Báo Công An Đà Nẵng

Người Ơđu, truyền thuyết & hiện thực

Thứ hai, 18/08/2014 08:18

(Cadn.com.vn) - Chúng tôi đến bà con dân tộc Ơđu trong khu rừng Pu Pá ở bản Văng Môn xã Nga My (H.Tương Dương, Nghệ An), một trong số 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam. Qua những thăng trầm của lịch sử, người Ơđu ngày nay chỉ còn lại khoảng hơn 400 người.

Theo các nghiên cứu về lịch sử, khoảng thế kỷ XIV, người Ơđu tồn tại ở một số huyện miền Tây Nghệ An. Họ sống bằng nghề làm ruộng, phát nương làm rẫy, đào đãi vàng, chài lưới và buôn bán trên sông. Trong những cuộc nội chiến để tranh giành đất sinh sống giữa các tộc người, vốn dân số ít, thế lực yếu nên người Ơđu đã bị dồn vào nơi “hang cùng thủy tận”. Ở chốn “thâm sơn cùng cốc” nhưng bằng nghị lực, sự chăm chỉ, người Ơđu đã cùng nhau khai hoang vùng đất thượng nguồn dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ. Chính vì vậy, những cái tên hang động, tên suối, ngọn núi nơi này còn mang đậm thanh âm của tiếng Ơđu...

Dân số ít, người Ơđu đối mặt với thoái hóa giống nòi, để tránh nguy cơ bị diệt vong, một bộ phận người Ơđu đã đưa ra quy định người Ơđu không được kết hôn với nhau. Họ phải từ bỏ dần tiếng nói, tên gọi, phong tục, tập quán của mình để sống đan xen, lệ thuộc vào người Thái, Khơ Mú.

Bàn thờ tổ tiên được người dân Ơđu góp tiền dựng lên trên đỉnh núi.

Sau Cách mạng tháng Tám, các dân tộc được sống bình đẳng, đồng bào Ơđu quy tụ về sinh sống ở bản Xốp Pột, Kim Hòa, xã Kim Đa, một vài hộ sinh sống rải rác ở bản Tạ Xiêng (xã Kim Tiến), bản Xiêng Hương (xã Xá Lượng). Tuy nhiên, thế hệ con cháu tộc người Ơđu ở vào thời điểm đó kể cả người già nhất cũng không còn lưu giữ trọn vẹn ngôn ngữ, phong tục tập quán của mình. Năm tháng trôi qua, bằng sự nỗ lực không ngừng cuộc sống của người Ơđu đã dần đi vào ổn định thì họ lại phải đối mặt với cuộc di dời lớn thứ hai trong lịch sử.

Để nhường chỗ xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ, năm 2006, đồng bào người Ơđu lại phải di chuyển từ Bản Xốp Pột, Kim Hòa, xã Kim Đa về sinh sống tại bản Văng Môn, xã Nga My. Vùng đất mới lại một lần nữa thách thức người Ơđu. Cũng chính những cuộc thiên di ấy đã làm cho bản sắc văn hóa của người Ơđu vốn đã bị mai một, lai tạp bởi văn hóa Thái, Khơ Mú... nay lại càng xóa nhòa hơn.

Chị Mạc Thị Tím là phụ nữ dân tộc Thái, lấy chồng người Ơđu và làm bí thư chi bộ bản Văng Môn được 3 năm nay nhưng chị luôn trăn trở tìm kiếm và sưu tầm những gì còn sót lại của tộc người Ơđu. Chị Tím chia sẻ: Người Ơđu lúc còn ở quê cũ mặc dù cuộc sống không được khá giả lắm nhưng còn có nhiều đất mà làm nương, làm rẫy. Bây giờ lên đây mặc dù được Nhà nước hỗ trợ nhưng bà con thiếu đất sản xuất, không có đất mà trồng lúa, trồng ngô, chăn nuôi cũng không có nơi để chăn thả nên cuộc sống vẫn còn khó khăn lắm.

Về bản Văng Môn từ năm 2006, mỗi gia đình người Ơđu được giao nhận 1 ngôi nhà và 1.000m2 đất canh tác. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lương thực, chính quyền cũng đã tập trung cải tạo 25 ha ruộng để họ sản xuất. Nhưng do đây là khu vực đồi núi khá dốc, đất canh tác làm được một vài năm thì mất chất nên bà con đã chuyển sang trồng rừng. Mặt khác, tập quán canh tác lạc hậu, người Ơđu chỉ canh tác mỗi năm 1 vụ. Vậy nên vượt qua cái đói, cái nghèo vẫn là mong muốn lớn nhất với người Ơđu.

