Báo Công An Đà Nẵng

Người giữ sắc phong của Ông Tổ hát tuồng

Thứ tư, 18/09/2013 12:37

(Cadn.com.vn) - Tôi đến Bình Định, về Tây Sơn thăm Bảo tàng Quang Trung, rồi ngược Tuy Phước, tới Vĩnh Thạnh dự buổi họp mặt của những người bạn văn. Quen ít, lạ nhiều. Cơn mưa lúc gần trưa bất chợt ập đến mịt mùng. Đất đỏ nhão thành bùn bắn tung tóe lên quần áo, như khắc ghi kỷ niệm một lần tìm về vùng đất võ của anh em Tây Sơn tam kiệt.

Trong lúc chuyện trò, ai đó bâng quơ bảo ở đây gần nhà lưu niệm Ông Tổ hát tuồng Đào Tấn. Vậy là không bỏ lỡ cơ hội. Trong khi mọi người còn đang râm ran trò chuyện và hát hò, tôi nhờ nhà thơ, thầy giáo dạy văn Lê Bá Duy tranh thủ đưa sang thăm nơi thờ phượng danh nhân văn hóa Đào Tấn với mong muốn thắp một nén nhang tưởng nhớ người xưa tài hoa, mà tuổi thơ tôi đã từng biết qua những đêm theo mẹ đi xem xả cửa các vở hát tuồng ở một rạp hát nhỏ gần nhà. Chủ nhân của căn nhà, nơi đặt từ đường Ông Tổ hát tuồng Đào Tấn là ông Đào Tụng Phi, cháu bốn đời của cụ Đào Tấn, nay đã 80 tuổi nhưng đi lại còn nhanh nhẹn, minh mẫn, chuyện trò lịch thiệp. Ông mở cửa nhà từ đường, đưa chúng tôi đến bên bàn thờ cụ Đào Tấn và lấy hương châm lửa. Không gian xung quanh khiêm tốn, giản dị nhưng trang nghiêm.

Ông Đào Tụng Phi và tác giả.

Ngay sau đó, ông trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ về những di sản liên quan đến cụ Tổ Đào Tấn mà ông hiện giữ. Trên tường đối diện với bàn thờ có treo câu đối của nhà văn hóa, anh hùng lao động, giáo sư Vũ Khiêu, nội dung:

"Núi sông dồn cả tinh hoa lại

Kim cổ bùng lên trí tuệ này".

Trên đầu một cửa sổ khác, treo bức chân dung cụ Đào Tấn, cạnh chân dung là chiếc hộp mê ca treo tường, chạy dọc bên trái cửa sổ. Trên nắp hộp dán hai chữ "Bảo Trúc" bằng giấy decal đỏ. Trong hộp là cây gậy trúc, dài chừng 1,2m với hai đầu bọc đồng. Ông mở hộp lấy ra cho chúng tôi xem và nói đây là vật gia bảo của dòng họ Đào. Sinh thời, gậy trúc là vật bất ly thân của cụ Đào Tấn. Xem kỹ, trên mặt đồng đầu gậy có khắc bài thơ chữ Hán bốn câu, nét chữ khắc tinh xảo, tài hoa. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cây gậy vô giá nằm ở bài thơ chứa đầy triết lý nhân sinh và vũ trụ của danh nhân văn hóa Đào Tấn. Bài thơ có tên là "Vạn thọ":

Nhất vật kỳ lai hữu nhất thân

Nhất thân hoàng hữu nhất càn khôn

Sinh tri vạn vật cấu ư ngã

Khẳng bả tam tài biệt lập căn.

Dịch nghĩa:

Mỗi vật trên đời đều có một cuộc sống riêng

Đã là một tấm thân thì nó là một vũ trụ

Cái ta tồn tại là do muôn vật cấu thành

(Sao lại) cho rằng thiên địa nhân là quan hệ biệt lập. (Vũ Ngọc Liễn dịch)

Cây gậy đã từng có một số phận long đong. Năm 1978, gậy bị trộm thó mất. Một thời gian sau, mặc dù chạy ăn đến toát mồ hôi, ông Đào Tụng Phi cũng phải chuộc gậy về với số tiền tương đương đến 2 cây vàng lúc bấy giờ. Từ đó cây gậy được đặc biệt quan tâm giữ gìn cho đến hôm nay. Ông bảo ngoài cây gậy, vật gia bảo còn là chiếc hộp đựng các chiếu chỉ mà triều đình nhà Nguyễn "cấp" cho cụ Đào Tấn.

Lúc mời sang phòng khách uống trà, ông Phi bảo tỉnh vừa "tư" giấy về cho gia đình ông. Đó là thư của Sở Nội vụ tỉnh Bình Định "v/v xếp lịch làm việc với gia đình cụ Đào Tụng Phi để tiếp cận và sao chụp tài liệu quý, hiếm". Chiếu chỉ mà triều đình nhà Nguyễn "cấp" cho cụ Đào Tấn là 9 sắc phong mang dấu ấn từ thời vua Tự Đức đến vua Thành Thái. Các chiếu chỉ này đã từng được bỏ quên trong hộp sắc phong và "ở ẩn" nhiều năm trong nhà kho của từ đường. Đầu năm 2011, con cháu ông tìm kiếm, rà soát lại các vật dụng liên quan đến cụ Đào Tấn đã phát hiện ra các sắc phong vô giá này. Trong số các sắc phong là "quyết định" của vua Thành Thái năm thứ 6 về việc "bổ nhiệm" chức vụ Thượng công Bộ Thượng Thư, rồi năm Thành Thái thứ 10 chức vụ Tổng đốc Nam Ngãi... dành cho cụ Đào Tấn.

Khi tiễn chúng tôi ra sân, người giữ các sắc phong của Ông Tổ hát tuồng Đào Tấn chỉ cho chúng tôi xem những phế tích đang tiếp tục bị thời gian tàn phá. Trên sân có một gốc me cằn cỗi đang tạo dáng trong một chậu máng lớn, được cho là sót lại từ vườn nhà của cụ Đào Tấn năm nao... Tôi ra về mà lòng ao ước có một nhà bảo tàng Đào Tấn đúng nghĩa. Nơi đó các thế hệ con cháu sẽ được ngắm hình ảnh, gậy trúc, các sắc phong, di bút những vở tuồng đang lưu lạc trong dân gian và tất cả những gì liên quan đến tuồng cổ có từ thời Đào Tấn mở Học Bộ Đình đào tạo nghệ nhân chuyên về hát tuồng cổ.

Mai Hữu Phước