Thanh Hóa tổ chức một ngày Hội đọc sách. Bên cạnh đó, Không gian đọc Hội An cũng đang lên kế hoạch để thực hiện những phiên chợ sách cũ trong khu vực phố cổ và xây dựng thêm tủ sách gia đình tại những nhà có sách trong thành phố". Chị Khiếu Thị Hoài có một ước mơ. Đó là mở rộng không gian đọc, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Giữa cuộc sống tất bật và sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, ước mơ ấy, đôi khi thật lẻ loi. May thay, giờ đây, bên chị đã có thêm những người trẻ cùng chung ý nguyện. Chí ít, điều đó cũng mang lại những tia hy vọng mới.

Ngọc Diệp