Báo Công An Đà Nẵng

Người say mê các công trình chế phẩm sinh học

Thứ hai, 01/04/2019 08:40

Thời thơ ấu của chị Trịnh Thị Hồng (ở P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) làm bao người xúc động, còn những thành quả tiêu biểu, độc đáo của người phụ nữ này khiến hàng triệu người thán phục. Chị đã giành giải đặc biệt trong cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc và vừa được chọn đi dự Hội nghị Phát triển cộng đồng tại trụ sở Liên hiệp quốc.

Chị Hồng trong xưởng sản xuất các loại chế phẩm sinh học.

* Sau 4 năm hoạt động, Dự án "Minh Hồng, chế phẩm sinh học đa dụng" đã khẳng định được uy tín trên thị trường. Năm 2016, chị Hồng tham gia cuộc thi khởi nghiệp trong nước, do Tổ chức Hatch! Fair 2016 tổ chức, giành giải đặc biệt/400 dự án tham gia (giải thưởng duy nhất của cuộc thi với mức thưởng 100 triệu đồng). Năm 2017, chị vinh dự nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chị còn được các cơ quan chức năng chọn tham gia cuộc thi sáng tạo thế giới tại Phần Lan và thi khởi nghiệp sáng tạo Khối kinh tế Asean tại Philippines. Đặc biệt, chị Hồng là 1 trong 3 đại biểu của Việt Nam tham dự và chia sẻ tại Hội nghị Phát triển cộng đồng Châu Á, do Liên minh Quyền nhà ở Châu Á tổ chức tại Thái Lan và tại trụ sở Liên Hợp Quốc vào cuối năm 2018... Với nhiều thành quả xuất sắc, chị Hồng đã được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng 12 Bằng khen, nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể của Trung ương khen thưởng và vinh dự được bình chọn là 1 trong 20 "Công dân Đà Nẵng tiêu biểu".

Thời thơ ấu nhọc nhằn

Chị Hồng mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ và mới 48 ngày tuổi, mẹ cũng qua đời vì bệnh tật. Từ đó, người chị của chị phải thay cha mẹ nuôi đàn em trong cảnh giặc giã, đạn bom. Năm 1973, cô bé Hồng 8 tuổi được đơn vị bộ đội gửi ra miền Bắc chữa bệnh. Sau năm 1975, Hồng trở về miền Nam, vào học Trường Nội trú Tam Kỳ, năm 1978, vừa học hết lớp 5 thì trường Nội trú giải thể. Không còn trường đồng nghĩa với việc không còn chốn nương thân nhưng chị vẫn quyết tâm học tập và tự bươn chải kiếm sống để theo đuổi việc học. Ngoài giờ học, chị đi đào phế liệu kiếm tiền  và xin vào ở trong khu gia binh tại căn cứ Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) của chế độ cũ. Tốt nghiệp cấp II, Hồng ra Đà Nẵng kiếm việc làm và được nhận vào làm công nhân Xí nghiệp Liên hợp Dược Quảng Nam-Đà Nẵng (nay là Công ty Dược Danapha Đà Nẵng). Ban ngày đi làm, ban đêm đi học, chị lần lượt tốt nghiệp trung học bổ túc văn hóa và trung cấp kế toán. Sau đó, chị xin vào làm việc tại một công ty may của nước ngoài đầu tư ở Đà Nẵng.

Năm 2006, chị Hồng lâm trọng bệnh phải điều trị dài ngày tại Bệnh viện Trung ương Huế. Hai năm sau, chị chuyển về P. Hòa Minh sinh sống. Hăng hái tham gia công tác xã hội, chị được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Phụ nữ khu dân cư Hòa Phú 5. Chị đã thực hiện xuất sắc công tác vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới, được UBTƯ MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen, xây dựng Chi hội Phụ nữ Hòa Phú 5 đạt "Giải thưởng Chi hội phụ nữ" năm 2012 của Hội LHPN TP Đà Nẵng. 

