Báo Công An Đà Nẵng

Người hiệu trưởng dám nghĩ, dám làm

Thứ năm, 19/11/2015 07:02

(Cadn.com.vn) - Giấu chồng lấy sổ tiết kiệm 70 triệu đồng, ứng luôn 2 tháng lương của mình cho trường tạm ứng để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất. Chấp nhận "tiếng chì", "tiếng bấc" khi yêu cầu giáo viên (GV) phải làm tròn hết trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ. Chụp ảnh hiện trạng xuống cấp trầm trọng của trường để gõ cửa các cấp lãnh đạo xin kinh phí sửa chữa...

Với cách làm ấy, chưa đầy 2 năm về nhận công tác quản lý tại ngôi trường mầm non (MN) nổi tiếng nhiều năm liền không tuyển sinh đủ trẻ, người hiệu trưởng ấy không chỉ vực chất lượng chăm sóc trẻ, mà còn có công xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đó là bà Nguyễn Quốc Thư Trâm (1973)- Hiệu trưởng MN Bình Minh (Q. Hải Châu, Đà Nẵng).

Quyết định đầy thử thách       

Bước chân vào cổng trường MN Bình Minh bây giờ, khó có thể hình dung cách đó chưa xa, ngôi trường này từng là nỗi day dứt của các cấp lãnh đạo vì không tuyển sinh đủ trẻ vào học. Nhớ lại ngày đầu tiên (17-11-2011) về nhậm nhiệm sở tại trường này, cô Trâm suy tư: "Trước khi bổ nhiệm về đây nhận công tác, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q. Hải Châu gọi tôi lên động viên. Thật lòng, tôi không muốn nhận lời.

Một là vì chồng, gia đình chồng không muốn tôi gánh vác công việc quản lý rất vất vả. Hai là vì ngôi trường này trước khi tôi về là "điểm nóng" của ngành GD-ĐT Q. Hải Châu. "Nóng" không phải vì quá tải mà nhiều năm liền trường không tuyển sinh đủ số lượng trẻ. Tôi xin lãnh đạo cho thời gian suy nghĩ rồi nhờ chồng chở đến trường thực địa. Và thực sự choáng trước những gì nhìn thấy".

Lúc đó, cơ sở trường xuống cấp trầm trọng. Tường rào sụp xệ, trở thành nơi để dân phơi chăn mền, gối chiếu, cỏ mọc um tùm. Nền nhà hư hỏng nặng, mưa xuống hốt nước "mệt nghỉ", tường phòng học thì mốc meo. Hệ thống nhà vệ sinh không đảm bảo. Tìm hiểu thêm, cô Trâm mới biết, từ khi bị giải tỏa chuyển vào địa điểm mới (đường Huỳnh Lý, P. Thuận Phước), do vị trí không thuận lợi về mặt giao thông, công tác tuyển sinh trẻ của trường gặp khó khăn. Cộng với cơ sở trường xuống cấp càng khiến phụ huynh không an tâm, tin tưởng để gửi con vào đây học.

Tự nhận thấy chưa đủ sức, đủ tài để đảm đương nổi trọng trách này, định lên gặp lãnh đạo Phòng từ chối nhiệm vụ mới thì một cơ duyên khiến cô Trâm thay đổi quyết định. Số là thời gian đó, cô đang theo học lớp quản lý giáo dục, trong đó có bài học và bài tập "Biến nguy cơ thành thách thức và cơ hội phát triển". Trong quá trình làm bài tập nộp cho thầy, cô tự hỏi "sao không thử sức, không biến những nguy cơ đó thành cơ hội để nâng cao chất lượng dạy-học cho nhà trường? sao chưa làm đã ngại? Thế là cô quyết định thử sức.

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm ân cần chăm sóc trẻ.

Những thay đổi ngoạn mục

Xác định cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường là một trong những yếu tố quyết định đến việc thu hút phụ huynh gửi con vào học, nên việc đầu tiên Hiệu trưởng Trâm làm là bắt tay cải tạo cơ sở vật chất. Cô chụp toàn bộ hình ảnh xuống cấp của trường đem lên phường trình bày, xin kinh phí. Lãnh đạo P. Thuận Phước rất hiểu thực trạng của nhà trường, nhưng vì đã cuối năm nên không có nguồn để cấp kinh phí. Cô mạnh dạn đề nghị sẽ mượn tiền của người thân cho trường tạm ứng trước để sửa chữa, sau đó phường rót kinh phí trả lại. Kiến nghị này được lãnh đạo phường chấp nhận.

Thật ra lúc đó, cô cũng không biết mượn ai. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, cô quyết định giấu chồng lấy sổ tiết kiệm 70 triệu đồng tằn tiện bao nhiêu năm (nhờ ở nhà ba mẹ chồng) đưa cho đơn vị thi công do phường chỉ định để cải tạo phần nền, ốp gạch men nền và tường của 6 phòng học. 4 phòng học cô giữ nguyên HS, 1 phòng cô cho mở phòng học năng khiếu, 1 phòng mở nha học đường.

