Người lưu giữ “hồn” Cơ Tu
(Cadn.com.vn) - Ghé vào quán giải khát nhỏ ven QL14G (đoạn qua thôn Ban Mai 2, xã Ba, H. Đông Giang, Quảng Nam) sau Tết Đinh Dậu, chúng tôi được già làng Y Kông (92 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND H. Đông Giang) đưa đi tham quan khu trưng bày bản sắc văn hóa người Cơ Tu, gồm các loại nhạc cụ truyền thống, những tượng gỗ đặt ở nhà mồ hoặc nhà Gươl… mà chính già đã kỳ công chế tác, lưu giữ và quảng bá với du khách. “Vui nhiều nhưng cũng không ít nỗi lo” - đó là chia sẻ chân tình của già khi nghe chúng tôi đề cập công tác bảo tồn. Những trăn trở bao giờ cũng xuất phát từ hiện trạng thực tế ở địa phương, từ chính sâu thẳm đáy lòng của các già.
Chỉ tay vào cây đàn có vỏ trái bầu khô, già Kông cho biết, nhìn cây đàn Tabhréh đơn giản vậy, nhưng muốn chế tác ra nó phải khéo tay và có năng khiếu âm nhạc để tiếng đàn được trong trẻo, đúng âm lượng thì mới chinh phục được người nghe. Cây sáo trúc nhỏ Rahêm có nhiều lỗ hơi, khi thổi sẽ phát ra âm thanh quyến rũ mê hoặc lòng người. Kèn Crdool đơn giản chỉ làm bằng sừng trâu, qua chế tác khi thổi phát ra những âm thanh hào sảng nghe gần mà rất xa, vọng vang qua bao thung lũng, khe suối của núi rừng. Ngày xưa, tổ tiên người Cơ Tu dùng làm hiệu lệnh thu quân trong các cuộc đi săn tập thể. Còn kèn Bhơhia, giờ đây là nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội, cúng thần linh, tổ tiên… Già cho biết, trước đây, người Cơ Tu sinh sống trên dãy Trường Sơn theo lối du canh du cư. Đi đến chỗ nào đất tốt là phát rừng, đốt nương làm rẫy. Đến vài năm sau, khi đất xấu, cằn cỗi thì bỏ đi nơi khác tiếp tục khai phá. Trên nương rẫy của người Cơ Tu có cất chòi tạm làm chỗ trú cho người giữ rẫy, ngăn chặn các loại thú rừng phá hoại mùa màng. Ngồi trên chòi giữ rẫy một mình rất buồn nên người Cơ Tu qua bao thế hệ tự chế tác các loại đàn để tấu lên những điệu nhạc vui tươi, nhộn nhịp, cùng những giai điệu nỉ non để trai gái trong buôn bày tỏ tâm tư tình cảm của mình...
Già Y Kông lưu giữ bản sắc văn hóa người Cơ Tu. |
Ngoài việc chế tác các loại nhạc cụ, già Kông còn là một nghệ nhân tạo hình trên gỗ. Bằng công cụ thô sơ, già chế tác những hình tượng với các tư thế rất sinh động. Những tượng gỗ này đặt ở nhà mồ hoặc nhà Gươl, góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa của người Cơ Tu trên lĩnh vực điêu khắc, chạm trổ. Theo già, tượng gỗ của người Cơ Tu là hiện thân những người đã chết. Những bức tượng này vẫn còn giữ nguyên nét mộc mạc, hoang sơ nhưng đó là cả một quá trình sáng tạo nghệ thuật mang sắc thái văn hóa đặc trưng riêng của loại hình nghệ thuật điêu khắc trong từng thớ gỗ của người Cơ Tu. Chính vì vậy, người dân địa phương ví già Kông như “báu vật” sống hiếm hoi. Muốn tìm lại những làn điệu dân ca, những bài hát cổ, lễ hội xưa, nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong khu vực phải tìm đến già. Già chỉ mong muốn một điều khi mình trở về với núi rừng, những gì mình biết được từ việc cúng tế đến khắc chạm, chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ đều được truyền lại cho lớp trẻ. Bởi đó là cách duy nhất giữ lại cái “hồn” của người Cơ Tu từ bao đời nay.
Tuy nhiên, ở xã Ba hiện nay, những người Cơ Tu hiểu biết sâu về các phong tục tập quán và giữ được những nét văn hóa quý giá như già Kông không còn nhiều. Từ bao đời nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ biết gắn bó với rừng núi, nên văn hóa của người Cơ Tu cũng gắn với cuộc sống của già Kông như máu thịt vậy. “Bây giờ, già không còn sức để tấu đàn, trong khi đó, ngoài việc sử dụng cồng chiêng với vũ điệu “tâng tung da dá”, thì lớp trẻ địa phương chẳng còn ai biết chơi các loại nhạc cụ nữa. Bởi, nếu chỉ đơn phương theo học bằng chính đam mê của họ thì không đủ. Cuộc sống của họ quá khó khăn nên hằng ngày còn phải lên rừng mưu sinh. Dù biết rằng phải gìn giữ nhưng nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước thì e rằng, bản sắc văn hóa của người Cơ Tu sẽ dần mai một”, già Kông trăn trở.
Vy Hậu