Báo Công An Đà Nẵng

Người ra đi, lời ca còn vang mãi

Thứ năm, 10/11/2022 14:06
Nhạc sỹ Ánh Dương khi còn trẻ. Ảnh T.T

Nhạc sĩ Ánh Dương tên thật là Lê Ánh Dương, sinh năm 1935 ở xã Sơn Hải, H.Quỳnh Lưu (Nghệ An). Năm 1953, khi mới 18 tuổi, ông nhập ngũ trong đợt tổng động viên phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, làm lính xung kích trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào, lính tình nguyện ở Campuchia. Sau đó, ông trở về hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, vừa biểu diễn vừa sáng tác tại Đoàn Văn công Đại đoàn 325 (Quân khu IV).

Ngoài tác phẩm bất hủ "Chào em cô gái Lam Hồng", ông còn sáng tác nhiều ca khúc tiêu biểu khác như "Tạm biệt em", "Tiếng trống tòng quân". Nhiều tác phẩm của ông được tặng giải thưởng trong các hội diễn nghệ thuật toàn miền Bắc thời đó với các thể loại hợp ca và hợp xướng như: "Dốc lòng dốc sức giải phóng miền Nam", "Hoa đào nở trên biên giới", "Phu Cham Xy". Ngoài ra, ông còn có những ca khúc đạt Giải thưởng Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc như "O dân quân và chàng lính pháo trẻ", "Hành khúc Sư đoàn Sông Lam". Bên cạnh sáng tác nhạc, ông còn viết thơ Giao hưởng "Tượng đài chiến thắng" (1979) dành riêng cho dàn nhạc. Tác phẩm này đoạt Huy chương vàng Hội diễn Nghệ thuật toàn quốc năm 1980. Và tại Hội diễn Nghệ thuật toàn quốc năm 1981, ông tiếp tục đoạt giải viết nhạc với thể loại Múa Tày Hạy.

Ca khúc "Chào em cô gái Lam Hồng" là đỉnh cao, góp phần rất lớn khẳng định tên tuổi của ông trong sự nghiệp âm nhạc. Ca khúc được viết từ "đơn đặt hàng" của đồng chí Chủ nhiệm chính trị Tỉnh đội Hà Tĩnh trong đợt đi dự Đại hội Thi đua Quyết Thắng năm 1967. Trên đường về, trực tiếp chứng kiến cảnh các nữ TNXP xả thân san đường trong đêm trăng trên Quốc lộ 15A, Nhạc sỹ Ánh Dương vô cùng cảm phục sự gan dạ, kiên cường của họ…

Từ cảm xúc đó, nhạc sĩ đã thức suốt đêm để hoàn thành ca khúc "Chào em cô gái Lam Hồng". Năm 1969, nhạc sỹ Đỗ Nhuận thời điểm đó là Tổng Thư Ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam có dịp nghe bài hát này đã ghi âm mang về Hà Nội gửi Đài Tiếng nói Việt Nam để phát sóng rộng rãi. Từ đây, ca khúc của ông lan tỏa rộng rãi trong đời sống tinh thần của mọi tầng lớp xã hội và tác giả Ánh Dương thực sự được nhiều công chúng biết đến.

Ông gần như dành trọn cuộc đời cống hiến cho âm nhạc nhưng chưa từng thực hiện các sản phẩm âm nhạc của riêng mình. Sản phẩm của ông chỉ có duy nhất một CD tài liệu nói về bài hát "Chào em cô gái Lam Hồng" do Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tĩnh thực hiện.

Nhạc sỹ Ánh Dương - người dành gần như cả cuộc đời cống hiến cho âm nhạc đã qua đời. Ảnh T.T

Năm 1989, khi đang là Trưởng đoàn Văn công Quân khu 4, ông về nghỉ hưu và sống lặng lẽ, khép kín trong căn nhà riêng TP Vinh. Vợ của ông, bà Nguyễn Thị Mậu là một ca sỹ, đã mất vào năm 2004 bởi căn bệnh ung thư. Nhạc sỹ Ánh Dương có 4 người con nhưng chỉ duy nhất cô con gái thứ 3 là nối nghiệp bố mẹ. Đó nữ ca sỹ Thu Giang - công tác ở Đoàn Văn Công Quân khu 7.

Nhạc sĩ Ánh Dương vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt II, năm 2007, với cụm tác phẩm: "Chào em cô gái Lam Hồng", "Dốc lòng dốc sức giải phóng miền Nam" và thơ giao hưởng "Tượng đài chiến thắng". Ông là Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, 2 lần nhận giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương, tỉnh Nghệ An, lần thứ 3 (giai đoạn 2000 - 2005) và lần thứ 4 (giai đoạn 2005 - 2010). Ngoài ra, ông cũng được tặng các Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất.

Theo thông tin từ ông Hồ Mậu Thanh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An, Nhạc sĩ Ánh Dương từ trần vào lúc 6 giờ sáng 8-11 tại nhà riêng ở khối 8, P.Trường Thi, TP Vinh. Ông sẽ được an táng tại nghĩa trang Đồng Dương, xã Nghi Xuân, H.Nghi Lộc. Sự ra đi của Nhạc sĩ Ánh Dương để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, bạn bè và người yêu âm nhạc khắp cả nước. Ông ra đi nhưng những ca khúc do ông sáng tác thì sống mãi trong lòng khán thính giả yêu âm nhạc của cả nước hôm nay và mai sau…

Dương Hóa