Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng Kỹ thuật hình sự (23-8-1957 – 23-8-2022):

Người “săn lùng” dấu vết (Bài 1: Bắt tử thi “lên tiếng”)

Thứ hai, 22/08/2022 07:05
Trung tá Lê Văn Hải (áo blue) cùng đồng nghiệp thực hiện các xét nghiệm.

Nhắc đến Chuyên án 072G về Xiao Qui Ping (quốc tịch Trung Quốc) giết đồng hương rồi phân xác thả sông, ngoài tình tiết vụ án, dư luận không khỏi nức lòng khi hay tin Công an TP Đà Nẵng truy bắt được đối tượng trong thời gian ngắn. Nói về chiến công này, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên- Giám đốc CATP Đà Nẵng từng nói: “Đây là vụ án mà công an TP Đà Nẵng lập kỷ lục đối với công tác điều tra, phát hiện nhanh nhất tội phạm chỉ trọng vòng chưa đến 5 giờ”.

Quay lại đầu tháng 2-2020, người dân báo về việc phát hiện 1 va li trôi dạt vào phía bờ Tây sông Hàn, bên trong có một tử thi không có bộ phận đầu và hai cẳng chân. Trung tá Lê Văn Hải - Đội trưởng Đội Giám định thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự, cùng những cộng sự khác có mặt rất sớm từ khi nhận thông tin. Quá trình khám nghiệm ban đầu xác định nạn nhân là nữ giới, chưa rõ tung tích, tổ công tác tập trung ghi nhận các dấu vết trên tử thi, đồ vật mang theo trên người nạn nhân và trong va li. Nhận định hướng dòng nước và tốc độ, tổ công tác nhận định khả năng hung thủ thả trôi va li từ cầu Tuyên Sơn nên cho tìm kiếm 2 bên bờ sông. Kết quả đã tìm được phần thi thể còn lại ở bên bờ Đông sông Hàn.

Trung tá Hải kể lại, một cuộc họp khẩn được lập ngay tại bờ sông. Câu hỏi được Đại tá Trần Mưu (nguyên Phó Giám đốc Công an TP, Trưởng Ban chuyên án 072G) đặt ra một loạt câu hỏi: “Hai phần cơ thể tìm thấy có phải là của chung 1 người? Nạn nhân có phải là người nước ngoài? Bao nhiêu kẻ tham gia thực hiện hành vi man rợ này?”. Lần lượt từng câu hỏi được tổ khám nghiệm trả lời, là “chìa khóa” quan trọng để các lực lượng khác nhanh chóng xác định, bắt giữ đối tượng.

Về nguyên tắc, Công an phải giám định AND nhưng thời gian gấp rút, tổ khám nghiệm tiến hành khớp nối cơ học các phần thi thể, vị trí các vết cắt và kiểm tra độ tuổi của xương, răng thì trùng khớp, nhận định là của chung một người. Bên cạnh đó, tổ khám nghiệm thi thể cũng nhận định đây là người phụ nữ có quốc tịch ngoại quốc thông qua nhân dạng, đặc điểm và một số vật dụng tìm được trên thi thể. Về câu hỏi thứ 3, thông qua nhận định về lực cắt và tay thuận, tổ khám nghiệm cũng nhận định việc phân xác dã man chỉ do một người thực hiện. Các nhận định, quan điểm như đã nêu trên đều được các thành viên tổ khám nghiệm thống nhất cao.

“May mắn đều trùng khớp, đây là các căn cứ quan trọng nhất để khu trú, bó hẹp phạm vi để Cơ quan điều tra có thể nhanh chóng xác định nhân thân của nạn nhân và hung thủ”, Trung tá Hải nhớ lại.

Song song với đó, Tổ khám nghiệm tiến hành kiểm tra va li phát hiện một số nhãn hiệu, hóa đơn có thông tin về nơi mua bán các đồ vật. Xác định đây là “dấu vết nóng”, hóa đơn bị ngâm nước nên các chỉ số rất mờ, một tổ giám định khác ở trụ sở phòng Kỹ thuật hình sự cũng vào cuộc, tỉ mỉ đọc từng con số seri. Đây chính là mấu chốt, “chìa khóa vàng” để giúp cho việc điều tra, nhanh chóng xác định và bắt giữ được đối tượng phạm tội gây án là Xiao Qui Ping (1993), quốc tịch Trung Quốc.

Phòng Kỹ thuật hình sự tiến hành khám nghiệm hiện trường một vụ án mạng.

Ngoài vụ trên, Trung tá Hải cùng đồng đội còn tham gia nhiều vụ khám nghiệm tử thi khác, góp sức cho việc phá án. Như vụ vợ chồng Nguyễn Hữu Dũng thắt cổ chủ nợ rồi thả xuống sông hồi tháng 6-2018. Ở vụ án này, nhờ khám nghiệm tử thi, Phòng Kỹ thuật hình sự xác định nạn nhân chết do ngạt nước. Chi tiết này là căn cứ để đấu tranh, buộc tội và Dũng đã khai nhận thực hiện cột nạn nhân khi vẫn còn dấu hiệu sống.

Hay vụ cháy làm 3 người chết xảy ra tại phường Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn) ngày 5-4-2017, vụ cháy gây ra hoang mang, dư luận trong quần chúng. Nhờ làm tốt công tác khám nghiệm hiện trường, đơn vị thu thập được một số dấu vết, sản phẩm cháy có giá trị phục vụ tốt công tác giám định đã đưa ra nhận định nguyên nhân cháy là do chạm chập hệ thống điện trên xe máy để trong nhà nạn nhân. Từ kết luận này, Công an loại bỏ khả năng vụ án mạng, phục vụ tốt cho công tác điều tra, xử lý vụ việc, đồng thời giải tỏa dư luận trong quần chúng.

Với 20 năm gắn bó với nghề, Trung tá Lê Văn Hải là một trong những Bác sỹ pháp y đầu tiên của Công an TP Đà Nẵng. Anh cùng đồng đội luôn âm thầm lặng lẽ với công việc ai cũng “né”: mổ tử thi làm cho người chết “biết nói” để buộc tội kẻ thủ ác. Họ là những bác sĩ pháp y trong lực lượng Công an, chẳng mấy khi được “xướng tên” nhưng hành trình ghi dấu chiến công phá án đều có dấu chân thầm lặng của những người lính Kỹ thuật hình sự.

MAI VINH (còn nữa)