Người mang nhiều nỗi lo
Dường như cái tên đã thể hiện hết tính cách của người đảng viên trẻ, Đại úy Lê Văn Lo - Phó Đội trưởng đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 1, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng. 8 năm công tác trong ngành, lại thuộc lĩnh vực đặc thù - PCCC và CNCH, Lê Văn Lo đã "tích lũy" cho mình nhiều kinh nghiệm và có không ít thành công.
Đại úy Lê Văn Lo (ngồi giữa) trong buổi giao lưu "Chúng tôi là lĩnh cứu hỏa" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. |
Không như những bạn cùng trang lứa, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Lo đã ấp ủ ước mơ được cống hiến trong ngành Công an. Lạ một nỗi, Lo lại chọn "nghề" chữa cháy làm nơi dấn thân. Lo bảo: "Chữa cháy là bảo vệ tài sản và tính mạng cho dân. Nhìn cảnh ngọn lửa thiêu rụi mọi thứ trước sự bất lực của người dân tôi xót lắm". Sau 5 năm học tập tại Trường Đại học Cảnh sát PCCC, Lê Văn Lo được phân công về tác tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng. Công việc đầu tiên Lo được giao thực hiện là thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Phải 3 năm sau Lo mới trực tiếp thực hiện công việc chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Người đảng viên trẻ Lê Văn Lo, cứng cỏi là vậy nhưng cũng không ít lần mềm lòng trước những mất mát của người dân. Lo nhớ mãi vụ cháy thương tâm xảy ra chiều 29 Tết, ngày cuối cùng của Đinh Dậu (26-1-2017). Khi mọi nhà đang quây quần bên mâm cơm Tất niên, Lo và đồng đội nhận lệnh đi chữa cháy tại số 48 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7, TP Đà Lạt. Tiếp cận hiện trường, Lo cùng một chiến sỹ nghĩa vụ quân sự tên Tuấn mang theo thiết bị hỗ trợ thở lao vào ngôi nhà đang rừng rực lửa, trong đó có 2 cháu nhỏ. Lo vừa bước vào ngôi nhà đang cháy thì chiếc đà ngang sập xuống ngay phía sau lưng. Biết trong đống đổ nát có 2 cháu nhỏ xấu số, Lo tìm kiếm. Lật 1 tấm tôn lên Lo bàng hoàng thấy 2 cháu nhỏ đã tử vong, cháu lớn 6 tuổi đang ôm chặt lấy người em 5 tuổi. Thi thể 2 cháu không còn nguyên vẹn. Một sự thương cảm dâng trào, nếu không có vụ cháy xảy ra thì giờ này 2 cháu nhỏ đang hào hứng chờ đón thời điểm giao thừa.
Lo không thể nhớ đã tham gia chữa cháy và cứu nạn bao nhiêu vụ. Còn nhớ, đêm 27 Tết Bính Thân (5-2-2016), 1 giờ sáng, Lo và đồng đội nhận lệnh đi cứu hộ vụ tai nạn lật xe trên quốc lộ 27C đoạn chạy qua thôn Đạ R'Chai, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương. Chiếc xe tải chở hoa lật bên đường, tài xế kẹt trong ca bin xe. Khi lực lượng cứu hộ đến hiện trường, người tài xế đã kiệt sức, nửa người phía dưới bị chèn ép không thể đưa nạn nhân ra, lực lượng cứu hộ tại chỗ mặc dù có cả xe cẩu nhưng đều bất lực. Nghiêm trọng hơn, bác sỹ có mặt tại hiện trường thông báo, nếu không nhanh chóng đưa nạn nhân ra, nhiều khả năng tài xế sẽ tàn phế suốt đời. Mang theo những thiết bị cần thiết, Lo chui vào xe, tìm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể giải cứu được nạn nhân. Anh thẫn thờ nhìn nạn nhân đang dần kiệt sức, thấy cái chết cận kề mà không sao cứu được. Bàn tay của một người đồng đội đặt lên vai anh cùng câu động viên: "Cố đi anh, chúng ta tìm cách khác". Và, phải 45 phút sau Lo và đồng đội mới giải cứu được nạn nhân, nhanh chóng đưa người tài xế lên xe cứu thương. Lo kể: "Xong việc tôi gần như kiệt sức, nằm vật ra đường. Một người dân đưa cho tôi chai nước, uống mà cảm giác như uống nước đá".
