Người Hrê bắt tay đưa nông sản vào siêu thị
Với việc được chính quyền và doanh nghiệp tặng “cần câu”, cộng đồng người Hre tại huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi dần thoát nghèo và đổi đời khi “xúc tiến” đưa nông sản không đụng hàng vào kệ hàng sang trọng của các siêu thị lớn khắp miền Trung. Nhiều tổ hợp tác mỗi năm doanh thu hàng trăm triệu, nhiều chàng trai cô gái Hrê trước đây nuôi trồng theo thói quen thắng ăn thua bỏ, nay đã lận lưng kha khá vốn để làm giàu.
Lãnh đạo H. Sơn Hà trực tiếp làm công tác xúc tiến, kết nối và kiểm tra sản lượng tiêu thụ nông sản của bà con tại siêu thị BigC Đà Nẵng. |
Từ “đánh bạc với trời” đến giao dịch 4.0
Trong tổng diện tích 72.816ha của H. Sơn Hà thì diện tích rừng chiếm hơn 60%; trong 74.000 người nhân khẩu của cả huyện thì đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Địa phương là huyện thuần nông, cư dân chủ yếu là dân tộc Hrê, Ca Dong, Kinh và một ít người dân tộc Cor. Chính vì vậy hành trình thoát ra khỏi danh sách 64 huyện nghèo trên phạm vi cả nước sớm hơn dự kiến của Sơn Hà được nhiều người xem là kỳ tích. Dù không phải mang ý nghĩa quyết định, nhưng Chương trình sinh kế cộng đồng do Tập đoàn Central Retail hỗ trợ Ban Quản lý dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên của huyện triển khai đã đóng góp tích cực vào hành trình ra khỏi danh sách Chương trình 30A (chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 64 huyện nghèo của Chính phủ) của Sơn Hà.
Khởi nghiệp đã dăm bảy năm nay, chàng trai Nguyễn Hồng Lợi (xã Sơn Linh, H. Sơn Hà) từng “lên bờ xuống ruộng” với mô hình nuôi heo ky, là loại heo rừng lai với heo bản địa, do nguồn vốn ít, sử dụng thói quen chăm sóc lạc hậu, đầu ra không ổn định, phụ thuộc nhiều vào... ông trời. Thoát được những lứa heo còi cọc, dịch bệnh thì đụng phải thương lái ép giá. Vì thế công sức đổ ra nhiều nhưng nguồn thu bấp bênh. Cho đến khi chương trình sinh kế cộng đồng được doanh nghiệp và Ban Quản lý dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên của huyện đưa về tới từng hộ gia đình, anh Lợi mới biết lâu nay mình “tưởng vậy nhưng không phải vậy”. Nhìn các chuyên gia của Đại học Nông lâm Huế băng rừng, lội bùn thị phạm cách chăm sóc từng con heo, cho chúng ăn, tiêm phòng dịch bệnh, vợ chồng anh Lợi mới ngã ngửa ra là lâu nay mình toàn... làm ngược. “Trước đây mỗi năm dư ra mấy chục triệu đồng tưởng là nhiều, nhưng tính toán lại thì chẳng ăn thua. Khi tham gia chương trình sinh kế cộng đồng, chính quyền đứng giữa, siêu thị hỗ trợ công nghệ, chuyên gia và bao tiêu. Năm rồi tổng số tiền thu về từ nuôi heo ky khoảng 700 triệu đồng, trừ chi phí rồi cũng được vài trăm”, anh Lợi cho biết.
Tham gia chương trình sinh kế cộng đồng, chị Đinh Thị Nga bắt đầu bằng việc cùng thanh niên trong làng khoanh vùng các khu vực có nhiều rau rừng, ớt rừng để chăm sóc, khai thác và trồng nhân giống. Với vai trò là thủ lĩnh, chị Nga “ớt” dần dần thay đổi nhận thức và thói quen chăn nuôi, trồng trọt theo kiểu có sao dùng vậy. Thời gian đầu, nhiều người có ý định không tham gia nhóm vì họ phải đi cả ngày trời lên rừng chỉ để đánh dấu những cánh rừng có cây rau dớn, ớt xiêm, chuối rừng rồi về. “Cán bộ, chuyên gia họ dạy cho tôi, tôi nói lại với anh chị em. Là chúng ta có thể thoát cái nghèo, rồi làm giàu từ những gì mà lâu nay mình có nhưng không biết dùng. Rau rừng ở đây cứ hái là nó mọc lên, mình đi hái chỗ khác rồi quay lại thì nó đã lên xanh. Ai cũng ào ào hái bán cho quán nhậu thì họ ép giá. Nay có người mua, họ chuyển tiền qua tài khoản sau 7 ngày lấy hàng, thì mình chắc chắn có nguồn thu ổn định”. Nghe lời chị Nga, những thanh niên chịu khó bắt tay nhau đưa rau quả của rừng vào siêu thị. Cơ quan chuyên môn của huyện đứng ra hỗ trợ thủ tục pháp lý để đảm bảo sinh kế lâu dài, doanh nghiệp hỗ trợ luôn bao bì, logo nhận diện và khấu trừ vào giá sản phẩm.
