Người ngược đãi, hành hạ cha mẹ phải chịu trách nhiệm thế nào?
*Bạn đọc hỏi: ông Bùi Quang Ánh, trú Q. Thanh Khê (TP Đà Nẵng), hỏi: nhân đọc bài "Chia thừa kế theo pháp luật hay theo di nguyện" của Chuyên mục trên số báo ra ngày 15-6, tôi muốn hỏi, trường hợp người con sống không có đạo hiếu, không chăm sóc cha mẹ, thậm chí, thường xuyên có hành vi xúc phạm và hành hạ cha mẹ thì phải chịu trách nhiệm như thế nào?
*Thạc sĩ, Luật sư Lê Ngô Hoài Phong - Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng, trả lời: Trong quan hệ dân sự, người có hành vi ngược đãi, hành hạ cha mẹ sẽ bị mất quyền hưởng di sản (DS). Cụ thể, theo quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015, người không được quyền hưởng DS là: người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại DS, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại DS; người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần DS mà người thừa kế đó có quyền hưởng; người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại DS trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ DS trái với ý chí của người để lại DS.
Tuy nhiên, Khoản 2 điều luật này còn quy định: những người quy định tại khoản 1 điều này vẫn được hưởng DS nếu người để lại DS đã biết hành vi của những người đó nhưng vẫn cho họ hưởng DS theo di chúc. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật hình sự, người ngược đãi, hành hạ cha mẹ còn phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định: người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425