Người lái xe Trường Sơn anh hùng
Trong ký ức của người lính năm xưa ấy, kỷ niệm về những ngày cùng đồng đội ngày đêm “bám núi, bám đường” vận chuyển hàng hóa, tài liệu mật cứ hiện về trong từng câu chuyện ông kể. Nay tuy tuổi đã cao nhưng mỗi khi nhắc về các trận đánh Mỹ ác liệt, đôi mắt cựu chiến binh lái xe Trường Sơn Đoàn Minh Nguyệt (1932, trú xóm 22, xã Nghi Phong, H. Nghi Lộc, Nghệ An) lại sáng rực.
Ông Đoàn Minh Nguyệt kể chuyện chiến trường. |
Người cựu binh già kể, trước khi nhập ngũ, Đoàn Minh Nguyệt (quê ở H. Kim Động, Hưng Yên) là nhân viên của Viện thiết kế thủy lợi. Năm 1963, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đang ở giai đoạn ác liệt nhất, ông đã khai hạ tuổi để đủ tiêu chuẩn đi bộ đội vào đơn vị E36, F308, Sư đoàn Bộ binh. Năm 1965, Đoàn Minh Nguyệt chuyển công tác sang C3, tiểu đoàn 32, Cục hậu cần Quân khu 4 với nhiệm vụ vận tải hàng hóa, vũ khí, lương thực từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam thông qua nước bạn Lào.
Cung đường mà ông và đồng đội đảm nhận là từ ngã ba Khe Ve (Quảng Bình) qua Khăm Muộn- Xavannakhet - Atôpơ (Lào) để tập kết hàng hóa trước khi được vận chuyển vào miền Nam. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ “đánh hơi” được cung đường vận chuyển huyết mạch này nên thường xuyên rải thảm bom nhằm triệt xóa. Mùa mưa 1965, đường Tây Trường Sơn lầy lội bởi những cơn mưa rừng xối xả. Lòng đường trơn như đổ mỡ, máy bay Mỹ quần đảo liên hồi nhằm chặn đứng các chuyến xe tiếp tế vào Nam của quân đội ta.“Khi đang chạy qua ngầm Xuyên Phan (Xavanakhet) thì xe tôi bị trúng bom. Máu chảy từ đầu, từ vai, ngực ướt đẫm áo nhưng vẫn cố gắng lái xe chạy thẳng trên con đường một bên là núi cao, một bên là vực thẳm để vào được trạm cấp cứu, khi tỉnh dậy, tôi mới biết bị 32 mảnh bom khắp cơ thể. Sau đó, tôi được chuyển về bệnh viện Quân khu 4 (đóng tại H. Nam Đàn, Nghệ An) điều trị”, ông Nguyệt nhớ lại.
Sau hơn 1 tháng điều trị, dù chưa hoàn toàn bình phục nhưng ông vẫn xin ra viện và nhận xe đi Lào. Chuyến đi này đúng vào cao điểm mùa mưa. Sau khi giao hàng xong, nước ngập hết đường, xe bị ách phải nằm ở Khăm Muộn cả tháng trời. “Đợt đó, anh em phải ăn măng, rau rừng nhưng cái đói vẫn bám riết. 4 anh em chúng tôi không ai chịu rời xe, quyết tâm vượt lũ hơn 50 cây số về khu vực sát biên giới xin gạo tiếp tế. Số gạo xin được ăn dè sẻn trong 2 tháng trời, đợi nước rút mới về đơn vị được”, ông Nguyệt nhớ như in. Với 11 năm vận chuyển vũ khí, quân nhu, lương thực cho chiến trường miền Nam qua nước bạn Lào, ông Đoàn Minh Nguyệt nhớ nhất là đợt đoàn xe qua phà Bến Thủy vào tháng 4-1965. “Đợt đó, có 6-7 xe đi cùng đoàn, anh em đang chạy thì giật mình bởi tiếng bom dội liên hồi của địch. Một quả bom ném trúng phà khiến nhiều xe trong đoàn bị lật giữa sông Lam. Đồng đội hy sinh nhiều lắm, tôi cũng bị thương và may mắn thoát nạn khi bơi được qua phà và được đưa vào viện cấp cứu để lấy mảnh đạn ở đầu và vai ra. Vết thương đỡ đau, tôi xin ra viện để chạy xe sang Lào cho kịp chuyến tối hôm đó”-ông Nguyệt cho biết.
