Báo Công An Đà Nẵng

KỶ NIỆM 85 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM:

Người mẹ Hòa Liên

Thứ sáu, 30/01/2015 12:51

(Cadn.com.vn) - Mẹ Võ Thị Nhự, còn gọi là bà Chinh, năm nay đã bước sang tuổi 97. Sự mẫn tiệp, tinh anh của mẹ vì thế cũng giảm sút theo quy luật thời gian. Song nhờ sự giúp đỡ của ông Hồ Văn Chinh (nguyên Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), con trai cả của mẹ, tôi lần hồi chắp nối cuộc đời người mẹ đã trọn đời cống hiến cho cách mạng.

Mẹ Nhự sinh ra ở thôn Quan Nam 5, xã Hòa Lạc (nay là xã Hòa Liên, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Gia đình ông Hương Tiễn (Võ Tiễn) hồi ấy thuộc diện giàu có trong làng. Các con ông đều tham gia cách mạng, trong đó con trai Võ Bích làm Phó chủ tịch Ủy ban hành chính xã Hòa Lạc, con gái Võ Thị Nhự  đào hầm bí mật nuôi cán bộ. Năm 1947, do có kẻ chỉ điểm gia đình ông Hương Tiễn tiếp tế cho Việt Minh, lính Pháp bất ngờ ập về đốt sạch nhà cửa. Chúng bắn chết vợ chồng ông Võ Bích, còn cô con gái của họ mới 2 tuổi bị vứt ra ngoài ruộng…

Hôm ấy, ông bà Hương Tiễn vắng nhà, Võ Thị Nhự cũng đi làm đồng nên thoát khỏi vụ thảm sát. Nhà bị giặc đốt sạch, người thân bị sát hại, mẹ Nhự phải dắt cha mẹ già cùng 3 cháu nhỏ vào Tây Viên thuộc xã Quế Lộc (H. Quế Sơn, Quảng Nam) hiện nay, là vùng giải phóng của ta, để sinh sống. Ở đây, mẹ tham gia hội "Mẹ chị chiến sĩ", tích cực chăm lo cho cuộc sống của bộ đội. Còn ông Hương Tiễn, đau đớn trước sự ra đi đột ngột của các con nên đã lâm trọng bệnh không qua khỏi. Đến năm 1953, mẹ con, bà cháu bà Hương Tiễn mới dắt nhau trở về quê cũ dựng lại nhà cửa, tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương.

Chân dung mẹ Võ Thị Nhự.

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, nhiều con em miền Nam ra miền Bắc tập kết, song mẹ Võ Thị Nhự được phân công ở lại làm cơ sở cho cách mạng. Nhằm che mắt địch, mẹ đào hầm bí mật ngay dưới những bụi tre, miệng hầm thông ra sông Mới, người dân ở đây còn gọi là sông Phái 6. Hầm cách nhà khoảng 50m, muốn vô hầm phải lội dưới nước mới vô được. Nhà mẹ có chừng 5 hay 6 cái hầm như thế, có lúc cả trung đội đặc công ở cũng vừa. "Đời tư mẹ tôi chịu khá nhiều thương đau", ông Hồ Văn Chinh chia sẻ. Cái sự thương đau của mẹ ông không chỉ là chuyện Pháp đốt nhà mà tình duyên của mẹ cũng bội phần bi thương. Năm 1944, mẹ lấy người chồng trước là một cán bộ kháng chiến, sinh ra ông Hồ Văn Chinh.

Năm 1946, ông nhiễm "lâm sơn chướng khí", mất trên căn cứ, mẹ Nhự ôm con về lại Quan Nam ở với cha mẹ đẻ. Sau lần chạy giặc ở Quế Sơn, về lại quê cũ, chiến tranh lại gieo vào lòng mẹ nỗi bất hạnh lần thứ hai. Chuyện là sau Hiệp định 1954, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Đào Ngọc Chua được phân công ở lại để giữ vững phong trào. Người cán bộ mà chính quyền ngụy ráo riết truy bắt đã được mẹ Nhự che giấu, nuôi dưỡng. Dần dà, tình cảm của họ đã vượt qua ngưỡng cán bộ - gia đình cơ sở để nên nghĩa phu-thê. Không đám cưới, không hôn lễ, họ bí mật thông báo cho người thân biết rằng hai người đã trở thành vợ chồng từ năm 1955. Kết quả của mối tình duyên ấy là người con trai Đào Ngọc Ba ra đời.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, đã có tin đồn đại về mối quan hệ của mẹ Nhự với ông cán bộ Việt cộng Đào Ngọc Chua, do đó khi mẹ có thai, cảnh sát ngụy liên tục gọi mẹ  lên đồn tra hỏi. Mẹ chỉ một lời: "Con tui tự túc". Chúng đánh mẹ, nhốt mẹ vài tháng rồi thả ra. Vì vậy, con trai mẹ lúc sinh ra được lấy theo họ mẹ với tên gọi Võ Ba, mãi sau này mới được trở về chính danh. Và rồi, cuộc sống vợ chồng của mẹ cũng không kéo dài được bao lâu. Đêm 1-12-1959, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Đào Ngọc Chua về họp với cơ sở ở cánh đồng xóm Thổ bị địch phục kích. Do nhiều lần bắt trượt nên chúng bắn ông ngay tại chỗ. Nghe tin chồng hy sinh, mẹ âm thầm gạt nước mắt "coi như chuyện người dưng", để nhân dân lo chôn cất…

