Báo Công An Đà Nẵng

Người “giữ lửa” làn điệu dân ca khu 5

Thứ hai, 16/05/2022 20:58
Chị Hải đang thể hiện một đoạn dân ca Khu 5 do chị sáng tác.

Tìm gặp hỏi chuyện, chị Hải tâm sự, chị sinh ra và lớn lên tại làng quê Thượng Phước, thôn 2, xã Đại Hòa. Hiện hộ khẩu thường trú tại P. Bình Hiên, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng. Thoát ly theo cách mạng làm giao liên nội tuyến Ban Binh vận đặc khu ủy Quảng Đà lúc lên 17 tuổi. Sau ngày đất nước thống nhất, chị học bổ túc văn hóa từ 1975-1979, tốt nghiệp lớp 9. Năm 1979, Chị phụ trách quản lý nhà ăn của Xí nghiệp ươm tơ Giao Thủy (trực thuộc Công ty dâu tằm tơ lụa Quảng Nam- Đà Nẵng. Sau khi về hưu, chị đã có trên 20 năm làm công tác phụ nữ như Chi hội trưởng, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã…

Không chỉ sưu tầm những làn điệu dân ca xứ Quảng “vốn cổ” để giữ hồn cốt quê hương, chị Hải có năng khiếu về sáng tác và biểu diễn với những chủ đề thời sự phù hợp với xã hội đương đại, như ca ngợi quê hương, sự nghiệp đổi mới của đất nước và các đề tài về phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống đại dịch COVID-19… “Khởi nghiệp” dân ca là vào năm 1979, Huyện đội Đại Lộc tổ chức Hội thao quốc phòng, trong đó có biểu diễn văn nghệ quần chúng “cây nhà lá vườn”. Công ty chị Hải tham gia biểu diễn một tiết mục song ca- dân ca mang “Tạm biệt lúc lên đường”. Trong tiết mục nầy chị Hải vừa viết lời và vừa trình bày với một người bạn. Kết quả, ban tổ chức đã chấm giải Nhất cho tiết mục này.

Sau đó, được sự động viên của đơn vị, gia đình, người thân, bạn bè, chị Hải “thừa thắng xông lên” vừa hoàn thành tốt công việc “chuyên môn” vừa viết lời cho nhiều tác phẩm vừa biểu diễn, đóng góp cho văn hóa, văn nghệ tại địa phương trên 300 tiết mục dân ca, kịch, tiểu phẩm, tấu hài, hoạt cảnh dân ca… đạt chất lượng trình diễn khắp nơi từ xã cho đến huyện, tỉnh. Đặc biệt, năm 2016, tác phẩm “Bàn tay vàng tài tử” do chị Hải sáng tác cho Hội Người Mù H. Đại Lộc trình diễn được tỉnh Quảng Nam và Bộ VH-TT&DL trao Huy chương Vàng và tiết mục này còn chọn để trình diễn tại thủ đô Hà Nội.

Năm 2011, chị Hải đứng ra sáng lập và thành lập Câu lạc bộ Dân ca bài chòi xã Đại Hòa với 15 thành viên do chị làm Chủ nhiệm vừa sáng tác vừa trình diễn các lần hội thi văn hóa văn nghệ quần chúng tại địa phương xã, huyện, tỉnh. Trước những năm đại dịch, CLB dân ca bài chòi xã Đại Hòa sinh hoạt và biểu diễn đều đặn hằng tháng. Không chỉ sáng tác các tác phẩm dân ca giá trị chị Hải còn là người gìn giữ, truyền dạy nghệ thuật hát dân ca cho nhiều thế hệ ở thôn, xã, huyện đồng thời sáng tác hơn 100 tác phẩm dân ca về các phong trào phụ nữ ở địa phương.

Những năm qua, với đam mê các làn điệu dân ca, chị Hải đã đào tạo gần 100 diễn viên từ lớp mẫu giáo cho đến lớp người cao tuổi mê hát dân ca trên địa bàn các huyện Đại Lộc, Quế Sơn… Rất nhiều sinh viên khoa ngữ văn của các trường đại học về gặp chị để tìm hiểu về văn hóa, văn nghệ dân gian, dân ca Khu 5 để nghiên cứu làm luận văn tốt nghiệp. Ngoài ra, chị có viết 2 tác phẩm dân ca: “Con người của đất Hòa Vang” và “Bài ca bên bến sông Hàn” được in trong tập sách “Cuộc chiến trong lòng địch” do Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng ấn hành năm 2009. Trong “gia tài” dân ca Khu 5 do chị Hải sáng tác và biểu diễn, có rất nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ kính yêu, như “Bác về thăm lại làng Sen” (1993), “Rước đuốc Bác Hồ”(1985), “Làm theo lời Bác”… Trong phòng và chống dịch COVID- 19, vào năm 2020, chị sáng tác “chuyển thể” qua dân ca Khu 5 tác phẩm “Bác sĩ thành phố Hải Phòng cạo đầu chống dịch” và hướng dẫn cho cô Ngọc Nữ (người con gái xa quê hiện đang học tập và lao động tại Nhật Bản) trình diễn (trên Youtube, Facebook) đã làm lay động rất nhiều con tim người xem…

Với sự đóng góp của mình, chị Hải nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp, các ngành về những thành tích trong công tác gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát dân ca Khu 5. Khi được hỏi về dự định trong tương lai, chị Hải không chút ngần ngại cho hay, chị mong có sức khỏe để khai thác thêm nhiều tư liệu qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm chuyển thể qua dân ca Khu 5 và in thành một tập sách cho lớp trẻ mai sau. Hy vọng rằng, mong ước giản dị ấy của chị sẽ sớm được thực hiện để những làn điệu dân ca Khu 5 mượt mà sâu lắng mãi được lưu giữ và phát huy trong đời sống hiện đại hôm nay.

Tiên Sa