Gần đây nhất, tháng 8 năm 2019, trong trận lũ lịch sử quét qua thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, uy hiếp tính mạng của 41 người dân trong đó có 7 trẻ em bị nước lũ cô lập hơn 8 giờ đồng hồ, Lo đã có sáng kiến căng dây cáp qua suối, dùng sọt để tời giải cứu các nạn nhân. Đích thân Lê Văn Lo là người đu dây qua suối đầu tiên để kiểm tra độ an toàn. Và, anh đã bị dòng nước lũ quăng quật suýt bị tai nạn. Rất may là từ sáng kiến của Lo, 41 người dân đã được giải cứu an toàn. Với sáng kiến này và sự dũng cảm xả thân cứu dân, tháng 9-2019 Lo vinh dự đại diện cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Lâm Đồng tham gia giao lưu "Chúng tôi là lính cứu hỏa" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức và được Bộ Công an tặng Bằng khen.
Đại úy Lê Văn Lo (đứng) hướng dẫn cho đồng đội luyện tập công tác CNCH. |
Nghề chữa cháy và cứu nạn không theo quy luật nào, hễ có lệnh là đi, vì thế Lo và đồng đội phải đảm bảo trực 24/24 giờ. Cũng vì vậy mà thời gian Lo dành cho gia đình không nhiều. Biết khổ đó, nguy hiểm đó nhưng Lê Văn Lo vẫn dấn thân và nhận vào mình cái "nghiệp" chữa cháy. Người chỉ huy trực tiếp của Lo, Thượng tá Nguyễn Tiến Hồng - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH không tiếc lời khi nói về Lê Văn Lo: "Quyết đoán, mưu trí, sáng tạo, hết lòng vì công việc là những phẩm chất tiêu biểu tôi thấy ở đại úy Lê Văn Lo. Vì thế khi giao cho Lo bất kỳ nhiệm vụ gì tôi rất yên tâm, Lo không chỉ hoàn thành mà còn hoàn thành rất tốt". Những tháng đầu năm 2020 Lo được giao nhiệm vụ huấn luyện đội tuyển của phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đại diện cho Công an Lâm Đồng tham gia Hội thao nhiệp vụ chữa cháy và CNCH do Bộ Công an tổ chức. Ngày 20-6-2020 đội thi của Công an Lâm Đồng đã xuất sắc giành giải Nhì toàn đoàn tại vòng loại khu vực V được tổ chức tại tỉnh Đắc Nông, giành quyền vào thi vòng chung kết sẽ diễn ra tại TP Đà Nẵng vào cuối tháng 7-2020.
Tâm sự về nghề Lo chia sẻ: "Chỉ mong sao chúng tôi được trang bị thêm nhiều phương tiện, dụng cụ chuyên dùng vừa là bảo vệ cho bản thân, dễ dàng thao tác khi thực hiện nhiệm vụ và giảm thiểu bớt thiệt hại cho người dân. Nhưng, trên hết vẫn là sự đề cao cảnh giác của người dân trong PCCC và các tai nạn thương tích".
8 năm công tác, Lê Văn Lo được UBND tỉnh và Bộ Công an tặng 2 Bằng khen, Giám đốc Công an tỉnh tặng 5 Giấy khen cùng nhiều danh hiệu thi đua cao quý, được tuyên dương là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì ANTQ". Thành tích đó là đáng nể, nhưng với sự dấn thân, đam mê, bản lĩnh nghề nghiệp, tin rằng người đảng viên trẻ Lê Văn Lo sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của mình.
ĐỨC HUY