Báo Công An Đà Nẵng

Người Giẻ Triêng giúp nhau làm nhà

Thứ bảy, 23/07/2016 11:16

(Cadn.com.vn) - Nằm sâu bên những thung lũng là những ngôi nhà tường xây, mái ngói khang trang, ít ai nghĩ rằng đây là một ngôi làng thuộc vùng khó khăn của H. Đăk Glei (Kon Tum). Để có được những thành quả đó, cộng đồng người Giẻ Triêng ở xã Đăk Pét (H. Đăk Glei) đã thành lập các nhóm hộ giúp nhau làm nhà ở. Từ đó, tiết kiệm hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.

Qua cây cầu treo kiên cố dẫn chúng tôi vào ngôi làng Đăk Ven nằm sát chân núi. Dù cây cầu chưa lớn để đủ xe ô-tô vào làng nhưng đã xóa đi sự cách biệt của ngôi làng này những năm trước đây. Cạnh ngôi nhà rông, đám thanh niên làng đang hẹn nhau đến nhà A Phiếu để chung tay xây tiếp căn căn nhà mới cho A Phiếu. Biết chúng tôi đến chơi, A Thắng, trưởng làng Đăk Ven bắt tay hồ hởi: "Thằng A Phiếu là hộ nghèo, nhà nó có 4 người vợ với 2 đứa con nhưng khổ lắm. Từ khi lấy vợ về đến giờ nó phải ở căn nhà gỗ với mái tôn cũ mua lại. Trời nắng thì như cái bếp lửa, trời mưa thì ướt như con chuột dưới suối. Nay nó có ít tiền rồi vay mượn, còn toàn bộ công giúp là dân làng đến giúp". Rồi A Thắng kể, từ khi được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cho người Giẻ Triêng ở Kon Tum còn khó khăn, hộ nghèo theo chương trình 134, 167 của Chính phủ, người dân trong làng được hỗ trợ về làm nhà cửa. Cũng từ đó, để có một căn nhà xây đáp ứng đủ nhu cầu, dân làng đã cùng nhau góp công để xây dựng nhà cửa giúp nhau. Bởi trong làng, người biết nghề mộc, xây dựng, điện chưa phải giỏi để xây những công trình lớn nhưng để làm nhà thì có kha khá người biết. Thế nên, người biết chỉ người chưa biết, rồi cùng chung tay bàn bạc, phân công nhau, người thì chở nguyên vật liệu, người thì xây, người làm mộc. Cứ thế dần dần hình thành những nhóm hộ giúp nhau làm nhà ở. Đến nay, ở làng đã có 7 nhóm, mỗi nhóm có từ 10-15 hộ giúp nhau. Chủ nhà chỉ cần chuẩn bị cơm, nước cho "thợ" chứ không phải trả công thêm, nhờ đó tiết kiệm được cả hàng chục triệu đồng tiền nhân công. Và làng Đăk Ven cũng là nơi xuất phát mô hình nhóm hộ giúp nhau làm nhà ở.

Làng Pêng Siêl hầu hết đều có nhà xây nhờ nhóm hộ giúp nhau làm nhà ở.

Chủ nhà - A Phiếu đã chuẩn bị sẵn thức ăn, nước uống chờ đón "thợ" là những người dân trong làng đến tiếp tục xây nhà cho mình. "Nhà mình vừa xây xong tường rồi, còn nhiều công đoạn lắm nhưng được bà con giúp sức thế này, chỉ mai mốt nữa là vợ, con mình có nhà mới để ở. Dù còn phải đi vay mượn thêm để làm nhà nhưng cũng ít thôi vì không tốn tiền công mà", A Phiếu hồ hởi. Đây là căn nhà thứ 100 trong làng Đăk Ven do các nhóm hộ giúp nhau xây dựng. Với mô hình nhóm hộ giúp nhau này, ngày càng thắt chặt thêm mối đoàn kết trong thôn, làng trong việc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương.

Từ chỉ có vài nhóm hộ thành lập tại làng Đăk Ven, đến nay đã có 8/13 làng ở xã Đăk Pét thành lập được hàng chục nhóm hộ giúp nhau làm nhà ở. Trung bình, mỗi làng đều có 7-10 nhóm hộ hoạt động đều đặn, nhờ đó những năm qua, toàn xã Đăk Pét đã xây dựng được hàng trăm ngôi nhà xây kiên cố, giúp người dân ổn định cuộc sống. Ông A Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pét cho biết, ở các làng hầu hết là người Giẻ Triêng sinh sống. Dù đời sống còn nhiều khó khăn, hộ nghèo vẫn còn nhiều nhưng nhờ mô hình này mà diện mạo nông thôn xã có nhiều đổi thay. Quan trọng là người dân có nhà xây khang trang để ở, có thế mới yên tâm cái bụng để làm ăn, phát triển kinh tế được.

Rời những ngôi làng khi chiều buông, những làn khói tỏa trên những mái nhà, lũ trẻ con mải chơi đùa quên cả tiếng gọi cơm của mẹ. Chợt thấy yên bình đến lạ. Ở đó, giữa cộng đồng của người Giẻ Triêng, mối đoàn kết gắn bó keo sơn đã tạo nên cho họ những chuyển biến về nhận thức và đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của từng bản, làng.

M.T