Người kể chuyện đèn lồng
(Cadn.com.vn) - Trong khuôn viên cổng sau Khổng Miếu Hội An (P.Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam), cụ Huỳnh Văn Ba mở một cơ sở làm đèn lồng, nhận 6 người khuyết tật vào làm. Đã 82 tuổi, cụ vẫn cùng những người thợ này vót từng cọng nan, đan nên cái khung, kể nên câu chuyện về đèn lồng. Một lần đến Hội An, du khách nhìn đèn lồng hắt bóng xuống sông Hoài, hay lặng lẽ soi qua một con ngõ tối, nghe đèn kể chuyện về phố.
Cụ Huỳnh Văn Ba bên những chiếc đèn lồng vừa chế tác. |
Chuyện của tre
Cuối thế kỷ XVI, người Trung Hoa và Nhật Bản đến Hội An, dựng lên những hội quán, treo lên những chiếc đèn lồng. Khi chiến tranh dẫm nát thế kỷ XX, những chiếc đèn cổ xưa này nép mình trong góc tối, chờ một lần được chủ nhân treo trong đêm hoa đăng. Cụ Ba không phải người Hội An gốc. Cụ sinh ở H. Thăng Bình (Quảng Nam), nơi có tre mọc trên cát cháy. Hồi nhỏ, cụ chả thèm lấy lá dừa làm chong chóng, lấy lá mít làm trâu, mà vót tre đan nên cái nón, con chim làm đồ chơi. Lớn lên một tí, còn biết đan mũ, thúng, rá phụ gia đình. “Bán được chiếc thúng đầu tiên, tôi cầm tờ tiền đưa mẹ, mắt mẹ bỗng rưng rưng; từ dạo ấy, tôi biết tre sẽ nuôi sống đời mình”–cụ nói.
Năm 1956, tản cư ra Hội An, từ cây tre, cụ “hóa phép” thành bất cứ mô hình nào người ta yêu cầu: chùa Một Cột, tháp Thiên Mụ, chùa Cầu... Sau năm 1975, “cái đói trói cái đẹp”, chả ai mua đồ tre mỹ nghệ nữa, cụ dẹp nghề. Năm 1978, Hợp tác xã mây tre thành lập, mời cụ đứng kỹ thuật. Chỉ mấy năm sau, hợp tác xã giải thể. Nỗi nhớ về tre day dứt, để vào năm 1999, khi Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới, ngày nọ, cụ vào một gian nhà cổ, xin phép chủ nhân cho mượn một chiếc đèn cổ xem thử, với nghĩ suy, từ tre, mình có thể làm bất cứ thứ gì, kể cả đèn lồng. Cụ không ngạc nhiên lắm khi nhìn chiếc đèn đầu tiên do tay mình tạo ra. Nhưng, người Hội An coi như kỳ tích, họ tìm tới cụ, học nghề. Gần một thế kỷ, những chiếc đèn nép mình trong góc tối, chờ một người nhớ lại. Để đến nay, Hội An có 32 cơ sở làm đèn lồng, còn có riêng phố bán đèn trên đường Nguyễn Hoàng. Năm 2010, cụ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, còn được chính phủ Nhật mời sang giới thiệu cách chế tác tre thành đèn lồng.
“Tre, với tôi, là chiếc nôi đung đưa theo gió trưa, là món đồ chơi con chim, cái nón, là đèn lồng, và sẽ là nuột lạt quấn chặt đòn khiêng ngày tôi nằm xuống; như thế, tre đã cùng tôi gắn bó suốt đời”–cụ Ba nói.
Đèn lồng trong đêm Hội An. |
Chuyện của đèn lồng
“Là người Việt, nên khi tập làm cái đèn đầu tiên, tôi không muốn lặp lại thiết kế cổ xưa, tôi phải làm cho nó mang hồn cốt Việt”–cụ Ba tiếp lời. Với đèn tròn Trung Quốc, cụ chỉ bắt chước cách thiết kế, từ đó, Việt hóa thành những kiểu đèn có dáng hình trái cây trong vườn mỗi nhà quê mình, hình củ tỏi, quả na, táo, xoài, đu đủ... Cụ còn làm đèn kéo quân, đèn hình rồng, hình cá, có loại giống chiếc thuyền, có loại bán cầu úp vào tường, phá cách hơn là đèn hình viên kim cương hay đĩa bay... “Khách yêu cầu giống cái gì, tôi sẽ làm giống nguyên cái đấy. Tre mua về, tôi cưa ra, ngâm nước muối 10 ngày, ra nan, luộc với bọt xà phòng cho nan dẻo, phơi khô ba ngày nắng, lại thoa tiếp dầu bóng. Nối nan bằng dây dù, gắn nan vào hai vòng gỗ hai đầu, thế là ra khung. Lấy vải lụa cắt ra nhiều mảnh, bôi keo, căng lên khung, gắn khung vào chuôi gỗ hình viên bi, thế là ra cái đèn thô”–cụ mô tả. Nói là đèn thô bởi sau đó, cụ còn thêu lên những vải hình ảnh về Lạc Long Quân, Âu Cơ, Thánh Gióng... để khi treo lên, với màu đỏ của may mắn, sắc vàng của tươi vui, huyết dụ của kiêu sa hay sắc xanh dịu ngọt, những hình ảnh này phản chiếu trên mặt vải, theo gió quay tròn, kể cho du khách nghe những truyền thuyết xưa của dân Việt. Nhưng, cụ ưng ý nhất là loại đèn không bọc vải, toàn bằng tre; cụ bảo với loại đèn này, tre sẽ phát tiết hết cái tinh túy trong từng cọng nan.
Đầu thập niên 2000, ngày nọ, một du khách người Australia ngỏ ý với một chủ nhà cổ muốn có một chiếc đèn lồng dễ dàng xếp lại để tiện mang về nước. Nghe chủ nhà ấy kể lại, cụ nghĩ ngay đến chuyện làm loại đèn có thể xếp vào mở ra tùy ý. Mua một cái dù về, cụ nghiên cứu kỹ cách thức nó xếp lại thế nào, để nửa tháng sau, chiếc đèn xếp đầu tiên hình thành. Dù đèn dán vải hay đèn toàn tre, cụ cũng làm cho nó xếp được. Người Hội An đều biết chính cụ là người khai sinh ra loại đèn này, dù không một chứng nhận bản quyền. Đến nay, đèn lồng xếp đã là thương hiệu Việt nối tiếng thế giới, đã xuất khẩu sang các nước Âu, Mỹ. Mấy chục năm gắn bó với nghề, cụ buồn khi biết nhiều cơ sở làm đèn chạy theo lợi nhuận, xử lý nan sơ sài, cho ra những sản phẩm đèn kém chất lượng. “Nhưng với chính mình, tôi vui vì được cùng tre gắn bó suốt đời”–cụ cười và một chút ưu tư: “Với tôi, chuyện của phố cũng là chuyện của làng. Tre đã không còn mọc trên đất Hội An, phố dần vơi bớt cổ, tình quê mất dần trong mỗi con người. Tôi nhìn vào chiếc đèn mình làm, thân nan tre, áo lụa tơ tằm thêu lên truyền thuyết; nó sẽ được treo ở villa hay resort và nó được làm từ những thứ chân quê nhất, để kể những câu chuyện xưa nhất.”
Mai Thành Dũng