Người “phục hưng” con đường tơ lụa
(Cadn.com.vn) - Vào thế kỷ XVI, XVII con đường tơ lụa trên biển là chiếc cầu nối quan trọng trong việc truyền bá văn hóa phương Đông tới những nước phương Tây. Khi ấy Hội An (Quảng Nam) là một trong những thương cảng lớn đồng thời là điểm trung chuyển tơ lụa đi khắp nơi như Nhật Bản, Trung Quốc... Tuy nhiên, cùng với sự đổi thay của thời gian những làng nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa tại Quảng Nam đã dần mai một. Trong guồng quay ấy, vẫn có một con người nhiệt huyết, đặt hết niềm tin của mình vào những con tằm quê hương với ước mong một lần nữa làm sống lại con đường tơ lụa.
Là Giám đốc Làng lụa Hội An (Quảng Nam), Lê Thái Vũ (1974) đã có gần 20 năm đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm, trau dồi tri thức để gầy dựng lên một “bảo tàng sống” về nghề dệt lụa như hiện nay. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đại Lộc với những vườn dâu xanh ngút ngàn, trong suy nghĩ của cậu bé Vũ ngày ấy hình ảnh những nong tằm, con kén hấp dẫn lạ kỳ. Trải qua nhiều đời gia đình làm nghề ươm tơ dệt lụa, Vũ tích lũy được một số kiến thức về nghề này và anh cũng biết rằng lụa của Quảng Nam là một trong những chất lụa đẹp nhất. “Khi còn nhỏ gia đình tôi từng có 5 xưởng dệt với hàng ngàn nhân công xuất hàng đi khắp nơi. Kể cả Trung Quốc và Nhật Bản thời ấy cũng phải nhập hơn 80% tơ từ thương cảng Hội An. Sau khi thi đỗ vào Đại học Kinh tế TPHCM, tôi tự mình tìm đầu mối, giới thiệu sản phẩm của gia đình. Từ những thành công ban đầu ấy, năm 1998 sau khi ra trường tôi quyết định thành lập Cty Cổ phần tơ lụa Quảng Nam”.
Trong suốt những năm bôn ba tìm chỗ đứng cho sản phẩm lụa Quảng Nam điều khiến anh Vũ luôn trăn trở đó là lụa Quảng Nam vô cùng được yêu thích nhưng lại sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung thành một làng cụ thể vì vậy thương hiệu chưa được nhiều người biết đến. Học hỏi cách làm từ những làng nghề khác, ứng dụng vào thực tiễn tại quê nhà anh Vũ tìm ra 2 giải pháp cho vấn đề phát triển thương hiệu tơ lụa Quảng Nam: “Một là dùng du lịch để lấy kinh phí nuôi nghề. Hai là nghiên cứu và bảo tồn những giống dâu, tằm có lợi thế”. May mắn tìm được địa điểm thích hợp, Vũ bắt tay xây dựng làng lụa đồng thời đi khắp nơi để tìm kiếm “đặc sản” quê lụa. Niềm vui đến khi anh tìm được giống dâu đa là loại cây giúp cho tằm nhả tơ ngoài trời. Anh Vũ cho biết loại dâu này hiện nay rất quý hiếm và to gấp 5, 6 lần cây dâu thông thường, hiện nay tại làng lụa còn bảo tồn được 40 gốc dâu đa.
Lê Thái Vũ bên khung dệt lụa kết hợp giữa người Việt và Chăm. |
Ngoài giống cây, Vũ còn tới những nơi xa xôi của Ninh Thuận để tìm bằng được khung dệt của người Chăm. Với cái tâm của mình anh Vũ cho rằng: “Trước khi nghề ươm tơ dệt lụa của người Việt phát triển thì người Chămpa cũng đã rất phát triển nghề này vì vậy khi tạo không gian trưng bày tôi muốn du khách có một cái nhìn toàn diện không chỉ nghề lụa Quảng Nam mà là còn trên cả nước”. Một niềm vui cũng là sự may mắn đến với Làng lụa Hội An khi trong quá trình làm việc những nghệ nhân dệt lụa người Chăm và người Việt đã có sự kết hợp tạo ra một sản phẩm vô cùng độc đáo có một không hai. Từ chiếc khung mỏ quạ của người Việt và hoa văn trên lụa của người Chăm đã tạo ra những sản phẩm khác biệt mang hai nét văn hóa đặc sắc nhưng lại vô cùng hài hòa. Vũ tâm sự: “Tôi rất tự hào về khung dệt này bởi nó là minh chứng rõ nét nhất về sự giao thoa của văn hóa dệt lụa có tự ngàn xưa”.
Sau khi làng lụa đi vào hoạt động ổn định, Vũ bắt đầu mở rộng quy mô làng nghề bằng cách đi các nước ASEAN để quảng bá hình ảnh. “Với ưu thế của phố cổ Hội An chúng tôi bắt đầu bán những vé tham quan tour ngắn và dài từ 100-400 ngàn đồng. Chỉ mới đưa vào hoạt động từ năm 2012 nhưng giờ đây Làng lụa Hội An đã vinh dự được bầu chọn đứng thứ 3 trong những địa điểm du lịch yêu thích của Hội An”.
Uy tín và thương liệu lụa được tạo dựng, Vũ đã mạnh dạn phối hợp với Hiệp hội nghề Tơ lụa Nhật Bản tổ chức “Ngày hội văn hóa tơ lụa Việt Nam” vào ngày 28-12 cũng là dịp kỷ niệm 15 năm đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Đây được xem là mô hình đầu tiên và ngày hội văn hóa đầu tiên về tơ lụa tại Việt Nam. Với sự phong phú của các làng nghề như Mã Châu, Vạn Phúc, Phùng Xá… lễ hội đã cho du khách khắp nơi hiểu thêm về văn hóa đất Việt. Tại lễ hội nhiều hợp đồng đặt hàng của các nước ASEAN đã được ký kết.
Như vậy, trải qua những năm tháng bị mai một giờ đây nghề ươm tơ dệt lụa lại một lần nữa đã được tiếp thêm sức sống, đó cũng là nhờ những người con có tấm lòng nhiệt huyết với quê hương xứ sở như anh Vũ. “Sắp đến tôi có dự định sẽ khôi phục lại làng nghề lụa Mã Châu tại Duy Xuyên. Bên cạnh đó sẽ kết hợp thêm làm du lịch để kết nối với tháp Mỹ Sơn bởi làng nghề này nằm trên tuyến đường lên Mỹ Sơn”, Vũ cho biết.
Và như thế, con đường tơ lụa Quảng Nam một lần nữa sẽ bay cao vươn xa hơn nữa.
Hà Dung