Báo Công An Đà Nẵng

Người "giữ lửa" Hải Vân Quan

Thứ bảy, 23/12/2017 09:03

Dẫu ngày ông hy sinh đã gần 60 năm, nhưng mỗi khi nhắc đến nguyên Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Đào Ngọc Chua, người dân dưới chân núi Hải Vân lại kể cho nhau nghe về khả năng "xuất quỷ nhập thần", võ nghệ cao cường của người cán bộ tiền khởi nghĩa đã "giữ lửa" trong những ngày đầu chống Mỹ, cứu nước.

Chân dung Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Đào Ngọc Chua (Ảnh do gia đình cung cấp).

Sục sôi nhiệt huyết

Ông sinh năm 1922 (một số tài liệu ghi là 1925) tại làng Hòa An, tổng Thái Hòa (nay là quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945, vào Đảng năm 25 tuổi. Chào đời trong buổi đất nước loạn ly, Đào Ngọc Chua sớm gác bút nghiên theo nghiệp binh đao, cùng toàn dân vũ trang đánh giặc. Khi Cách mạng tháng Tám chưa bùng phát, năm 1944, ông đã cùng các thanh niên làng Hòa An thành lập "Hội thanh niên tương ái" để truyền bá chữ quốc ngữ, nâng cao dân trí. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được bổ nhiệm làm Xã đội phó Quảng Hiệp (năm 1948 đổi thành xã Hòa Thắng). Lúc này, chính quyền nhân dân mới được thành lập, hàng ngày ông cùng các đồng chí chỉ huy xã đội và sĩ quan Trung đoàn 96 (Liên khu 5) tổ chức huấn luyện quân sự cho lực lượng dân quân xã Quảng Hiệp.

Không chấp nhận thất bại, thực dân Pháp núp sau quân Đồng minh quay lại hòng tái chiếm nước ta. Đáp lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 20-12-1946 đến ngày 7-1-1947, quân và dân Đà Nẵng đã kiên cường đứng lên bảo vệ chính quyền non trẻ, quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc. Xã đội phó Đào Ngọc Chua cùng quân dân nơi đây tích cực phối hợp với các đơn vị chủ lực quyết tâm chiến đấu, bám đất bám làng. Tuy nhiên, trước kẻ địch quân đông, nhiều vũ khí, ta phải lui về hậu cứ để bảo toàn lực lượng. Đêm 7-1-1947, sau khi có lệnh lui quân, nhân dân Quảng Hiệp đã đưa toàn bộ Trung đoàn 96 khoảng 1.500 người vượt núi Phước Tường, Phước Lý về Phước Hưng, Trúc Bàn, Bông Lai đảm bảo an toàn. Quân số đông, đòi hỏi về lương thực, thực phẩm nuôi quân  càng trở nên bức thiết. Để khắc phục khó khăn, Xã đội phó Đào Ngọc Chua thành lập một đội gồm 9 người do ông trực tiếp chỉ huy về lại Khánh Sơn tải nốt số lương thực còn kẹt lại sau khi quân ta rút khỏi thành phố. Sau đó, ông được Huyện ủy điều về Huyện đội Hòa Vang làm ủy viên quân sự huyện cho đến tháng 3-1948 là huyện đội phó phụ trách vùng Trung (khu vực từ đèo Đại La đến các xã Hòa Thắng, Hòa Nhơn). Thời gian này trên cương vị công tác mới, Huyện đội phó Đào Ngọc Chua đã trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân, du kích phối hợp với bộ đội chủ lực Liên khu 5 đánh địch trên đèo Hải Vân, trong đó có trận phục kích tiêu diệt một đoàn tàu quân sự của thực dân Pháp ngày 28-2-1947, là trận mở màn cho chuỗi thắng lợi của quân và dân ta trên vùng tây bắc Đà Nẵng. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp dần đi vào hồi kết. Năm 1952, Huyện đội phó Đào Ngọc Chua được bổ nhiệm Huyện đội trưởng và sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 ông được phân công ở lại lãnh đạo phong trào cách mạng với chức danh Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang.

