Báo Công An Đà Nẵng

Người ghi lại lịch sử làng Nam Ô

Thứ ba, 02/11/2021 20:24

Lo lắng các giá trị lịch sử, văn hóa của làng sẽ bị mai một và dần bị quên lãng nên ông Đặng Dùng (trú làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã góp nhặt những mẫu chuyện ghi chép về lịch sử làng Nam Ô để lưu truyền cho thế hệ sau. Ông được mệnh danh là “người viết sử làng”.

Ông Đặng Dùng tìm hiểu tư liệu viết về làng Nam Ô.

Tôi lang thang đến làng Nam Ô vào một ngày cuối tuần để tìm hiểu thêm về giá trị lịch sử nơi đây. Tại đây, tôi gặp ông Đặng Dùng, người được mệnh danh là “sử gia chính hiệu” của làng. Để tôi được thỏa trí tò mò, ông dẫn tôi đi thăm Dinh Cô Hồn, còn được gọi là Miếu Âm Linh. Dinh Cô Hồn tọa lạc tại địa phận tổ 35, Phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng). Như một hướng dẫn viên du lịch, ông Dùng cho hay, trong các trận chiến chống quân Pháp đánh vào cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của hai đồn Nam Ô và Tấn biển Cu Đê, dân binh địa phương tử trận rất nhiều nên vua Tự Đức sau đó đã ra sắc dụ cho dân xã lậpâm linhđể tưởng nhớ tử sĩ trận vong.

Vua Thành Thái sau khi lên ngôi đã ra sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ mình trong biến cố thất thủ kinh đô năm 1885. Miếu Âm Linh của làng theo đó được tôn tạo. Sau này dân làng mở rộng đối tượng thờ làthập loại chúng sinh, cô hồn phiêu phươngkhông nơi nương tựa và cácâm hồn xiêu mồ lạc nấmcủa các chư phái tộc họ trong làng. Di tích Dinh Cô Hồn là một trong các di tích có giá trị văn hóa lịch sử nhất định, bởi lẽ, di tích gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm trên đất Nam Ô, đồng thời đây còn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, thể hiện tính nhân văn, tinh thần nhân đạo của dân làng Nam Ô.

Làng Nam Ô nằm dưới chân đèo Hải Vân vốn là cửa ngõ phía Nam của Đại Việt. Ngôi làng này có nhiều di tíchchứa đựng đời sống tinh thần, tâm linh sâu sắc. Cùng với cảnh quan tuyệt đẹp, nơi đây đã được qui hoạch để triển khai dự án phát triển du lịch. Dân làng vui mừng vì sự đổi thay ấy, nhưng điều quan trọng là phải duy trì được những giá trị văn hoá tinh thầnmiền biển mà cha ông đã để lại. Chính vì thế, dù không phải là một sử gia hay nhà nghiên cứu,nhưng nhiều năm qua, ông Đặng Dùng đã dày công tập hợp tất cả những câu chuyện ở xứ biển này, từ những câu chuyện được nghe kể đến những nghiên cứu tìm tòi trong sử sách. Ông đã hoàn thiện bản thảo tập sách giới thiệu về Nam Ô. Ông khiêm tốn chia sẻ: “Quyển sách này là ký ức về một làng biển cổ mà mỗi con sóng, hòn đá, rừng cây, đình, lăng, chùa đều mang hồn văn hóa…”.

Những gì ông Dùng chia sẻ khiến cho bất cứ ai đến với Nam Ô càng thêm yêu đất nước Việt Nam, yêu thành phố biển bên bờ sông Hàn. Anh Nguyễn Việt Thành (trú phường Hải Châu 2, quận hài Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ, khi đến với Nam Ô, bản thân anh như được hòa mình vào thiên nhiên và những giá trị lịch sử nơi đây. Theo anh, ngày nay, giới trẻ tiếp xúc nhiều với những thông tin, văn hóa phẩm “độc” trên mạng xã hội khiến họ dần quên đi lịch sử. Những người như ông Dùng đã giúp cho lịch sử được lưu lại.

Mong rằng bản thảo cuốn sách viết về Nam Ô của ông Đặng Dùng sẽ được xuất bản như một món ăn tinh thần với những du khách từ phương xa tới đây, giúp họ hiểu thêm về những giá trị mà nhiều thế hệ cha ông nơi đây đã vun đắp, gìn giữ.

VIỆT THÀNH