Báo Công An Đà Nẵng

Người học trò xứ Quảng với ga Huế

Thứ bảy, 21/12/2013 10:40

(Cadn.com.vn) - Sau khi Hàn Mạc Tử (Bình Định) -người đưa thôn Vĩ (Huế) đi vào văn học với bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" (1938), Tế Hanh-người học trò xứ Quảng ra Huế học, cũng năm đó, đã làm nhà ga Huế nổi tiếng bằng bài thơ "Những ngày nghỉ học" (1938). Thật là một sự trùng hợp hy hữu...

Nhà ga "Trường Súng" - (Ga Huế ) thời Nguyễn. Ảnh TL

Nơi gửi buồn thương

Ga Huế, vẫn những chuyến tàu đến và đi chở theo từng dòng người vội vàng, hối hả. Nhà ga cổ kính này đã hơn trăm năm tuổi (xây dựng năm 1906). Ngược dòng lịch sử, cái tên cũ của nó có lẽ ít người biết "Ga Trường Súng". Tuổi của nó bằng với cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, trường Quốc Học... Qua bài thơ "Những ngày nghỉ học" không thể không liên tưởng đến Thạch Lam, tác giả những áng văn xuôi nhẹ nhàng, đầy tình cảm thương mến cái nhà ga xép ở đâu đó, đã đi vào tâm hồn người đọc nhiều thế hệ. Đối với ga Huế, Tế Hanh cũng đã tạo cho nó một vị trí trân trọng trong văn học với bài thơ trên.

Ngày ấy, Tế Hanh-chàng học trò xứ Quảng, sớm mang dòng máu thi sĩ, thường đến nhà ga để ngắm xe lửa đến và đi. Cảm hứng sáng tác bài thơ đầu tay "Những ngày nghỉ học" lúc mới 17 tuổi, năm 1938. Chàng học sinh trường Quốc Học-Huế gửi nỗi buồn thương, u ẩn của mình theo những chuyến tàu, hòa nỗi đau riêng vào nỗi đau chung của những phận người xa lạ.

Ngày nay, các sinh viên, học sinh ở Huế cũng thường rủ nhau đến Ga Huế uống trà để thư giãn sau những buổi học căng thẳng. Cho nên, chàng học trò xa nhà Tế Hanh lang thang ra sân ga ngắm nhìn những chuyến tàu đi, đến cũng là chuyện dễ hiểu. Song "những ngày nghỉ học" của Tế Hanh đi chơi mà có chủ đích, đối với ông, sân ga, những con tàu đều là những hình thể hóa có tâm hồn. Nỗi chia ly, tiễn biệt được ông diễn tả khiến người đọc buồn theo, một tình cảm liên thông khắc sâu giữa lòng người và cảnh vật. Tất nhiên, không chỉ riêng Tế Hanh, đã có nhiều sân ga tạo cảm hứng cho nhà thơ Nguyễn Bính, hay cái ga xép đìu hiu trong truyện ngắn Thạch Lam, và tiếng còi tàu u uẩn trong tùy bút Nguyễn Tuân...

Hiện nay trong nhà ga vẫn còn di tích lịch sử khi xây dựng. Ảnh: Vũ Hào

 Hành trình cảm xúc

Nhà ga Huế cổ kính gần bên ngôi chùa Bảo Quốc, miếu Lịch Đợi, là một cảm hứng thẩm mỹ phù hợp với tâm trạng xa nhà của Tế Hanh:

Những ngày nghỉ học tôi hay tới

 Đón chuyến tàu đi đến những ga

Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt

Lòng buồn đau xót nỗi chia xa...

Tế Hanh bảo "Tôi hay tới" nghĩa là muốn khẳng định việc làm này thường xuyên. Tới để "Đón chuyến tàu đi đến", như vậy mục đích được ông xác định rõ ràng. Đây là một sở thích khác người, rất không bình thường đối với một cậu học trò mới 17 tuổi! "Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt", để "đón chuyến tàu", rồi thấy "Lòng buồn đau xót nỗi chia xa"... Có lẽ đây là biểu hiện rõ nhất cho sự manh nha một tâm hồn thi sĩ nhạy cảm, tài hoa sớm bộc lộ.

 Tôi thấy lòng thương những con tàu

Ngàn đời không đủ sức đi mau

Có chi vương víu trong hơi máy,

Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.

Khổ thơ thứ hai, "nỗi buồn" được nhân lên. Tế Hanh dành cho những chiếc tàu "ngàn đời không đủ sức đi mau" một cảm xúc hết sức độc đáo. Không đi mau bởi vì những vướng víu, những lưu luyến níu kéo giữa người đi và kẻ ở. Tế Hanh thương xót cho số phận của con tàu nào khác số phận con người.

Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề

Khói phì như nghẹn nỗi đau tê

Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ

Lòng của người đi réo kẻ về...

Thấy người ta chia tay nhau, tiễn biệt nhau mà dâng lên nỗi buồn đau, chua xót là tâm trạng chung của những tâm hồn thi sĩ, không riêng gì Tế Hanh.

Kẻ về không nói bước vương vương

Thương nhớ lan xa mấy dặm trường

Lẽo đẽo tôi về theo bước họ

Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.

Trong "Những ngày nghỉ học", Tế Hanh đã thư thả đưa vào bài thơ ngắn nỗi đau nhân thế. Nỗi đau dâng trào từng cấp độ như nhịp thơ ông cố ý. Tế Hanh đã ghi lại hành trình cảm xúc, từ trạng thái bình thường đến khác thường. Đôi khi xuất phát từ những sự việc rất nhỏ xung quanh chúng ta, nhưng mấy ai để ý. Tế Hanh thì khác! Ông đã lặng lẽ nhặt nhạnh và sắp xếp, mà phải tinh lắm mới làm được như thế. Thành công rất sớm với bài thơ đầu tay "Những ngày nghỉ học", từ đó Tế Hanh đã chọn cho mình một vị thế bình lặng, êm đềm, trên thi đàn bằng những vần thơ trong sáng và nhuần nhị đáng yêu...

Vũ Hào