Người "giữ lửa" cho nghĩa trang thi nhân
(Cadn.com.vn) - Đã ngoài tuổi 80 nhưng ông Lê Văn Thế vẫn ngày ngày quét dọn, nhổ cỏ và thắp nhang cho nghĩa trang Phan Bội Châu (Thanh Hải, P.Trường An, TP Huế). Với diện tích gần 1 hecta, nghĩa trang Phan Bội Châu là nơi an nghỉ của hơn 20 nhà cách mạng, nhà thơ yêu nước như: Nguyễn Chí Diểu, Thanh Hải, Lê Bồi, Lê Tự Nhiên, Võ Thành Minh, Trần Hoành, Nguyễn Huy Nhu, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Nữ sử Đạm Phương. Theo lời ông Thế kể lại, cụ Phan (Phan Bội Châu) có hai mảnh đất, một mảnh nằm gần dốc Bến Ngự dùng để dựng một căn nhà tranh cho cụ Phan ở, mảnh đất thứ hai (nay là nghĩa trang Phan Bội Châu) định dùng để xây dựng một cô nhi viện nuôi dạy trẻ mồ côi. Nhưng ý định xây dựng cô nhi viện không thực hiện được vì bị thực dân Pháp ngăn cản. Cụ Phan quyết định dùng mảnh đất rộng hơn một mẫu này để xây dựng một nghĩa trang làm nơi an nghỉ cho các đồng chí của mình vào năm 1932.
Cha ông của ông Thế là Lê Văn Phát được cụ Phan thương nên giao cho mảnh đất thứ 2 để vừa ở vừa trông nom vườn. Năm 1940 cụ Phan Bội Châu mất, ông Lê Văn Phát đã cùng anh em lo hậu sự và để tang cụ. Từ đó, ông Phát ở trong vườn cụ Phan chăm sóc hoa màu tích cực "cày sâu cuốc bẫm" nuôi những người con ông ăn học. Khi ông Lê Văn Phát mất đã căn dặn các con cố gắng gìn giữ và chăm sóc khu nghĩa trang thật tốt.
Ông Lê Văn Thế bên mộ nhà yêu nước Nguyễn Chí Diểu ở nghĩa trang Phan Bội Châu. |
Ngoài thời gian dạy học, ông Thế dành hết thời gian để chăm sóc nghĩa trang cụ Phan đã giao lại. Vào ngày giỗ của các nhà cách mạng hay thi nhân ông đều làm mâm cơm tưởng nhớ, nhắc cho con cháu về những công lao to lớn của ông cha ta. Giờ đã cao tuổi nhưng ông Thế vẫn ngày hai lần mang cuốc ra dọn dẹp nghĩa trang và thắp nhang, hương hoa đều cho các ngôi mộ. Không những thế ông còn trồng những cây ăn trái và hàng chè cảnh vào khu nghĩa trang để làm cho nghĩa trang gần gũi với thiên nhiên hơn.
Ông còn tự bỏ tiền mua một cái Đồng Lư để trước lăng mộ cụ Nguyễn Chí Diểu, một cái Đồng Lư nhỏ ông cắm nhang cho thêm phần trang trọng và tôn kính các bậc thi nhân và anh hùng cách mạng. Căn phòng khách nhà ông bên cạnh là nơi treo những ảnh, tranh vẽ chân dung các nhà hoạt động cách mạng như: Tranh vẽ chân dung cụ Phan Bội Châu, cụ bà Phan Bội Châu, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Huy Nhu... do chính tay ông vẽ, để tỏ lòng và khắc sâu lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với cụ Phan Bội Châu, người đã nuôi dưỡng cha ông từ thuở nhỏ.
Phạm Hoàng