Báo Công An Đà Nẵng

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu chủ quan, lơ là khi chống bão

Thứ ba, 27/10/2020 06:47

Nhằm chủ động ứng phó, phòng tránh cơn bão số 9, tên quốc tế là bão Molave, dự kiến sẽ đổ bộ vào các tỉnh khu vực miền Trung, trong đó có Đà Nẵng, chiều 26-10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cùng Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Trung Chinh đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trên toàn thành phố.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo tại cuộc họp. 

Tại cuộc họp, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, địa phương liên quan đến công tác chuẩn bị phòng, chống trước, trong và sau bão, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu thủ trưởng, trưởng các ban, ngành, địa phương phải triển khai thực hiện nghiêm túc các công điện, công văn, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai; đặc biệt là Công điện số 07, ngày 26-10-2020 của Chủ tịch UBND TP về việc ứng phó với bão số 9.

Cho rằng đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển rất phức tạp, cùng với sức gió và lượng mưa lớn nên hậu quả có thể rất nặng nề nếu không chủ động phòng, tránh. Đánh giá cao việc UBND TP ban hành Công điện số 07 để tổ chức triển khai với 23 đầu việc, nội dung rất cụ thể, rõ ràng; đồng thời bày tỏ đồng tình với các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh thêm một số vấn đề. Trong đó yêu cầu ngay sau cuộc họp, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành và từng đơn vị phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung trong Công điện một cách chi tiết, cụ thể và phân công trách nhiệm của người tổ chức thực hiện một cách rõ ràng; đặc biệt là giao trách nhiệm cho cá nhân trong việc tổ chức thực hiện, cũng như thời điểm hoàn thành. Đặc biệt, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị, địa phương phải dự lường các tình huống xảy ra để có biện pháp ứng phó kịp thời, tuyệt đối không được chủ quan và suy nghĩ một cách xuôi chiều.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng yêu cầu tất cả những người đứng đầu cấp ủy và các sở, ban, ngành phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Công điện số 07, nếu xảy ra sơ suất thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, đề nghị cả hệ thống chính trị phải tham gia vận động người dân thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão, nhất là ở giai đoạn trước khi bão đổ bộ vào đất liền; không khoán trắng cho lực lượng chuyên trách hay công an, quân đội... Yêu cầu từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện, phường xã phải thành lập các tổ để tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện Công điện số 07 và các nội dung trong cuộc họp trực tuyến đã thống nhất. Cho rằng bài học từ việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua cho thấy, nếu không kiểm tra, mà hành chính hóa việc chỉ đạo theo hình thức giấy tờ từ trên xuống dưới, còn người triển khai, hiệu quả như thế nào không nắm được thì công tác phòng, chống sẽ không đạt kết quả. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng đặc biệt lưu ý phải kiểm tra công tác đảm bảo an toàn nơi sơ tán dân (phải lấy yếu tố an toàn tại địa điểm sơ tán làm tiêu chí đầu tiên), các công trình đang thi công, khu vực neo đậu tàu, thuyền trên sông, trên vịnh...

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng lưu ý UBND TP cần sớm ban hành thông báo về việc cấm người dân và các phương tiện lưu thông trên đường để đảm bảo an toàn, trừ người và phương tiện đi làm nhiệm vụ, dự kiến bắt đầu từ 18 giờ ngày 27-10 đến khi có thông báo mới. Trong đó lưu ý, phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho chính lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống bão...

Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Trung Chinh cũng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong thời điểm hiện nay để tập trung nguồn lực phòng, chống bão có hiệu quả nhất. Theo đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện tạm dừng các cuộc họp, hội nghị, hội thảo,… không cần thiết để tập trung ứng phó với cơn bão số 9; thường xuyên theo dõi thông tin bão số 9, tổ chức ứng trực 100% để kịp thời ứng phó với bão. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Trung Chinh, quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, vì vậy phải tập trung tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống bão mà thành phố đề ra...

Được biết, hiện tổng số phương tiện của thành phố Đà Nẵng 1.242 tàu/7.430 lao động. Tính đến 10 giờ ngày 26-10, có 1.235 phương tiện với 7.368 lao động đã neo đậu tại các khu vực an toàn; còn 7 tàu/62 lao động đang hoạt động trên biển, hiện các phương tiện đã nắm được thông tin về bão để chủ động phòng tránh.

Về sơ tán nhân dân, hiện các địa phương đã rà soát, lên danh sách và lập kế hoạch sơ tán theo phương án đã được Chủ tịch UBND quận, huyện phê duyệt. Dự kiến với kịch bản bão gió cấp 8-11, toàn thành phố sẽ sơ tán hơn 72 ngàn người; với kịch bản bão gió cấp 12-13, toàn thành phố sẽ sơ tán gần 141 ngàn người. Trong đó tập trung vào các đối tượng như người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiến cố, nhà tạm…

Hiện công tác dự trữ hàng hóa chuẩn bị ứng phó thiên tai cũng được ngành chức năng triển khai gấp rút. Theo đó, thành phố đã chuẩn bị 165 tấn gạo; 1 triệu gói mì ăn liền; 300 ngàn chai nước uống (1,5 lít); 1 ngàn thùng lương khô; các mặt hàng xăng dầu, chất đốt cũng đã sẵn sàng cung ứng khi cần thiết.

D.HÙNG