Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng Kỹ thuật hình sự (23-8-1957 – 23-8-2022):

Người “săn lùng” dấu vết (Bài 2: Vẽ lại “đường đi, nước bước” của tội phạm)

Thứ ba, 23/08/2022 07:04

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng KTHS, Thiếu tá Hồ Hùng, cán bộ Đội Khám nghiệm (Phòng KTHS- Công an TP Đà Nẵng) tham gia khám nghiệm hàng trăm vụ việc. Theo anh, yếu tố đầu tiên để thu thập dấu vết, vân tay là người khám nghiệm phải có óc phán đoán, vẽ lại đường đi của đối tượng. Từ đó, lựa chọn những vật mang vết để thu giữ hoặc truy nguyên dấu vết.

Giám định viên tỉ mẩn phân tích từng đường vân.

Nhắc lại Chuyên án 420T đấu tranh, bắt giữ nhóm đối tượng chuyên trộm cắp nhà “đại gia” vào tháng 3-2020, thời điểm đó Phòng KTHS đã huy động 20 lượt CBCS tổ chức khám nghiệm hiện trường 4 vụ án: “Trộm cắp tài sản” tại quận Ngũ Hành Sơn và quận Cẩm Lệ. Công tác khám nghiệm các vụ án này được tiến hành một cách kịp thời, khẩn trương đạt được hiệu quả cao khi cơ quan Công an phát hiện, ghi nhận, thu thập được một số dấu vết quan trọng, có giá trị truy nguyên như: dấu vết đường vân tay, dấu vết công cụ. Qua đó, đơn vị nhận định 4 vụ trộm cắp tài sản có liên quan với nhau, đều do một nhóm đối tượng chuyên nghiệp thực hiện với phương thức, thủ đoạn tinh vi, các đối tượng có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ hiện trường trước khi thực hiện hành vi phạm tội.

Là người trực tiếp tham gia khám nghiệm hiện trường, Thiếu tá Hồ Hùng, kể: Xác định được hướng đột nhập của nhóm trộm, tổ khám nghiệm chia nhau thu thập dấu vân tay lần lượt từ ban công, tay nắm cửa đến tủ... Dù nhóm “đạo chích” đã có sự chuẩn bị nhưng với sự tỉ mỉ, toàn diện của tổ công tác, lần lượt những dấu vân tay lạ trong hàng chục dấu vân tay tại hiện trường được sàng lọc, đưa đi tra cứu.

“Chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị đã tiến hành gửi tra cứu nghiệp vụ 9 dấu vết đường vân tay đủ đặc điểm và xác định đó là của Nguyễn Văn Dũng (1993, trú P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng). Từ đó giúp lực lượng trinh sát xác định được 4 đối tượng có liên quan để tập trung theo dõi, đấu tranh và khám phá thành công chuyên án”, Thiếu tá Hùng nói.

Nhờ vào công tác nghiệp vụ vững vàng, nhiều vụ “nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm như Chuyên án Đ618/HV bắt nhóm cắt cáp viễn thông ở huyện Hòa Vang; bắt đối tượng Nguyễn Hoài Vũ trong Chuyên án 293X, truy xét thủ phạm chuyên đập nhiều kính xe ô-tô để trộm tài sản tại TP Đà Nẵng năm 2018 cũng được khám phá nhờ vào những dấu vết của tổ khám nghiệm thuộc Phòng KTHS- Công an TP Đà Nẵng thu được.

Ngoài công tác khám nghiệm, công tác giám định cũng giúp sức đắc lực cho Cơ quan điều tra. Như trong chuyên án bắt giữ nhóm đối tượng ngoại tỉnh làm giả CCCD để mở tài khoản ngân hàng lừa đảo vào tháng 7-2022, Đại úy Trần Thị Xuân Thọ, giám định viên Phòng KTHS, nhắc lại những áp lực về thời gian phải đối mặt. Theo đó, tối 2-7, Phòng KTHS nhận được yêu cầu giám định 5 CCCD. Yêu cầu giám định trong thời gian gấp rút để Cơ quan CSĐT có đủ căn cứ hoàn thành hồ sơ khởi tố, bắt giữ các đối tượng. Dù thứ bảy, Đại úy Trần Thị Xuân Thọ cũng nhanh chóng có mặt theo điều động cùng các giám định viên khác bắt tay vào cuộc. Vừa tiếp nhận, giám định viên đối mặt khó khăn rất lớn là không có mẫu gốc để so sánh. Trong đêm, Đại úy Thọ phải liên hệ nhiều đơn vị nghiệp vụ của Công an TP lẫn Cục nghiệp vụ của Bộ Công an để lấy thông tin mẫu so sánh. Hàng chục cuộc gọi và hàng trăm tin nhắn trao đổi nghiệp vụ được thực hiện trong đêm. Với nỗ lực và quyết tâm lớn theo đúng quy trình, kết quả giám định cho thấy cả 5 CCCD cần giám định đều là giả, góp phần quan trọng để tiếp tục xử lý nhóm đối tượng theo quy định, không cho nhóm có cơ hội tẩu thoát.

Những kết quả của lực lượng KTHS là căn cứ quan trọng để Cơ quan CSĐT khám phá nhiều vụ án “nóng”.

Ngoài ra, tổ giám định tài liệu của Phòng KTHS đã tham gia giám định nhiều tài liệu quan trọng, phức tạp, với hàng ngàn trang tài liệu rối ren, tìm ra chân tướng vụ việc. Điển hình như tiến hành giám định tài liệu 500 bộ “hồ sơ đất” là giả, làm chứng cứ phục vụ đấu tranh chuyên án của Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng đối với vụ án Trần Văn Thôi cùng đồng bọn làm giả các hồ sơ xin cấp đất xảy ra tại P. Hòa Khánh Nam (Q. Liên Chiểu) hồi năm 2018…

Thượng tá Trần Hoài Phương- Trưởng phòng KTHS Công an TP Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Phòng KTHS và Đội KTHS Công an các quận, huyện TP Đà Nẵng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, tử thi hơn 383 vụ việc; tiếp nhận và giám định 321 vụ với 2.150 yêu cầu. Kết quả khám nghiệm, giám định phục vụ tốt công tác nghiệp vụ của cơ quan trưng cầu, xác lập chứng cứ khoa học làm cơ sở quan trọng giải quyết các vụ việc, tiến hành tố tụng xử lý theo pháp luật. Đặc biệt, các kết quả do lực lượng KTHS thực hiện đã góp phần giúp cơ quan điều tra tập trung điều tra theo hướng khác, tiết kiệm thời gian, công sức.

Tâm sự về nghề, Thượng tá Phương cho rằng, tận tụy là yêu cầu đòi hỏi ở mọi lĩnh vực công tác nhưng tận tụy đối với công tác KTHS còn đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn. Bên cạnh đó, công việc khám nghiệm hiện trường còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và độc hại, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Trong bối cảnh mới, phương thức, thủ đoạn, hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi nhưng phương tiện kỹ thuật và con người còn thiếu so với thực tiễn. “Với truyền thống 65 năm của lực lượng KTHS, toàn đơn vị vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan CSĐT, các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài ngành điều tra, giải quyết các vụ án, vụ việc góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn, đáp lại sự mong mỏi, tin tưởng của lãnh đạo các cấp”, Thượng tá Phương, nói.

MAI VINH