Báo Công An Đà Nẵng

Người đi tìm “cái đẹp không dễ chịu”

Thứ ba, 23/12/2014 08:08

(Cadn.com.vn) - “Mỗi giờ, mỗi ngày, xung quanh tôi biết bao sự việc thương tâm xảy ra vì tai nạn giao thông. Những ám ảnh dai dẳng đó ăn sâu vào trong tiềm thức và bất kỳ cái gì xung quanh cũng gợi nhắc tôi phải hành động. Thế là một máy ảnh trên tay và những suy tư từ các vật thể tượng trưng liên quan đến giao thông giúp tôi hình thành ý tưởng sắp đặt để cho ra đời các tác phẩm nghệ thuật về thảm họa tai nạn giao thông”-nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng nói về một cuộc triển lãm có một không hai sắp diễn ra của mình. Và ông tự nhận mình là...

TỪ CÀ-PHÊ “BIỂN BÁO”...

Cái tên cà-phê “Biển báo” cùng với nghệ danh Mỹ Dũng thật sự không còn xa lạ với người dân thành phố Đà Nẵng. Khi mới ra đời, người ta tìm đến thưởng thức hương vị cà-phê thì ít mà chủ yếu tò mò về ý tưởng khác lạ này. Nhưng dần dần, nhiều người từ ngỡ ngàng đến khâm phục cái “tâm” và cái “tài” của người chủ quán. Từ sự trăn trở làm thế nào và bằng cách nào để góp phần cùng chung tay với xã hội, với cộng đồng nhằm giảm thiểu tai nại giao thông, nghệ sĩ Mỹ Dũng đã làm theo cách của mình. Nhiều người bảo ông “hâm” khi cứ lụi cụi đi tìm kiếm, sưu tầm những vật dụng liên quan đến xe cộ, biển báo từ những phế thải, phế liệu, ngồi thiết kế từng bộ bàn ghế cho đến từng chiếc cốc, đĩa gần cả năm trời.

Vậy mà dưới con mắt và bàn tay của người nghệ sĩ, những vật vô tri vô giác ấy được sắp đặt một cách ấn tượng ở mọi ngóc ngách của quán, khiến người xem không thể không suy ngẫm. Ngay lối vào quán, dãy tường rào dựng hàng chục cột biển báo, các lối đi trong quán cũng được chỉ dẫn bằng biển rẽ trái, rẽ phải. Tập menu thức uống như một cuốn sách về luật giao thông, in kín các loại biển, chỉ để trống hai bên lề ghi đồ uống. Trên mặt từng chiếc đĩa in cảnh báo: chạy chậm, cẩn thận, không say... Quán tận dụng các bộ phận của xe để thiết kế nội, ngoại thất độc đáo. Ghế trệt được làm từ lốp ô-tô, ghế cao làm bằng khung xe, chỗ bỏ chân là bàn đạp, mặt bàn là vô lăng. Tại vị trí trung tâm quán, khung vuông chứa hàng chục cái còi được gắn kết với nhau thu hút sự chú ý của nhiều người.

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Biển báo”.

...ĐẾN TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT

Theo nhận xét của nhiều người, không gian cà-phê Biển báo mang đến cho những ai đặt chân đến nơi này không chỉ cảm giác thoải mái, mà còn là các giá trị làm thay đổi nhận thức về vấn đề giao thông. Tuy nhiên, không bằng lòng về những gì mình đã làm được, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng lại mày mò tìm kiếm, lên ý tưởng...  Hơn một năm chuẩn bị, tốn nhiều công sức cả thời gian, tiền bạc rồi không biết bao nhiêu lần thay đi đổi lại, cuối cùng những dự định, ấp ủ của ông thành hiện thực khi chuyên đề triển lãm mỹ thuật cũng với cái tên “Biển báo” – gồm 16 tác phẩm sẽ được giới thiệu đến công chúng vào cuối tháng 12 này. Đây là công trình đầu tiên trong lĩnh vực mỹ thuật sắp đặt đề cập trực tiếp đến mảng đề tài về an toàn giao thông.

