Báo Công An Đà Nẵng

Người làm "sống lại" một di sản văn hóa

Thứ ba, 03/12/2013 08:48

(Cadn.com.vn) - Tháng 9-2013 vừa qua,  đề tài nghiên cứu Hát bả trạo của Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam được Bộ VH-TT&DL  công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điều mà mọi người ít biết đến, người có công lớn nhất sưu tầm, nghiên cứu đề tài văn hóa vô cùng giá trị này  nguyên là một cán bộ phòng VH-TT H. Thăng Bình, Quảng Nam...

Hát bả trạo không thể thiếu trong lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Ảnh: H.T

Ông là Xa Văn Hùng (1952), hiện trú tổ 10, TT Hà Lam, nguyên cán bộ phòng VH-TT H. Thăng Bình, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tỉnh Quảng Nam. Theo ông Hùng, hát bả trạo là một loại hình dân ca mang tính chất tâm linh, còn được gọi là chèo bả trạo, hò hầu linh, hòa đưa linh... của cư dân ven biển Bình Trị Thiên, mà đặc sắc, rõ nét nhất là ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi vào tới Bình Thuận.  Hát bả trạo là hát kèm các động tác múa, trong đó "bả" có nghĩa là nắm chắc, "trạo" có nghĩa là mái chèo, tục lệ hát bả trạo được tổ chức trong các lễ hội tế cá Ông, ca ngợi công đức của cá Ông, cầu xin cá Ông phù hộ cho ngư dân đi biển bình an, trời yên, biển lặng, đánh bắt được nhiều cá, tôm...

Lời hát điệu múa cũng mô tả, diễn xuất lại cảnh lao động sản xuất của ngư dân. Theo thời gian, do lịch sử, chiến tranh, hoàn cảnh, điều kiện xã hội, phương thức làm ăn kinh tế thay đổi..., hát bả trạo có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Ở Quảng Nam hiện chỉ có 3 địa phương còn thường xuyên tổ chức là Bình Minh (Thăng Bình), Cửa Đại (Hội An) và Tam Hòa (Núi Thành). Tuy nhiên, hát bả trạo chủ yếu dựa theo kinh nghiệm và trí nhớ của những người lớn tuổi, thiếu tính chuyên nghiệp, bài bản từ kịch bản đến âm nhạc, đạo cụ và nghi thức, nghi lễ.

Ông Xa Văn Hùng vẫn miệt mài nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian
ở Quảng Nam và miền Trung.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, khuyến khích ở các địa phương ven biển, đẩy mạnh  phát triển các loại hình kinh tế biển, nhất là đánh bắt hải sản, phát triển các dự án đánh bắt xa bờ, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc... Khi nhu cầu diễn xướng bả trạo tại các lễ hội cầu ngư đang phát triển mạnh mẽ  trở lại, là người nghiên cứu văn hóa dân gian, ông Hùng trăn trở lắm.  Từ năm 2010, ông Hùng bắt tay vào nghiên cứu, sưu tầm lại loại hình dân ca hát bả trạo.

Ông Hùng bảo, đây là tài sản văn hóa dân gian  quý giá, nên phải là người có "cơ duyên", rất "may mắn" mới gặp được. Trong một chuyến đi điền dã ở Cù lao Chàm, Hội An, ông mua được một tài liệu Hán Nôm có cách đây hơn 130 năm của các ông Trần Phước và Trần Trước, quê gốc làng An Lương, xã Duy Hải, Duy Xuyên, sau đó ra sinh sống ở Cù lao Chàm. Trong năm ông đã dịch 67 trang tài liệu sang tiếng Việt, nhờ các nghệ nhân ở làng Cửa Đại góp ý, sau đó tự ký âm, ghi thành âm nhạc với 14 làn điệu cơ bản của bả trạo, từ tuồng, kinh Phật đến dân ca như hò chèo thuyền, lý vọng phu, lý mọi... Ông cho biết, ca từ trong lời hát bả trạo từ tài liệu ông sưu tầm được  là hay nhất, nhân văn nhất, nhiều lời ca sống động nhất mà ông biết được từ trước đến nay qua nhiều chuyến điền dã ở nhiều địa phương miền Trung...

Kịch bản hát bả trạo, được ông Hùng dịch và xây dựng từ tài liệu cổ sưu tầm được ở Cù lao Chàm, Hội An, Quảng Nam năm 2010.

Từ công tác nghiên cứu và sưu tầm, ông đã dựng một kịch bản hát bả trạo gồm 2 phần, phần 1 là Long thần bả trạo ca-tức là nghi thức cúng cá Ông, và phần 2 là Âm linh bả trạo ca-tức chèo âm linh. Đội hát phải đủ khăn viên, sia (hài), hằn (mò), mái dầm âm dương... Kịch bản đã hoàn chỉnh với phần lời và nhạc đã được ký âm, cùng phương thức biểu diễn, trang phục, đạo cụ, nghi thức tiến hành có thể sử dụng dễ dàng và nhân rộng ra nhiều địa phương.

Kịch bản đã được đội dân ca Nhà văn hóa TP Hội An dàn dựng, diễn xuất thành công vào cuối năm 2012, được Sở VH-TT&DL và UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá là đề tài nghiên cứu cấp tỉnh  với tên gọi "Hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư ở Quảng Nam". Tháng 9-2013, đề tài được Bộ VH-TT&DL công nhận, Hát bả trạo là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ông Xa Văn Hùng tâm sự: "Đời sống, văn hóa với yếu tố truyền thống, cộng đồng đang được khuyến khích, hợp với lòng dân, động viên tinh thần, có tính xã hội rất cao...".

Hồng Thanh