Người giữ lửa phong trào

Theo nội dung hiệp định, miền nam Việt Nam tạm thời đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội Liên hiệp Pháp, đến tháng 7-1956 tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Song nguyện vọng chính đáng của toàn dân tộc đã không được thực thi, chính quyền Ngô Đình Diệm khước từ mọi điều khoản, tuyên bố đặt cộng sản "ngoài vòng pháp luật". Những tháng năm đen tối ấy, Phó bí thư Huyện ủy Đào Ngọc Chua (năm 1959 được bổ nhiệm làm bí thư) như một người "giữ lửa" phong trào ở cánh bắc Hòa Vang. Trong quá trình thu thập tư liệu, chúng tôi được nhiều nhân chứng ở xã Hòa Liên (Hòa Vang) kể rằng: Để che mắt địch, Phó Bí thư Huyện ủy Đào Ngọc Chua đã tổ chức thành lập đội bóng chuyền xã Hòa Liên, thu hút nhiều thành phần tham gia. Trong đó có tên mật vụ rất hăng hái, ham địa vị nên được bầu làm đội trưởng. Mỗi buổi chiều khi chúng tập trung đánh bóng, các cơ sở nhân đó tranh thủ gặp gỡ kết nối các đồng chí đảng viên hoạt động đơn tuyến, song tuyến tổ chức thành đội ngũ để sẵn sàng đối phó với địch.

Kể từ khi chính quyền Sài Gòn phát động chiến dịch "tố cộng, diệt cộng", đặc biệt là Luật 10/59 ra đời khiến việc đi lại của cán bộ nằm vùng hết sức khó khăn, nguy hiểm. Trong tình thế đó, để nhân dân tin rằng Đảng vẫn còn, Bí thư Huyện ủy Đào Ngọc Chua đã đến từng nhà, gặp gỡ từng người để động viên giữ vững niềm tin cách mạng, tin vào ngày đất nước thống nhất. Mỗi lần thâm nhập địa bàn, ông lại hóa trang thành một người khác nên địch không hề hay biết. Do đó, chúng gọi ông là "người tàng hình". Ngoài khả năng che mắt địch, Đào Ngọc Chua  còn là người võ nghệ cao cường. Có lần khi xuống địa bàn, dân vệ Hòa Hiệp phát hiện đã tổ chức vây bắt. Một mình "tả xung, hữu đột" đánh xáp lá cà, ông xông lên tước súng và thoát khỏi vòng vây ngoạn mục. Biết không thể bắt sống được người cán bộ cộng sản có tài "xuất quỷ nhập thần", chính quyền Ngô Đình Diệm buộc phải ra lệnh sẵn sàng bắn hạ ông bất cứ lúc nào.             

Nhờ sự lãnh đạo của Huyện ủy và cá nhân Bí thư Đào Ngọc Chua, trong những năm tháng đen tối của cách mạng miền Nam, ở cánh bắc Hòa Vang, các lực lượng vẫn hoạt động thường xuyên, liên lạc chặt chẽ với huyện, tỉnh và Khu 5. Nhân dân một lòng tin vào cách mạng, quyên góp ủng hộ nuôi cán bộ hoạt động bí mật tại các căn cứ đứng chân trên địa bàn. Sau khi có tinh thần Nghị quyết 15 (tháng 1-1959), cách mạng miền Nam có bước tiến mới. Những đoàn quân năm xưa lên đường đi tập kết nay xẻ núi luồn rừng quay về chiến đấu trên quê hương. Nhận được lệnh trên, Bí thư Huyện ủy Đào Ngọc Chua đã chỉ huy tổ công tác có mật danh "dì Hai" chuẩn bị, bí mật lựa chọn khu vực Hố Chuối dưới chân đèo Hải Vân để đón hàng tiếp tế từ miền Bắc vào. Đối với các đồng chí cán bộ tăng cường, ông bố trí lực lượng tiếp đón, sắp xếp khu vực ăn ở sao cho đảm bảo bí mật, an toàn. Các đơn vị quân đội được thành lập, yêu cầu bổ sung quân số chiến đấu ngày càng cao. Trước tình hình đó, ông hướng dẫn cơ sở tìm cách rút thanh niên lên núi bằng hình thức rủ đi đốn củi nhằm qua mắt địch. Ông trực tiếp gặp gỡ, giáo dục nâng cao nhận thức cách mạng, sau đó tổ chức huấn luyện quân sự bước đầu để bổ sung cho tỉnh, huyện và du kích địa phương.

Cuối năm 1959, trong khi xuống cơ sở để triển khai công tác phát động quần chúng, xây dựng cơ sở trước khi về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Đào Ngọc Chua đã bị địch phục kích tại thôn Vân Dương, xã Hòa Liên. Ngày hôm sau, đài báo phương tây loan tin quân đội Sài Gòn vừa hạ sát được một cán bộ cộng sản nằm vùng nổi tiếng tên là Đào Ngọc Chua. Con đường ông đi chưa đến đích, sự hy sinh của ông đã để lại một "khoảng trống" trong phong trào cách mạng cánh bắc Hòa Vang trong buổi đầu chống Mỹ, cứu nước. Tuy nhiên, ngọn lửa mà ông gìn giữ  đã đủ sức thiêu cháy mọi kẻ thù.

NGUYỄN AN KHÁNH