Báo Công An Đà Nẵng

Người kể chuyện lịch sử Đảng bộ Tam Kỳ

Thứ sáu, 28/09/2018 11:24

Đằng sau sự thành công của cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử phát triển Đảng bộ TP Tam Kỳ" với nhiều bài viết đạt chất lượng cao đến từ đông đảo cán bộ, đảng viên trong thành phố, không thể không nhắc đến sự đồng hành, giúp đỡ thầm lặng của cụ Lê Đức Dũng (80 tuổi-tên thường gọi Lê Đạt), một lão thành cách mạng tại địa phương. Ông là người định hướng, cố vấn và hỗ trợ tích cực về tư liệu tham khảo để các thí sinh làm tốt bài thi của mình. Từng đảm nhiệm cương vị Phó Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ (Quảng Nam), ông đã chỉ huy chiến thắng nhiều trận đánh lớn tại các vùng giáp ranh, những chiến địa ác liệt của vùng đất Tam Kỳ. Là một trong số những người tiên phong góp phần xây dựng và phát triển Đảng bộ Tam Kỳ, ông Dũng được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều bằng khen, huân chương cao quý.

Ông Lê Đức Dũng-người hỗ trợ tích cực để các thí sinh làm bài.

Từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, ông Dũng đã tham gia xây dựng Chi bộ Đoàn cán bộ Đảng vùng Đông Tam Kỳ (xã Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Phú) với vai trò là ủy viên của chi bộ. Nhiệm vụ chính chi bộ ông được Đảng bộ Tam Kỳ giao phó là bám trụ cơ sở, thâm nhập vào đời sống của nhân dân để chỉ huy quân dân đánh giặc. Khi được hỏi về kỷ niệm nhớ nhất khi tham gia cách mạng, ông Dũng cho biết, năm 1971 đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" làm cho tình hình các phong trào cách mạng của ta căng thẳng hơn bao giờ hết. Trước tình hình "dầu sôi lửa bỏng" ông được Huyện ủy Tam Kỳ điều về trực tiếp lãnh đạo nhân dân chống địch. Trong thời gian đó, ông trực tiếp chỉ đạo chiến trường Ao Lầy ở Kỳ Thịnh (nay thuộc xã Tam Đàn-Phú Ninh). Chiến thắng Ao Lầy góp phần đánh tan "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ. Không dừng lại ở đó, được sự tín nhiệm của huyện ủy Tam Kỳ, ông Dũng đã trực tiếp chỉ đạo thành công trận đánh giành lại các xã ở vùng Đông Tam Kỳ, tạo bàn đạp giải phóng H. Tam Kỳ và chặn đường rút lui của địch...

Nay dù tuổi cao không thể tham gia cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ Tam Kỳ" nhưng ông  Lê Đức Dũng giữ vai trò là nguồn tư liệu sống, tham vấn bài thi cho nhiều thí sinh. Là người từng gắn bó lâu dài với quá trình hình thành Đảng bộ Tam Kỳ, chứng kiến nhiều bước thăng trầm của lịch sử, đặc biệt từ giai đoạn 1930 - 1945 khi bị địch khủng bố, đàn áp nhưng bằng ý chí quật cường của các chiến sĩ, lần lượt các chi bộ đều được gầy dựng lại. Ông Dũng chia sẻ thêm: "Trong thời chiến, cách mạng miền Nam thoái trào, nhiều Đảng bộ phải ly tán nhưng Đảng bộ Tam Kỳ khi ấy chỉ còn 15 đồng chí vẫn nỗ lực duy trì, sau rút về phía nam giữa núi Tam Hiệp - Núi Thành hoạt động. Đây là điều kiện tiên quyết giúp cho cách mạng Tam Kỳ xuyên suốt, nhân dân tin tưởng ủng hộ đến ngày toàn thắng".

Ông Dũng cho rằng, qua cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử đảng bộ Tam Kỳ", sẽ giúp cho mỗi đảng viên có sự am hiểu hơn về lịch sử Đảng, củng cố lập trường tư tưởng trong đảng viên. "Tôi hy vọng, từ cuộc thi này, mỗi cán bộ, đảng viên muốn xây dựng cơ sở Đảng vững mạnh  cần phải xác định đúng đường lối, chính sách và tôn chỉ của Đảng, làm tốt công tác dân vận. Đảng viên cần nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ để góp phần xây dựng Đảng bộ Tam Kỳ trong thời đại mới đó cũng là kỳ vọng của tôi khi cố vấn cho các bài thi", ông Dũng cho biết.

Thành Nhân - Hà Dung