Chia sẻ về triển lãm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng tâm sự: đề tài an toàn giao thông vốn dĩ khô khan, nên để tăng hiệu ứng thẩm mỹ “nghe – nhìn” cho người xem phải chú trọng đến thủ pháp nghệ thuật sắp đặt cùng phối hợp với nhiều kênh nghệ thuật khác như nhiếp ảnh, âm thanh, âm nhạc, ánh sáng... Đồng thời, sử dụng những chất liệu quen thuộc trong cuộc sống thường nhật như: mũ bảo hiểm, gỗ, bao nilon, còi xe, vỏ bia, mảnh quảng cáo... đến di vật xe máy bị tai nạn để tạo nên sự gần gũi, dễ đi vào lòng người. “Dẫu biết đây là một lựa chọn dấn thân không dễ dàng, nhưng với trách nhiệm của một công dân, của người nghệ sĩ, tôi quyết tâm dùng nghệ thuật để chia sẻ cảm xúc và cảnh báo với công chúng về thảm họa tai nạn giao thông”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng tâm sự.

Xuyên suốt 16 tác phẩm là 16 câu chuyện về cái nhìn trực diện giữa sự sống và cái chết phi lý do chính con người tạo ra như đội mũ bảo hiểm giả, uống rượu bia khi tham gia giao thông, chạy quá tốc độ, không tập trung lái xe vì bị chi phối bởi quá nhiều biển quảng cáo, vì giật mình bởi tiếng còi xe... đến nỗi đau của những người thân nạn nhân bị tai nạn... Chẳng hạn, ở tác phẩm “Thật và giả”, hình ảnh phi lý khi người thật đội mũ giả và người giả đội mũ thật, tác giả sử dụng chất liệu ảnh, gỗ, mũ ảo hiểm, vải băng khéo léo sắp đặt với nhau tạo nên cảnh báo nhẹ nhàng mà sâu sắc; hay tác phẩm “Hiệu ứng”, tác giả sử dụng vỏ lon bia, vỏ chai rượu, dây chuyền cấp cứu, vỏ lọ thuốc cấp cứu sắp đặt hài hòa với chiều cao 2m vừa mang tính nghệ thuật vừa là lời cảnh tỉnh.

Đặc biệt, một lần nữa tiếng còi xe–điều trăn trở lớn nhất của tác giả về thực trạng văn hóa giao thông của Việt Nam được đưa vào tác phẩm “Âm còi”, với việc sưu tầm còi xe các loại cùng ý tưởng “nhốt” chúng lại, tác giả cho rằng nơi nào càng vắng tiếng còi, nơi đó mới bình yên và ý thức con người không thể chỉ có khi bị người khác tuýt còi. Những tác phẩm còn lại như “Nhịp đời đa mang”, “Lời vĩnh biệt con đường”, “Cầu siêu”, “Giới hạn”, “Không gian một và vô số”... cũng bằng chất liệu đơn giản, nghệ thuật sắp đặt dung dị nhưng để lại trong lòng người xem nỗi niềm về phận người trước sự tàn khốc của tai nạn giao thông.

 “Tôi nào cố ý đi tìm cái đẹp không dễ chịu cho tác phẩm mỹ thuật này. Nhưng mỗi giờ, mỗi ngày, xung quanh tôi biết bao sự kiện thương tâm xảy ra vì tai nạn giao thông. Những ám ảnh dai dẳng đó dường như ăn sâu vào trong tiềm thức và bất kỳ cái gì xung quanh cũng gợi nhắc tôi phải hành động. Thế là một máy ảnh trên tay và những suy tư từ các vật thể tượng trưng liên quan đến giao thông giúp tôi hình thành ý tưởng sắp đặt để cho ra đời các tác phẩm này”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng chân thành nói. Khép lại buổi trò chuyện, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng trải lòng rằng triển lãm “Biển báo” không mong đợi một điều gì quá to tát mà đơn giản chỉ muốn chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở về vấn nạn giao thông với công chúng và mong muốn mọi người cùng chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông.

Ngọc Hà