Chiến tranh không thể tránh khỏi mất mát hy sinh. Nén đau thương, mẹ tiếp tục nuôi cán bộ, bộ đội chờ ngày cách mạng toàn thắng. Nhà mẹ có hai cửa trước sau, như con mắt của mẹ ngóng các con về. Hôm nào cửa đóng, then cài, màn đêm đen thẫm là mẹ bảo có địch đấy, các con đừng về. Hôm nào ngọn đèn sáng bừng như reo vui, ý mẹ nói các con về đi để mẹ nấu cơm ăn, chỉ chỗ hầm bí mật cho mà nghỉ ngơi. Những tháng năm đen tối của cách mạng miền Nam, các đồng chí Ba Thế (Huyện ủy viên), Năm Dừa (Bí thư cánh bắc Hòa Vang, tức Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thanh Năm)… vẫn đi về nhà mẹ như một chốn bình yên.

Đến đây, tôi chợt nhớ khi thể hiện cuốn hồi ký của Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Phúc Ngôn, người chỉ huy trận tập kích trận địa pháo Thanh Vinh của Mỹ ngày 10-6-1966, viết trong hồi ký "Chuyện người con Hồng Phước": "Bà Chinh luôn thể hiện là một người mẹ mẫu mực, không sợ địch, kiên cường trụ bám, thường xuyên thu mua lương thực, thực phẩm giúp cho bộ đội địa phương và đơn vị đặc công quận Nhì. Bà nuôi bộ đội ăn uống ngày đêm thường xuyên từ 15 đến 20 người và hàng đêm gùi hàng trăm ký gạo cho bộ đội…".

Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quận Nhì (Đà Nẵng) phải bố trí một trung đội cải trang thành lính ngụy đi vào thành phố. Trước yêu cầu trên, mẹ Nhự tình nguyện vào nội thành bí mật gom được hơn 20 bộ quân phục của lính ngụy, đem về bàn giao cho các đồng chí Ngô Quang Trường và Nguyễn Ngọc Bé để trang bị cho bộ đội. Ngoài ra, mẹ còn là giao liên của quận Nhì, có nhiệm vụ đưa thư từ Hòa Liên xuống các gia đình cơ sở, giao liên tại trung tâm thành phố.

Đất nước ca khúc khải hoàn, khi lưng đã mỏi, gối đã chùng, mẹ về ở với con cả, bàn giao ruộng vườn cho địa phương. Nói về công lao của mẹ mình, ông Hồ Văn Chinh cho rằng: "Hơn 20 năm hoạt động trong lòng địch, mẹ tôi chưa bao giờ bị lộ một hầm bí mật nào. Địch bắt 3 lần, bà  đều không khai nên chúng chỉ nhốt vài tháng rồi thả". Ghi nhận sự cống hiến lớn lao của mẹ Võ Thị Nhự, Đảng, Nhà nước ta đã tặng thưởng cho mẹ Võ Thị Nhự Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Khép lại bài viết, tôi liên tưởng đến một lần trò chuyện với vị tướng tình báo Trần Tiến Cung về ngày giải phóng Đà Nẵng, ông nhận xét: "Chúng tôi hoạt động trong lòng địch được là nhờ nhân dân. Vinh quang của chiến thắng này thuộc về nhân dân". Câu chuyện về cuộc đời mẹ Võ Thị Nhự dường như càng làm rõ hơn về sự đánh giá của người chỉ huy tình báo năm xưa.

Nguyễn Sỹ Long