Báo Công An Đà Nẵng

Người mẹ đặc biệt của cậu bé không tay

Thứ bảy, 21/10/2017 11:00

Cuối tháng 11-2014, Google "dậy sóng" với sự tìm đọc các phóng sự, ghi chép Nghị lực của cậu bé khuyết tật, Một câu chuyện cảm động: Trò không tay, cô cầm chân dạy viết, Nghị lực đáng nể của cậu bé không tay, Câu chuyện cảm động về cậu bé không tay viết chữ đẹp khiến người xem rơi nước mắt, Cảm động cậu bé 8 tuổi "viết" nên cuộc đời bằng đôi chân kỳ diệu, Cô giáo của cậu bé viết bằng chân... Qua báo chí, cậu bé khuyết tật Hà Văn Tài và bà ngoại nghèo cùng cô giáo chủ nhiệm nhân hậu ở xã Cam An được quan tâm nhiều hơn và cũng từ đây, cuộc sống của Tài đã đổi thay...

"Cậu bé không tay" Hà Văn Tài đọc giỏi, viết đẹp bằng chân.    (Ảnh: BỘI NHIÊN)

Chững chạc bước vào mặt sân được láng xi măng phẳng lì, Hà Văn Tài vừa tươi cười với bà ngoại vừa hỏi tại sao bà gọi mình phải thôi chơi đá banh với các bạn trong thôn để về nhà lúc này. Nhìn hai ống tay áo trống không và nụ cười xinh xẻo của Tài trong làn nắng vàng giữa sân, chúng tôi cố nén nỗi kinh ngạc xen lẫn sự vui mừng trước cậu bé đã chào đời trong tiếng khóc ngất lịm của người mẹ và những giọt nước mắt thương xót của bà ngoại vào ngày 24-12-2006. Ngồi bên bà ngoại đang tiếp chuyện với khách, Tài trả lời mọi câu hỏi dành riêng mình. Rồi Tài bảo mình muốn tắm để thay quần áo dính bụi và mồ hôi khi đá banh nên đi ra vòi nước máy ở góc nhà. Tài dùng hai ngón chân để mở vòi nước rồi ngồi xuống chiếc ghế con ở ngay dưới dòng nước đang chảy để tắm. Bà ngoại của Tài vừa giúp cháu xoa xà phòng vừa nghe cháu kể một chuyện xảy ra ở trận banh lúc nãy của đám trẻ. Khi tắm xong và đã thay quần áo mới, gương mặt của Tài sáng bừng và chớm rõ nét cương nghị thật dễ mến, đáng yêu. Tài nắn nót viết bằng bàn chân trái những con chữ rất đẹp nhờ sự rèn luyện của cô giáo và nghị lực của bản thân khi khách xa vừa đề nghị Tài viết tên mình trên trang giấy trắng. Viết xong, Tài lấy chiếc điện thoại di động của bà ngoại để chơi trò chơi bằng mấy ngón chân khá mũm mĩm. Sực nhớ tới những viên bi nhiều màu sắc mới mua, bà ngoại quấy quả tìm lấy rồi đưa cho Tài. Tài chơi bi bằng cách giữ viên bi ở ngón cái của bàn chân trái và dùng ngón cái của bàn chân phải bắn bi. Viên bi nảy mạnh trên nền xi măng rồi lăn về phía trước cái cười làm nheo đôi mắt tròn trong veo của Tài.

Bà ngoại chăm sóc cho Tài hằng ngày.   (Ảnh: BỘI NHIÊN)

11 năm qua, bà ngoại cũng là mẹ của Hà Văn Tài. Từ lúc Tài được gửi lại trong tình thương và sự nghèo khó của bà ngoại với hình hài không có đôi tay và đôi chân cũng không lành lặn, niềm vui thì có thể đếm được nhưng lo âu là không giới hạn trong trái tim của người bà. Bà đặt tên Tài cho cậu bé với hy vọng "có nhiều tài để thắng tật". Bà ngoại bù đắp cho Tài sự thiếu hụt hơi ấm của người mẹ, vất vả lo từng bữa ăn, vui đến thắt lòng khi những tiếng đầu tiên cậu bé bập bẹ cất lên khi tập nói là "Mệ!" (bà), xót xa trong những lúc nhìn cháu len lén co chân lau nước mắt chảy trên mặt vì đói bụng, nén nước mắt để an ủi và động viên đứa cháu bé bỏng khi cháu hỏi tại sao mình không có tay, nghẹn ngào thấy cháu lặng lẽ đứng nhìn đám bạn cùng tuổi đến trường... Thương cháu, bà ngoại đánh bạo bồng cháu đến Trường Tiểu học của xã xin cho cháu vào học nhưng với khuyết tật như thế cháu chỉ có thể học ở trường khuyết tật. Để cháu có niềm vui đến trường, bà ngoại đạp xe chở Tài vào Trường Khuyết tật của tỉnh học chữ mà chỉ sau một tháng thì sự hoạt bát, thông minh của Tài đã khiến giáo viên của Trường khuyến khích đưa cậu về học ở Trường Tiểu học của xã để có điều kiện phát triển bình thường. Sau nhiều khổ luyện trong suốt năm học lớp 1 với sự chăm chút tận tâm của cô giáo chủ nhiệm, sự hòa đồng của chúng bạn, sự nuôi dưỡng và chăm sóc của bà ngoại cùng nghị lực tuyệt vời của mình, Tài đã có thể viết những dòng chữ đều đặn, thẳng tắp, ngay ngắn và sạch sẽ bằng chân trái đồng thời đọc tốt tiếng Việt, giải toán có lời văn cũng như rất thích vẽ. Năm 2015, Hà Văn Tài thi viết và vẽ bằng chân do Hội Từ thiện tỉnh Quảng Trị tổ chức. Đạt giải Nhất của kỳ thi, Tài được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi của tỉnh đưa ra Hà Nội nhận học bổng". Cũng từ đây, Tài ước mơ trở thành thầy giáo như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Trong từng ngày Tài đến trường với giấc mơ cao đẹp của mình, bà ngoại tần tảo trồng lúa, trồng rau, nuôi lợn, để dành từng món tiền lo cho Tài trong tương lai...

NGUYỄN BỘI NHIÊN