Gia đình anh Lợi, chị Nga là hai trong số gần 80 gia đình tham gia trực tiếp và khoảng 100 hộ tham gia gián tiếp chương trình sinh kế cộng đồng do Tập đoàn Central Retail phối hợp cùng Ban Quản lý dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên của H. Sơn Hà triển khai. Các hộ tham gia chương trình nuôi trồng các sản phẩm như heo ky, gà kiến thả đồi, ớt xiêm rừng, rau dớn, rau ngót rừng, bắp chuối... Đây là những sản phẩm, thực phẩm sạch, đặc trưng của địa phương hiện đang có mặt tại 20 siêu thị Big C trên cả nước.
Trang trại nuôi heo ky trong chương trình sinh kế cộng đồng của bà con người Hre tại H. Sơn Hà, Quảng Ngãi. |
Doanh nghiệp cho “cần câu”, chính quyền bảo lãnh
Đồng bào người Hre H. Sơn Hà, Quảng Ngãi gọi ông Phùng Tô Long – Phó Chủ tịch huyện với biệt danh thân mật là “người đỡ đầu” các dự án giảm nghèo. Với vai trò là Trưởng ban Quản lý dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Sơn Hà, ông Long trực tiếp lội rừng với dân, đến từng trang trại để tìm hiểu lợi thế, nguyện vọng của các hộ gia đình và bảo lãnh sự an toàn, bền vững trong chuỗi cung cầu với doanh nghiệp. Chính quyền huyện dành cả năm trời để tập hợp các hộ gia đình thành nhóm sản xuất, tham gia hợp tác xã. Sau đó dẫn người dân và doanh nghiệp gặp nhau để cùng hợp tác. “Thời gian đầu nhiều người hoài nghi, không dám đặt bút xuống ký hợp đồng. Tôi cam kết nếu nông sản của bà con không bán được, không đúng giá, bà con không khá lên thì cứ đến gặp tôi. Từ vài ba sản phẩm ban đầu, đến nay nông sản của bà con vào siêu thị Big C nhiều hơn. Sau 2 năm, tổng sản lượng cung cấp cho 20 siêu thị đã đạt con số 7,5 tỷ đồng. Hàng chuyển đi khoảng 1 tuần thì tiền về trong tài khoản của chính người dân”, ông Long cho biết. Phó Chủ tịch UBND H. Sơn Hà cho hay, đến thời điểm hiện nay, huyện đã thiết kế xong logo Nông sản Sơn Hà và các nhãn hiệu hàng hóa theo đúng quy chuẩn, tạo thương hiệu riêng cho nông sản của địa phương. Ban Quản lý dự án Giảm nghèo Tây Nguyên huyện đã gửi hồ sơ đăng ký và được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp mã số, mã vạch hàng hóa. Cùng với đó, huyện đã quy hoạch vùng nguyên liệu để phát triển bền vững, khai thác nhưng phải bảo tồn, có trách nhiệm. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đồng ý hỗ trợ 2 đề án phát triển ớt xiêm (1 tỷ đồng) và phát triển gà kiến Sơn Hà (4 tỷ đồng) giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, sinh kế cộng đồng là một trong những sáng kiến của tập đoàn để hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Chương trình này ra mắt cuối năm 2017, có ban điều hành độc lập bao gồm các đại diện đến từ Bộ Công Thương, Hiệp hội bán lẻ, Ngân hàng, Viện nghiên cứu, các tổ chức Phi chính phủ và các lãnh đạo của Central Retail có kinh nghiệm. Mục tiêu cốt lõi là hỗ trợ cho phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế cho nhóm các hộ nông dân, ngư dân và các hộ gia đình nghèo sống ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa hoặc vùng duyên hải khó khăn và có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, ưu tiên cho nông dân đồng bào dân tộc thiểu số. “Khi phối hợp với chính quyền và người dân triển khai chương trình, chúng tôi tư vấn họ định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, các chuyên gia sẽ hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và canh tác, cam kết cơ hội tiếp cận nguồn tài chính, được bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ thời gian thanh toán ngắn ngày và hoàn toàn không có lãi suất. Mục tiêu là giúp người nông dân có thể ổn định và cải thiện thu nhập, tiến tới cuộc sống khá giả từ chính những sản phẩm của mình, cải thiện chất lượng cuộc sống của họ một cách bền vững”, bà Phương cho hay.
CÔNG KHANH