Để tránh nóng và khói, người dân Ơđu dựng túp lều bên cạnh ngôi nhà do Nhà nước xây dựng.

Trong ngôi nhà nhỏ bằng bê-tông được Nhà nước xây dựng, cụ Lo Văn Bằng năm nay đã bước sang tuổi 82 và là người cao tuổi nhất bản Văng Môn cho biết: Trong bản giờ có hơn 400 người, những người già nhiều tuổi nhất còn biết chút ít tiếng Ơđu là chỉ còn tôi và ông Lo Văn Nghệ. Số từ chúng tôi nắm được khoảng trên dưới 200 từ nhưng không được sử dụng để giao tiếp nên cũng dần dần quên đi. Giờ dạy lại cho con cháu thì cũng khó lắm và không dạy hết được. Bởi vì bọn nó học cho biết rồi khi giao tiếp với nhau thì dùng tiếng Thái nên có dạy bao nhiêu cũng thế cả thôi.

Chia sẻ những mong muốn của người dân Ơđu, chị Mạc Thị Tím trăn trở: Giờ bà con ở bản Văng Môn chỉ mong muốn được khôi phục lại tiếng mẹ đẻ và trang phục, tập quán của mình nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn…

Trước nguy cơ bị mai một và mất dần nòi giống, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định phê duyệt “Dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Ơđu”. Theo đó, nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống, văn hóa, giáo dục, công tác khuyến nông, khuyến lâm... đã được triển khai trong 3 năm qua. Nhờ đó, đời sống của đồng bào Ơđu từng bước đã được ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Đặc biệt, một trong những nội dung của Dự án được nhiều người Ơđu đồng tình, ủng hộ là việc mở lớp dạy tiếng nói Ơđu cho các thế hệ trẻ người Ơđu. Từ đầu năm 2008 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã mở được nhiều lớp dạy tiếng Ơđu cho thế hệ trẻ tham gia học tập. Tính đến nay, đã có 5 lớp dạy học tiếng Ơ đu cho 300 lượt người được triển khai tại Văng Môn, kết thúc lớp học chỉ 30-40% học viên nói được tiếng Ơđu.

Chiếc áo cổ nhất của người Ơđu ở bản Văng Môn còn sót lại.

Tuy nhiên, theo các cụ già cao tuổi, đây chỉ là những lớp học tiếng Ơđu cơ bản, còn nếu học đầy đủ ngữ nghĩa của tiếng Ơđu thì phải mất ít nhất 2 năm. Ngoài ra, sau khi học xong tiếng lại không được sử dụng trong giao tiếp nên hầu hết các học viên đã quên dần đến nay vẫn chưa phục hồi được  tiếng nói cho người Ơđu.

Ông Vi Tân Hợi, Phó chủ tịch UBND H. Tương Dương, người đã nhiều năm nghiên cứu về dân tộc Ơđu cho biết: “Hiện tại nước bạn Lào có khoảng 2 vạn người Ơđu đang sinh sống, trong đó tập trung chủ yếu ở bản Khạp, H. Mường Khun, tỉnh Xiêng Khoảng. Họ vẫn còn giữ được trang phục truyền thống và ngôn ngữ Ơđu vẫn được lưu truyền với vốn từ khá phong phú. Huyện cũng đã tổ chức nhiều buổi giao lưu để trao đổi, học hỏi những nét đặc trưng về văn hóa, phong tục.

Tuy nhiên, để bảo tồn những giá trị văn hóa của người Ơđu, ngoài việc chăm lo đến đời sống tinh thần và vật chất của bà con thì cần có sự quyết tâm và đồng bộ của bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương, huy động sự tham gia của các nhà nghiên cứu khoa học, văn hóa, ngôn ngữ. Trước hết là khôi phục lại không gian văn hóa Ơđu, bao gồm quy hoạch lại bản Văng Môn ngày nay theo kiểu cấu trúc không gian làng bản của người Ơđu cổ xưa, kiến trúc nhà ở truyền thống; tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng, ngôn ngữ và phục dựng một số lễ hội quan trọng, như: Lễ chăm phtrong (mừng sấm đầu năm), lễ ăn cơm mới, rước hồn lúa và mừng nhà mới.

Dương Hóa