Tiếp đến, cô chụp hình toàn bộ tường rào cổng ngõ, hệ thống nhà vệ sinh rồi đích thân lên gặp Chủ tịch UBND Q. Hải Châu xin kinh phí. "Sau khi xem những tấm ảnh chụp hiện trạng của trường, Chủ tịch quận Lê Anh đã quyết định cấp liền kinh phí để làm lại tường rào, hệ thống phòng vệ sinh cho trường với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Với sự đầu tư này, Trường MN Bình Minh trở thành trường MN đầu tiên sử dụng toilet có vách ngăn hai bên rất hiện đại", cô Trâm nhớ lại.

Chưa dừng lại ở đó, cô còn cho trường tạm ứng luôn 2 tháng lương để nhờ bảo vệ trường (làm thợ xây dựng) xây dựng vách ngăn chống gió luồn vào phòng học nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Hễ nghe đơn vị nào sắp dọn vào Trung tâm hành chính bỏ lại cơ sở vật chất có thể đáp ứng cho nhà trường, cô tất tả đến xin rồi cùng GV trong trường mang về trang trí lại phù hợp với cảnh quan trường. Làm ngày không hết, đêm đến, sau khi xong việc nhà, cô rủ chồng, bạn thân có năng khiếu vẽ, sơn đến trường để cùng mình và bảo vệ trường cải tạo, trang trí lại các phòng học bằng nhiều hình ảnh vui mắt nhằm tạo sự mới lạ cho trẻ mỗi khi đến lớp.

Cô vận động bạn bè, Mạnh Thường Quân, các đơn vị kết nghĩa, dân quân và cha mẹ HS trồng và chăm sóc các bồn cây xanh trong nhà trường. Không chỉ có vậy, cô vận động anh ruột là Giám đốc Cty Tân Đại Phú Sĩ (TP HCM) ủng hộ cho nhà trường 3 triệu đồng/tháng để giúp đỡ  10 trẻ có hoàn cảnh khó khăn của trường. Cô cùng chồng con thức dậy từ 4 giờ sáng để gom tre làm đường hoa sau Tết 2013 rồi cùng GV trường đem về làm đồ dùng dạy học cho trẻ khuyết tật...

Song song đó, cô bắt tay vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, siết lại giờ giấc, kỷ luật làm việc của GV. Đi lên từ GV (16 năm là GV MN Trường 19-5), rồi có 3 năm làm Hiệu phó Trường MN Măng Non (P. Thanh Bình), cô Trâm rất hiểu áp lực công việc cũng như áp lực của phụ huynh đặt lên vai các cô giáo chăm sóc trẻ. Nếu không yêu nghề, yêu trẻ, khó bám trụ nổi với nghề, nên cô thường tâm sự với GV rằng đừng "màu mè" với phụ huynh, hãy chăm sóc cho trẻ thật tốt. Đó chính là cách để khẳng định chất lượng nhà trường, khẳng định chất lượng của GV...

Vào thời điểm cô về nhận công tác, trường có 13 GV đều là biên chế, độ tuổi bình quân là 46 tuổi. Trong khi đó, đối với bậc học này, đòi hỏi sự trẻ hóa rất quan trọng nhằm tạo sự trẻ trung, năng động, sáng tạo. Hơn nữa, trẻ có tâm lý thích GV trẻ hơn GV lớn tuổi. Cô liên hệ với Trường ĐHSP Đà Nẵng xin SV hệ ĐH bậc MN về trường, cam kết sẽ làm hết sức mình để họ được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cùng các chế độ chính sách khác.

Với việc bố trí mỗi lớp học 1 GV trẻ, 1 GV lớn tuổi có kinh nghiệm, dần dần chất lượng chăm sóc trẻ nâng lên rõ rệt. Một trong những cách làm mạnh dạn của cô Trâm đó là nhận trẻ 13 tháng tuổi vào trường (hầu hết các trường MN công lập trên địa bàn TP chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên). Cô cho rằng, chỉ có cách làm đó mới có thể tự cứu nhà trường đang trong giai đoạn khó khăn…

Nói về sự đổi thay kỳ diệu của Trường MN Bình Minh, bà Ông Thị Thanh Vân- Trưởng Ban đại diện cha mẹ HS trường, tấm tắc khen: "Từ khi cô Trâm về làm hiệu trưởng, trường thay đổi ngoạn mục. Cô Trâm là người năng động, có ý tưởng sáng tạo, luôn biết lắng nghe ý kiến đóng góp của phụ huynh. Có lần, khi chở con đến trường, nghe mùi hôi bốc lên từ cái cống gần trường, tôi gợi ý nên để PH đóng góp để cải tạo mùi hôi, Hiệu trưởng Trâm phản đối ngay, nói là để đó trường lo. Vài ngày sau, không nghe mùi hôi nữa. Ngoài tiền quỹ đóng góp theo quy định của TP, trường chưa bao giờ vận động nhà trường đóng góp gì thêm. Cô Trâm đúng là gương người thật việc thật đáng được tuyên dương!".

P.Thủy