Người khắc chữ trên bia mộ Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) Trường Sơn tọa lạc trên đồi Bến Tắt, xã Vĩnh Trường, H. Gio Linh, Quảng Trị. Nghĩa trang khởi công xây dựng vào ngày 24-10-1975 và hoàn thành ngày 10-4-1977. Chỉ huy xây dựng là Bộ Tư lệnh đoàn 559 với sự tham gia của hơn 40 đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Ngoài ra còn có tổ công nhân chuyên khắc chữ vào bia đá xã Hòa Hải, H. Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. NTLS Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sĩ, là công trình đền ơn đáp nghĩa quy mô nhất, thể hiện lòng biết ơn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước. NTLS Trường Sơn ngày nay là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta...
Hơn 10 nghìn tấm bia liệt sĩ tại NTLS Trường Sơn do bàn tay tài hoa của những người thợ làng đá Non Nước khắc tên. |
Đọc những thông tin ấy trong một lần viếng NTLS Trường Sơn, tôi nhớ mãi chi tiết: “Tham gia xây dựng nghĩa trang còn có Tổ khắc chữ của làng đá Non Nước, Hòa Hải, Hòa Vang, Quảng Nam-Đà Nẵng...”. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày TB-LS vừa qua, về làng nghề đá Non Nước, tôi được anh Huỳnh Công Tiến-Phó Chủ tịch UBND P. Hòa Hải giúp tìm gặp một trong những người thợ đá đã tham gia xây dựng NTLS Trường Sơn hơn 40 năm trước. Đó là cụ Phan Đỗ, trú tổ 92 (thôn Đông Hải), P. Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn. Cụ Đỗ năm nay đã 87 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn lắm khi kể cho tôi nghe chuyện 40 năm trước...
Hòa Hải trong kháng chiến chống Mỹ là một trong những địa bàn ác liệt, người dân kiên trung bám trụ từng tấc đất, nhiều chiến công đánh giặc lẫy lừng đã được quân dân Hòa Hải lập nên trên mảnh đất Ngũ hành linh thiêng. Ngay sau ngày giải phóng, làng nghề đá Non Nước đã có tuổi đời hàng trăm năm, được chuyển đổi thành Hợp tác xã (HTX) làng nghề đá Non Nước, một trong những HTX làng nghề đầu tiên ở Quảng Nam-Đà Nẵng. Chủ nhiệm HTX là bà Nguyễn Thị Kết-một Đảng viên kiên trung trong kháng chiến. Cuối năm 1975, HTX đón các vị khách là Bộ Tư lệnh đoàn 559, đến đặt hơn 10 nghìn tấm bia mộ liệt sĩ, làm bằng đá Non Nước, một loại đá tốt nhất ở miền Nam, kèm theo bản danh sách, thông tin của hơn 10 nghìn liệt sĩ để khắc vào bia. Cụ Phan Đỗ lúc đó được bầu làm Trưởng Ban Kiểm soát HTX. Cụ Đỗ kể, xã viên HTX nhận nhiệm vụ trong niềm xúc động dâng trào. Khi kế hoạch triển khai, mọi người bắt tay vào công việc ngay, bằng tinh thần trách nhiệm cao và tấm lòng của những người thợ đá, người dân vùng đất cách mạng trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ. Với nhiệm vụ của Ban Kiểm soát, cụ Đỗ vừa là thợ cắt đá, xẻ đá, khắc chữ, vừa kiểm tra, hướng dẫn cho xã viên từng chi tiết, sao cho mỗi tấm bia mộ liệt sĩ hoàn thành chuẩn xác, đúng quy cách, đẹp nhất, trang trọng nhất. Sau gần 2 năm làm việc khẩn trương, hơn 10 nghìn tấm bia mộ đá khắc tên từng liệt sĩ, được những bàn tay tài hoa của những người thợ đá Non Nước hoàn thành, trang trọng bàn giao cho Bộ Tư lệnh đoàn 559. Cùng tham gia câu chuyện còn có cụ Phạm Chơn, tuy không tham gia nhiệm vụ làm các bia mộ cho các liệt sĩ ở NTLS Trường Sơn, nhưng cũng trong Ban Chủ nhiệm HTX làng nghề đá Non Nước ngày ấy...
Cụ Phan Đỗ (giữa) kể chuyện nghệ nhân làng đá Non Nước tham gia làm bia mộ liệt sĩ tại NTLS Trường Sơn. |
Hơn 40 năm qua, những người thợ cả, những người trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc nhiệm vụ làm hơn 10.000 tấm bia mộ liệt sĩ cho NTLS Trường Sơn lần lượt qua đời vì tuổi cao, bệnh tật, chỉ còn mình cụ Đỗ, như chứng nhân cho sự kiện trọng đại được tham gia khắc tên liệt sĩ trên hơn 10 ngàn tấm bia ở NTLS Trường Sơn. Cũng từ đó đến nay, người dân Hòa Hải nhiều thế hệ luôn tự hào đã góp phần vinh dự được gửi gắm niềm thương nhớ, biết ơn sâu sắc và sự tôn vinh đối với những anh hùng liệt sĩ trên mọi miền đất nước đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước đã nằm lại NTLS Trường Sơn.
HỒNG THANH