Người “giữ hồn” văn hóa Mạ
Nghệ nhân K'Krong (dân tộc Mạ) ở bon BTong, xã Đắc Som (Đắc Glong, Đắc Nông) không chỉ biết đánh cồng chiêng mà còn biết chế tác, sử dụng được nhiều nhạc cụ dân tộc cũng như thuộc và kể được rất nhiều sử thi. Theo như lời ông kể, ông cũng không còn nhớ rõ đã học và biết đánh cồng chiêng từ khi nào nữa, chỉ nhớ rằng từ nhỏ đã yêu thích, đã mê những giai điệu truyền thống của dân tộc mình. Hồi bé, mỗi khi thấy trong làng có lễ hội, ông lại lân la đến xem mọi người đánh cồng, đánh chiêng, chơi các loại nhạc cụ. Cứ thế, ngồi nghe nhiều rồi cũng xin đánh thử, đánh nhiều thành quen, được các già trong làng chỉ bảo thêm, thế rồi biết đánh, biết đàn thôi.
Nghệ nhân K'Krong biểu diễn phục vụ du khách trên hồ Tà Đùng. |
Theo thời gian, những âm điệu, làn điệu dân gian của người Mạ cứ thấm dần, nuôi dưỡng tâm hồn và trở thành một phần trong con người ông. Nghệ nhân K'Krong cho biết: “Mỗi dân tộc đều có một cách đánh cồng chiêng riêng và luôn đòi hỏi rất cao ở tính tập thể, cộng đồng, phải kết hợp với nhau thật nhuần nhuyễn. Mỗi người vừa phải hoàn thành nhiệm vụ của mình đúng lúc, vừa phải lắng nghe và kết hợp với những người khác, cái khó ở chỗ đó. Muốn truyền dạy cồng chiêng cho bà con để bảo tồn bản sắc văn hóa thì trước hết bản thân mình phải truyền dạy cho con cháu trong gia đình để làm gương".
Bởi vậy, vào những lúc rảnh, ông đều mang cồng chiêng ra chỉ dạy cho con cháu trong gia đình. Ông S'Rai ở cùng bon cho biết: "Người tâm huyết với cồng chiêng như nghệ nhân K'Krong thật hiếm thấy. Nhờ có ông mà lớp trẻ trong bon biết đến cồng chiêng, thực sự góp phần giữ gìn, phát triển văn hóa Mạ". Không chỉ giỏi đánh cồng chiêng, nghệ nhân K'Krong còn biết chế tác và sử dụng rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc như Drơn, Mló, Bbuốt, Goong reng... Theo ông, mỗi nhạc cụ của người Mạ đều mang một ý nghĩa riêng biệt và được sử dụng vào từng trường hợp cụ thể. Ngày còn trẻ, ông thường rủ nhóm bạn cùng trang lứa làm các loại nhạc cụ để chơi... Vào những đêm trăng sáng hay những ngày nông nhàn, ông đều đắm mình vào việc chế tác nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Hiện đã ngoài 70 tuổi, nhưng nghệ nhân K'Krong còn minh mẫn lắm, có thể hát kể sử thi, kể những câu chuyện liên quan đến vùng đất mình đang sinh sống như sự tích núi Tà Đùng, hòn đá mồ côi, bãi đá cầu mưa... Tại các hội thi, hội diễn văn nghệ do địa phương tổ chức, ông đều đăng ký tham gia và mang đến những tiết mục đậm bản sắc dân tộc.
Cũng theo nghệ nhân K'Krong, ngày xưa đồng bào Mạ có rất nhiều lễ hội và bà con có nhiều cơ hội được biểu diễn cồng chiêng, múa xoang. Nhưng bây giờ, một phần do sự thay đổi của cuộc sống nên một số lễ hội không còn được duy trì. Đặc biệt, từ khi Thủy điện Đồng Nai 3 tích nước thì toàn bộ dân làng đã về nơi ở mới nên các hoạt động liên quan đến sinh hoạt cộng đồng dường như không còn nữa, nên ông trăn trở lắm. Bởi vậy, dù đi đâu, làm gì, ông đều tâm sự nỗi lòng của mình và mong muốn làm sao để văn hóa truyền thống của người Mạ không bị mai một mà mãi trường tồn. Vì vậy, ngoài việc truyền dạy đánh cồng chiêng cho lớp trẻ trong bon, ông còn tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng cho Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Tại đây, được tiếp xúc với nhiều du khách đến tham quan, ông có điều kiện sử dụng các loại nhạc cụ phục vụ du khách, một phần kiếm thêm thu nhập, một phần giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nghệ nhân K'Krong phấn khởi: “Được Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng tạo điều kiện, tôi có cơ hội mang bản sắc văn hóa của người Mạ giới thiệu với du khách gần xa, nên vui lắm”.
Mỹ Hằng