Báo Công An Đà Nẵng

Người mẹ của những đứa trẻ bất hạnh

Thứ tư, 13/03/2019 12:08

Hơn 10 năm trôi qua nhưng đến nay, bà Trần Thị Bích (1961, trú P. Hòa Cường, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên bà nhận nuôi một đứa trẻ kém may mắn. Đó cũng là ngày định mệnh bởi sau này bà nhận thấy mình có tình cảm thật sự với những đứa trẻ cùng chung cảnh ngộ. Và cứ như thế, có đến 7 đứa trẻ được bà nhận về nhà trông nom, chăm sóc và tất cả đều gọi bà là mẹ với ý nghĩa thiêng liêng nhất.

Bà Bích nghẹn ngào khi nhắc về những "đứa con" của mình. 

Bà Bích kể, đứa trẻ đầu tiên bà nhận nuôi là từ một cơ duyên khi được một người bạn giới thiệu tham gia chương trình "Gia đình nuôi tạm" của tổ chức HOLT (Mỹ). "Đây là chương trình khuyến khích các gia đình có lòng nhân hậu, bao dung nhận những đứa trẻ kém may mắn ở các trung tâm nuôi dạy trẻ về nhà chăm sóc, nuôi dạy. Gia đình tôi là thành viên thứ 13 cũng là thành viên cuối cùng tham gia chương trình. Đương nhiên, việc nhận nuôi dạy trẻ kém may mắn như thế phải xuất phát từ cái tâm, từ lòng thương cảm, rung động trước những hoàn cảnh, mảnh đời éo le thì mới có thể làm được", bà Bích trải lòng. Theo bà Bích, ở trung tâm nuôi dạy trẻ thời điểm đó có rất nhiều trẻ em hoàn cảnh éo le, khuyết tật, bị bệnh do chất độc da cam... vì nhiều lý do mà bị cha mẹ bỏ rơi. "Ở trung tâm có rất nhiều hoàn cảnh như vậy nên khó lòng chăm sóc tốt cho các cháu. Để các cháu phát triển một cách toàn diện nhất thì chỉ còn cách đưa về nhà nuôi dạy. Lúc mới nhận cháu bé đầu tiên về nhà tôi cũng rất lo lắng nhưng được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè nên mọi việc cũng dần quen", bà Bích nhớ lại.

Từ việc chỉ lo toan, chăm sóc chồng con, đến khi nhận thêm những "đứa con" đặc biệt, bà Bích trở nên bận rộn hơn. "Nuôi một đứa trẻ bình thường đã khó, nay phải nuôi những đứa trẻ khuyết tật, hay đau ốm thì khó khăn tăng gấp bội. Việc vô ra bệnh viện để đưa các cháu đi khám chữa bệnh trở thành thường xuyên. Tuy nhiên, tôi rất mừng vì gia đình tôi được đánh giá là một trong số ít những gia đình nhận nuôi dạy trẻ bất hạnh đạt chất lượng cao nhất", bà Bích chia sẻ. Trong 7 đứa trẻ bà Bích nhận nuôi, có đứa ít thì ở nhà bà 3 tháng, nhiều thì  3 năm rồi được trả về gia đình bố mẹ ruột hoặc được người khác nhận làm con nuôi. Trong số đó, hoàn cảnh của cháu N.T. (quê Thanh Hóa) là bất hạnh nhất vì cháu mang bệnh do di chứng chất độc da cam. Mẹ ruột của T. già yếu, mắc bệnh tiểu đường nên T. được đưa vào trung tâm nuôi dạy trẻ và may mắn được bà Bích nhận về nhà chăm sóc. T. thường hay lên cơn, đập phá đồ đạc nên gia đình bà Bích cũng trải qua nhiều phen cơn "khủng hoảng".

Những hình ảnh kỷ niệm của 7 đứa trẻ bà Bích nhận nuôi được lưu giữ cẩn thận.

Để giúp cháu T. phát triển tốt, bà Bích mất rất nhiều thời gian, công sức. Hay như trường hợp cháu M.H. (quê Hòa Khánh, Đà Nẵng) bị câm điếc, hay đau ốm nhưng không có người nuôi dưỡng được bà Bích nhận về nuôi. Sau thời gian được gia đình bà chăm sóc, H. có chiều hướng phát triển tốt hơn... "Khi nhận các cháu về nuôi tôi tự nhủ lòng mình phải thương yêu các cháu như người thân của mình. Gắn bó, gần gũi với các cháu, tình yêu thương cứ lớn dần lên. Điều hạnh phúc nhất là khi các cháu cảm nhận được tình cảm rồi gọi tôi tiếng mẹ khiến tôi thật sự xúc động. Có lần, tôi nhận nuôi một lúc đến 3 đứa trẻ kém may mắn nhưng không hiểu sao vẫn có thể lo toan mọi thứ một cách chu toàn", bà Bích bộc bạch.

Ông Đào Tư Kỉnh, chồng bà Bích là người đồng hành cùng bà trong suốt quá trình nhận nuôi các cháu. Ông Kỉnh tâm sự cũng vô cùng yêu thương những đứa trẻ này. Khi đến thời hạn trả các cháu về trung tâm hay trao cho người khác nhận nuôi, vợ chồng ông lại buồn bã, bịn rịn không muốn rời. "Hơn 10 năm qua, nhiều cháu đã trưởng thành, lập gia đình nhưng vẫn còn giữ liên lạc với chúng tôi. Có cháu được bố mẹ nuôi đưa sang Mỹ với điều kiện chăm sóc, học tập tốt hơn nên tôi rất mừng. Tôi sẽ nhớ mãi khoảng thời gian nhận nuôi và được trở thành mẹ của nhiều đứa trẻ bất hạnh đó. Hiện nay, vì sức khỏe, điều kiện không cho phép nhưng trong thâm tâm tôi vẫn muốn nhận nuôi các cháu để được nghe những tiếng gọi mẹ thiêng liêng ấy", bà Bích nghẹn ngào.

Thành Danh