Trong một chuyến chở hàng sang Lào trên tuyến đường 8, qua địa phận phà Nậm Thơn (tỉnh Bôlykhămxây, Lào), đoàn xe của ông Nguyệt lại tiếp tục trúng bom. “Đợt đó, một quả bom dội xuống “bốc” tôi từ buồng lái ngã xuống bãi đá ven suối. Tôi không biết mình bất tỉnh bao lâu nhưng đến khi tỉnh dậy thì đầu đau như búa bổ. Thế nhưng nằm một lúc cho đỡ đau rồi lại tiếp tục lái xe đi". Năm 1969, ông cùng 3 đồng đội được giao nhiệm vụ vận chuyển tài liệu cực kỳ quan trọng cho Quân khu 5 Lào đi đường Tây Trường Sơn. Đến địa phận nước Lào cũng trong dịp mùa mưa, mưa dầm cả tháng trời, toàn bộ cầu, ngầm trên đường đều bị cuốn trôi. “Lúc đó đoàn chúng tôi rơi vào tình thế “Tiến thoái lưỡng nan”, đồng đội định quay về nhưng tôi bàn với các anh em cấp trên đã giao phó cho chúng ta nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết, không thể bỏ dở giữa chừng được. Tôi đề xuất ý kiến chặt cây rừng bắc cầu, vác đá xếp ngầm qua các dòng suối nước cuồn cuộn chảy.Cứ 3 cây gỗ thì bắc được cho một bánh xe chạy qua. Trong 2 tháng ròng rã vừa đi, vừa bắc cầu, chúng tôi đã bắc tới 22 chiếc cầu và ngầm để mới đến được địa điểm. Anh em vừa đi vừa nhặt mìn lá đổ vào gốc cây để tránh mìn vương nổ”, ông Nguyệt kể.
Với nhiều thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bám đường, bám xe, tháng 8-1970, lái xe Đoàn Minh Nguyệt được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cũng trong năm này, tình yêu anh lái xe và cô xã đội trưởng Nguyễn Thị Tuất ở xã Nghi Phong, H. Nghi Lộc bén rễ. Hai người tiến thêm một bước mới bằng lễ cưới ấm cúng, giản dị. Trong những năm chiến tranh ác liệt, số lần về quê thăm vợ con đếm trên đầu ngón tay, một mình bà Tuất nuôi 3 người con khôn lớn, trưởng thành. Tháng 10-1974, ông công tác tại Trung đoàn 10, Đoàn 559 và là Trưởng chỉ huy 37 xe vận chuyển quân từ Trạm 14 vào đến tận Kon Tum. “Ngày 30-4-1975, trên đường vận chuyển quân từ Kon Tum vào đến Đồng Xoài, Bình Phước, chúng tôi nhận được tin thống nhất đất nước từ trong quân báo về. Nghe tin giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cả đoàn reo hò, phấn khởi dù niềm tin thắng trận đã được chúng tôi chắc chắn từ trước” – ông Nguyệt nhớ lại.
Cuối năm 1974, ông được phong Đại đội trưởng chỉ huy đơn vị tham gia chiến dịch Đông Xuân (1974-1975) và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến tranh kết thúc, ông tiếp tục công tác tại Cục hậu cần, Quân khu 4 cho đến năm 1983 và nghỉ hưu, bắt tay vào cuộc chiến phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
D.HÓA