Người nặng lòng với văn hóa Cơ Tu
(Cadn.com.vn) - Trải qua bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, đồng bào Cơ Tu TP Đà Nẵng vẫn lưu giữ được cho mình nhiều bản sắc văn hóa quý giá về phong tục, lễ hội, âm nhạc... Góp phần tích cực trong việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống đó phải kể đến vai trò của già làng Nguyễn Văn Cần (80 tuổi, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang). Già Cần cho biết, lúc còn trai trẻ đã biết sử dụng thuần thục nhiều loại nhạc cụ như sáo rahêm, đàn càron, kèn cabluốc... Theo già Cần, trước đây, người Cơ Tu sinh sống trên dãy Trường Sơn theo lối du canh du cư. Đi đến chỗ nào đất tốt là phát rừng làm rẫy trồng lúa, bắp, sắn cho đến vài năm sau, khi đất xấu, cằn thì bỏ đi nơi khác tiếp tục khai phá.
Già Cần biểu diễn nhạc cụ truyền thống người Cơ Tu... |
Trên nương rẫy của người Cơ Tu có cất chòi tạm bằng cây rừng, lợp lá nón để làm chỗ trú nắng, trú mưa cho người giữ rẫy, ngăn chặn các loại thú rừng xuống phá hoại mùa màng. Ngồi trên chòi giữ rẫy một mình rất buồn nên tổ tiên người Cơ Tu qua bao thế hệ đã chế tác các loại nhạc cụ để tấu lên những giai điệu vui tươi, nhộn nhịp, hoặc các giai điệu nỉ non để trai gái trong bản bày tỏ tâm tư tình cảm của mình... Già Cần thổ lộ, già chỉ mong muốn một điều khi mình trở về với núi rừng, những gì mình biết được từ việc cúng tế đến chế tác và sử dụng các nhạc cụ truyền thống đều được truyền lại cho tất cả bọn trẻ. Bởi đó là cách duy nhất giữ lại cái hồn của người Cơ Tu.
...và các loại nhạc cụ đang được già Cần lưu giữ. |
Ngày nay, dù tuổi đã cao nhưng mỗi ngày già Cần vẫn say mê tấu đàn, thổi sáo. Ở Phú Túc hiện nay, ngoài già Cần thì không còn ai biết chế tác các nhạc cụ của người Cơ Tu nữa. Những người hiểu biết sâu về các phong tục tập quán và giữ được những nét văn hóa quý giá như già thì còn ít lắm. “Già chỉ tiếc, người biết văn hóa truyền thống của người Cơ Tu ở vùng thấp này hiện không còn nhiều mà người trẻ thì chưa kịp hoặc không chịu học nên chẳng biết văn hóa của người Cơ Tu sẽ đi về đâu? Nếu chỉ đơn phương theo học bằng chính đam mê của mình thì không đủ. Bởi, để có cái ăn, cái mặc, hằng ngày họ phải còn lên nương làm rẫy mưu sinh”, già Cần trăn trở...Vậy nên, mong muốn tìm được người để truyền kỹ thuật chế tác, sử dụng nhạc cụ, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc riêng của đồng bào mình cho thế hệ trẻ vẫn luôn rạo rực trong già Cần mỗi ngày cho đến khi già khuất núi.
An Dương