Nghiên cứu, sáng chế các chế phẩm sinh học

Với sự yêu thích công nghệ sinh học, chị Hồng đã dày công nghiên cứu, chế biến các sản phẩm vệ sinh cá nhân và làm sạch đồ gia dụng từ các loại rau, củ, quả, hoa tươi bị hư hỏng. Những sản phẩm đầu tay của chị như nước rửa chén, nước lau nhà đem tặng bà con, hàng xóm, ai cũng khen vì sử dụng có hiệu quả tốt mà không hề bị hóa chất ăn da tay như nhiều sản phẩm hiện có trên thị trường. Người phụ nữ giàu nghị lực và tài năng ấy đã làm Dự án "Minh Hồng, chế phẩm sinh học đa dụng", tiếp tục nghiên cứu, sáng chế các loại chế phẩm sinh học và đăng ký tham dự Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng khóa đầu tiên vào đầu năm 2016.

"Khóa ấy có 40 ứng viên tương ứng với 40 dự án tham dự, nhưng qua 2 vòng xét tuyển, chỉ còn chị Hồng và 7 người nữa được chọn đào tạo", Chủ tịch Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp TP Đà Nẵng Võ Duy Khương cho biết. Qua 6 tháng đào tạo, chị Hồng đã học được nhiều kiến thức quý giá như phương pháp lập kế hoạch chiến lược, phát triển dòng sản phẩm, tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Đặc biệt, PGS.TS Lê Diệu Ánh ở TP Hồ Chí Minh từ sự cảm phục tài năng và trân quý công trình đem lại lợi ích cho môi trường sống của cộng đồng đã ủng hộ chị Hồng 100 triệu đồng lắp đặt thiết bị làm tăng độ PH lên ngưỡng cho phép. Tiếp đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng đã hướng dẫn chị làm thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ 35 dòng sản phẩm từ nước rửa chén đến các loại mỹ phẩm chăm sóc cá nhân và hỗ trợ kinh phí cho chị xây dựng xưởng chế biến nhằm đưa Dự án "Minh Hồng, chế phẩm sinh học đa dụng" đi vào sản xuất. Đồng thời, chị cũng làm thủ tục thành lập Công ty TNHH MTV Công nghệ sinh học Minh Hồng, văn phòng và xưởng sản xuất nằm trên đường Phú Lộc 16 P.Hòa Minh. Đây cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Hòa Minh có chi bộ Đảng, do chị làm Bí thư chi bộ kiêm Giám đốc công ty. Giàu nhiệt tình, tâm huyết và lòng nhân ái, chị Hồng còn được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Q.Liên Chiểu.  

Thương hiệu Dự án "Minh Hồng, chế phẩm sinh học đa dụng" ngày càng lan rộng, thu hút sự quan tâm của nhiều người.  Không chỉ tại Đà Nẵng, Hội Phụ nữ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Hưng Yên, TT-Huế... đã hợp đồng chị hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại chế phẩm sinh học. Ở Q.Liên Chiểu, chị Hồng đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức 12 lớp tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật làm các loại chế phẩm sinh học (100 người/lớp). Qua đó, Dự án đã giúp hàng ngàn người có việc làm, thu nhập ổn định. Những hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chị bao tiêu sản phẩm. Những loại rau, củ, quả hư hỏng cùng các loại hoa tươi đã héo, được mọi người thu nhặt, làm các chế phẩm sinh học theo công thức của chị Hồng. Có hộ làm để gia đình sử dụng, nhiều hộ làm để bán, tăng thêm nguồn thu nhập. Theo ông Hồ Biết, Chủ tịch Hội Nông dân P.Hòa Minh, Dự án "Minh Hồng, chế phẩm sinh học đa dụng" vừa đạt hiệu quả cao về giảm nghèo và an sinh xã hội, vừa thiết thực góp phần bảo vệ môi trường.   

Hiện nay chị Hồng đã sản xuất thành công 9 loại sản phẩm, rẻ tiền nhất là nước lau nhà (44.000 đồng/lít), đắt nhất là dầu gội đầu (650.000 đồng/lít) và sản phẩm mới nhất là từ cơm nguội làm thành sữa tắm. "Sản phẩm mình làm ra chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, khách hàng nhiều nơi đặt hàng thường xuyên, nhưng mình mới cung cấp được một lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế", chị Hồng chia sẻ.

LÊ VĂN THƠM