Báo Công An Đà Nẵng

Người say mê lịch sử cách mạng quê hương

Thứ năm, 09/07/2020 17:12

Tôi gặp ông Dương Tấn Đạt - nguyên Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang, TP Đà Nẵng vào một ngày đầu tháng 7-2020, nhân dịp ngành Tuyên giáo chuẩn bị tổ chức 90 năm ngày thành lập. Ông Đạt cười bảo: "Tôi đến với ngành Tuyên giáo cũng như một  "duyên nghiệp" vậy, đã thế lại còn phụ trách mảng Khoa giáo, nghiên cứu về lịch sử, thật đúng với sở trường của tôi...".  

Ông Dương Tấn Đạt luôn say mê nghiên cứu lịch sử cách mạng quê hương Hòa Vang.

 Năm 1978, ông Đạt tạm biệt quê hương Bồ Bản, Hòa Phong, Hòa Vang lên đường nhập ngũ. Sau 5 năm quân ngũ, năm 1982, ông Đạt theo học tại Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Huế. Tốt nghiệp ra trường, ông về công tác tại Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Hòa Phong. Năm 1994, ông Đạt là Phó Chủ tịch HĐND xã Hòa Phong. Từ  năm 2007 đến năm 2014 ông là Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong, Chính thời gian này, "duyên nghiệp" đã đến với ông Đạt. Huyện ủy Hòa Vang phân công ông về Ban Tuyên giáo  Huyện ủy, phụ trách mảng Khoa giáo, chuyên nghiên cứu về lịch sử cách mạng. Ông kể, nhận nhiệm vụ mới, nhưng ông không hề bỡ ngỡ, mặc dù không được đào tạo về ngành sử học, nhưng thời học phổ thông trung học, ông đã rất say mê môn sử.  Hòa Vang là mảnh đất lịch sử, giàu truyền thống cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm; là mảnh đất thành đồng "trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ" đã được Bác Hồ khen ngợi: "Hãy cố gắng làm cho Hòa Vang trở thành chấm son trên bản đồ Tổ quốc". Được nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử cách mạng quê hương Hòa Vang là  hạnh phúc của ông.

Thời điểm ông Đạt về công tác tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy, trước đó Huyện ủy đã triển khai một số công tác, nghiên cứu, sưu tầm, tìm hiểu xây dựng được một số văn bia di tích lịch sử cách mạng, tổ chức xuất bản được cuốn Lịch sử cách mạng Hòa Vang giai đoạn 1930-2015. Ông Đạt cùng Ban Tuyên giáo tham mưu cho Huyện ủy ra Chỉ thị số 10 về công tác biên soạn lịch sử và tuyên truyền, đưa lịch sử Đảng bộ Hòa Vang vào giảng dạy trong trường học hệ trung học cơ sở, triển khai phổ biến, tuyên truyền, nghiên cứu tại các ban ngành, Hội,  đoàn viên, đảng viên... nắm được lịch sử địa phương.

Thời điểm trước đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã xây dựng được tập sách về lịch sử truyền thống giữa hai huyện kết nghĩa là Quảng Xương, Thanh Hóa và Hòa Vang, Quảng Đà trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và xây dựng quê hương sau ngày giải phóng. Ban Tuyên giáo cũng tham mưu Huyện ủy đưa lịch sử về truyền thống chiến đấu, xây dựng quê hương của hai huyện vào giảng dạy trong trường học. Việc đưa lịch sử Đảng bộ, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương vào giảng dạy trong trường học ở Hòa Vang  được Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đánh giá đây là mô hình rất có ý nghĩa,  cần được nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố, đã có nhiều địa phương trên cả nước đến học tập về mô hình này. Cũng trong thời gian đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu tổ chức Hội thảo về Danh nhân Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh - một chí sĩ yêu nước trong phong trào chống giặc ngoại xâm trước năm 1930, quê ở La Châu, Hòa Khương, Hòa Vang. Năm 2018, kỷ niệm 200 năm ngày sinh, bia tưởng niệm nhà chí sĩ yêu nước đã được xây dựng tại quê hương ông.

Ngoài ra, Ban Tuyên giáo còn tham mưu cho Huyện ủy tổ chức Hội thảo về khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang thời kỳ chống Mỹ tại Hòa Phú. Sau Hội thảo này, Ban Tuyên giáo đã tổ chức sưu tầm các tư liệu, hiện vật, kỷ vật... liên quan đến khu căn cứ, hoàn thành một đĩa CD về các nhân chứng lịch sử ở khu căn cứ. Khu căn cứ lịch sử cách mạng Huyện ủy Hòa Vang đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia vào năm 2014.

 Trong câu chuyện với tôi, ông Đạt bảo, người làm công tác nghiên cứu lịch sử cách mạng phải chịu khó nghiên cứu, đọc nhiều sách vở, tài liệu. Đây là công việc phải tỉ mỉ, thận trọng, chịu khó vất vả, đi thực tế, gặp gỡ nhân chứng... Trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy xây dựng một số bia di tích, chiến tích cách mạng ở Giáng Đông, Hòa Châu; xây dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ hai huyện Hòa Vang và Quảng Xương kết nghĩa; tham mưu cho Huyện ủy chỉ đạo các địa phương trên địa bàn huyện bổ sung hoàn chỉnh lịch sử cách mạng giai đoạn 1975-2020; biên soạn bổ sung lịch sử đấu tranh cách mạng của lực lượng vũ trang huyện  giai đoạn từ 1975 đến 2020; triển khai đưa lịch sử cách mạng huyện vào các lớp bồi dưỡng chính trị cho đảng viên mới và đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh toàn huyện. Năm 2020 là năm kỷ niệm 90 năm thành lập ngành Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Huyện ủy cũng đang xây dựng một cuốn kỷ yếu ngành Tuyên giáo huyện từ  năm 1930 đến nay của H. Hòa Vang.

Ông Đạt cho biết, tháng 3-2020, ông đã nhận quyết định nghỉ hưu sau khi tròn 42 năm công tác, nhưng ông vẫn tâm huyết với "duyên nghiệp" của mình lắm. Nghỉ hưu rồi, ông vẫn tham gia đóng góp các ý kiến, cùng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, tham mưu cho Huyện ủy, tiếp tục triển khai cho các ngành, hội đoàn thể như Mặt trận, Nông dân, Phụ nữ, thanh niên... viết lịch sử về ngành, hội, đoàn thể của mình trên địa bàn huyện. Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tài liệu xây dựng các bia chiến tích, di tích cách mạng trên địa bàn cũng như các hiện vật, kỷ vật về khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang. Tổ chức Hội thi giáo viên môn lịch sử giỏi toàn huyện, chuẩn bị xuất bản tập sách những mô hình hay học tập theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh,  chào mừng Đại hội Đảng bộ Hòa Vang giai đoạn 2020-2025. Là Hội viên Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, niềm  say mê nghiên cứu lịch sử cách mạng quê hương vẫn cháy trong ông.

Hồng Thanh