Báo Công An Đà Nẵng

Người phụ nữ gánh chợ vào thơ

Thứ tư, 15/04/2020 21:20

Nhắc tới nhà thơ Vạn Lộc, người ta thường nghĩ đến một phụ nữ xứ Quảng thành đạt, đam mê thơ ca, thường lặn lội đến mọi nẻo đường quê để làm từ thiện... Ít ai biết trên hết, bà là một người phụ nữ đảm đang, cả tuổi thanh xuân tảo tần giữa chốn chợ đời, nuôi đàn con chục người ăn học, thành đạt. Mới đây, Vạn Lộc dành cho chúng tôi cuộc trao đổi thú vị về chuyện đời và chuyện thơ.

Nhà thơ Vạn Lộc (giữa) cùng các cây bút nữ Đà Nẵng.

* Trước khi đến với thơ, bà đã trải qua thời thơ ấu ra sao?

* Tuổi thơ tôi, thời kháng Pháp, có một giai đoạn cùng gia đình tản cư vào ở Bình Định.  Đến hiệp định Genève 1954, lúc này cha tôi đã mất, anh trai tôi lại đi tập kết, nên mẹ đưa cả gia đình về lại Duy Xuyên. Ở quê được 3 năm, vì gia đình có người đi tập kết, mẹ tôi thường bị phiền hà, làm khó, nên dọn nhà ra Đà Nẵng. Nơi đây, gia đình tôi được ông cậu ruột cho mượn miếng đất (đang ở hiện nay) làm nhà ở. Tôi lúc này đã vào đệ tứ trường trung học từ Quế Sơn xin chuyển về trường Sao Mai, Đà Nẵng. Cả 2 chị em tôi đều đi học. Không lâu sau chị tôi đi lấy chồng. Lúc này thấy gia đình khó khăn, mẹ quá vất vả, tôi phải xin nghỉ học, tìm kế làm ăn. Một thời gian kế tiếp đi lấy chồng, rồi lo làm lụng nuôi con, chứ chưa nghĩ chi đến chuyện thơ ca.

* Như vậy, duyên nợ nào bà đã đến với thơ?

* Lúc mới lập gia đình, tôi xin làm nghề may cho người dì ruột. Về sau, dì tôi vì công việc hoạt động cách mạng bí mật nên giao cho tôi đứng đảm trách hiệu may của dì ở Chợ Cồn. Tôi cũng xoay qua buôn hàng chuyến Hà Nội, Sài Gòn... nhưng lại quay về Chợ Cồn. Rồi việc làm ăn đưa tôi mua ngôi nhà nhỏ tại địa chỉ 43 Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng) bán hàng tạp hóa... Công việc trở nên thuận lợi, thành hiệu buôn và tôi chính thức đặt tên Vạn Lộc. Về sau, do cửa hiệu ở gần trụ sở Hội Văn học- Nghệ thuật Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ), nên tình cờ các anh  Đông Trình, Thanh Quế tạt qua mua đồ ghé chơi, nghe tôi làm thơ, đọc thử và khen ngợi, động viên khích lệ. Cũng chính anh Thanh Quế khuyên tôi nên chọn cái tên Vạn Lộc này làm bút danh. Không lâu sau, tôi ra mắt tập thơ đầu tay "Một chút riêng tư". Tôi thực sự yêu thích thơ và tiếp tục in nhiều tập thơ khác. Có thể nói cơ duyên là như vậy, nhưng cái cảm xúc để tôi đến với thơ nhờ phần lớn thời gian tôi buôn bán ở Chợ Cồn. "Giờ đây mỗi bận đi qua chợ/ Khó giấu trong tim nỗi ngậm ngùi/ Hai tiếng "chợ Cồn" thân thiết quá! Tôi từng gởi gắm những buồn vui"(Chợ Cồn). Đến tận bây giờ, mỗi lần có dịp sinh hoạt giao lưu văn nghệ, tôi vẫn thích đọc mấy câu thơ đó.

Nhà thơ Vạn Lộc 

Nhà thơ Vạn Lộc tên thật là Vũ Thị Hội. Sinh năm 1946 tại làng Đông Yên, xã Duy Trinh, H. Duy Xuyên, Quảng Nam. Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng. Hội viên Hội thơ Đường Unesco Việt Nam.

  *Tác phẩm đã xuất bản:

- Chút riêng tư; Vòng tay mẹ; Nắng chiều; Hạt bụi; Gió thổi từ Đông Yên; Lá thức; Chín mươi chín nhịp.

* Cả tuổi thanh xuân tảo tần giữa chốn chợ đời, nuôi đàn con chục người ăn học, thành đạt, bà có thể nói thêm về điều này?

* Tôi có tất cả 10 đứa con (8 trai, 2 gái). Con cái nheo nhóc, gia đình tôi không ít những lúc khó khăn, xung đột, hục hặc. Tuy nhiên, nhờ những người chung quanh động viên, tôi gắng gượng làm ăn, nuôi con. Mà cũng nói thêm, đôi lần, nhờ trang trải nỗi lòng qua vần thơ, tôi tìm được sức mạnh cho mình có đủ nghị lực để vượt qua bao khó khăn, gian khó nuôi con thành người.

Điều may mắn của gia đình tôi là con cái tuy đông, kề tuổi nhau, nhưng rất ngoan, rất thương yêu nhau, đứa lớn dìu dắt đứa nhỏ. Các cháu đều tự lo học, tự thi cử, tôi chỉ biết lo chạy tài chính, chứ không biết hướng dẫn ra sao. Giờ, có Nguyễn Tâm Thịnh là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nam, Nguyễn Tâm Tiến là Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam. Các con khác đều thành công, đứa nào cũng có sự nghiệp, công tác nhiều lĩnh vực bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, nhà giáo, sĩ quan quân đội... Nhiều năm rồi, các con không cho tôi buôn bán, làm lụng, lo toan... mà rất ủng hộ cho tôi vui thú với thơ văn như bây giờ...

* Bên cạnh hoạt động thơ ca, bà cũng là người thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện?

* Tôi thích làm từ thiện từ nhỏ, bởi ảnh hưởng truyền thống gia đình. Hằng năm, tôi đều tham gia các chuyến công tác từ thiện tại mọi miền quê, để giúp đỡ bà con còn khó khăn. Hoạt động từ thiện của tôi cũng luôn được các con ủng hộ, khích lệ để duy trì xây dựng các kế hoạch thường xuyên hơn trong thời gian đến.

* Xin chân thành cảm ơn nhà thơ Vạn Lộc về cuộc trò chuyện này.

TRẦN TRUNG SÁNG

(thực hiện)